(Baothanhhoa.vn) - Dù các đơn vị chức năng, các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em nhưng hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra một số vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, ảnh hưởng đến tinh thần, thể xác con trẻ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh và xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Dù các đơn vị chức năng, các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em nhưng hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra một số vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, ảnh hưởng đến tinh thần, thể xác con trẻ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh và xã hội.

Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Đội trẻ em huyện Lang Chánh thể hiện phần thi tại Hội thi tìm hiểu Luật Trẻ em và Phòng chống bạo lực trẻ em tỉnh Thanh Hóa năm 2018.

Hồi chuông báo động

Theo số liệu tổng hợp, từ năm 2014 đến 2018 toàn tỉnh xảy ra 158 vụ xâm hại trẻ em với 175 đối tượng xâm hại, 166 bị hại. Trong 4 tháng đầu năm 2019 nghi xảy ra 4 vụ xâm hại tình dục trẻ em và 2 vụ bạo hành.

Hẳn mọi người chưa hết bàng hoàng, bức xúc về vụ việc xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 7-1-2019, cháu Chu Thị Tr., sinh năm 2013, đang chơi một mình tại ngõ nhà ông Chu Hữu Lợi, sinh năm 1973, ở thôn Đông Tân, xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa) thì bị ông Lợi dụ dỗ, bế vào nhà thực hiện hành vi dâm ô, đe dọa khiến cháu Tr. ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý. Về nhà, cháu kể lại sự việc cho bố mẹ nghe và gia đình đã nhanh chóng báo cáo công an xã, đồng thời phối hợp cùng công an đưa cháu Tr. vào Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa khám và điều trị. Đối tượng Lợi đã bị công an giam giữ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cuối tháng 4 vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được tin phản ánh từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 về vụ việc cháu Nguyễn Thị Quỳnh H., sinh năm 2013 là con gái chị Kim Thị Lan và cháu Lê Kiều Tr., sinh năm 2012, học cùng lớp với cháu H., trú tại xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, bị đối tượng Nguyễn Văn Đào, sinh năm 1962, là hàng xóm nhà cháu H. dâm ô. Sở đã làm công văn gửi UBND huyện Cẩm Thủy đề nghị khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ. Vụ việc trên đang trong quá trình điều tra, chưa có kết quả thì khoảng 16 giờ ngày 8-5, ông Nguyễn Ngọc Phác, 79 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại xã Cẩm Phong, bị một số người dân xã Cẩm Sơn “vây bắt” tại khu vực cánh đồng lúa giáp ranh giữa thôn Hoàng Giang và thôn Gia Dụ, xã Cẩm Sơn vì thấy người này đang giở trò đồi bại với một bé gái 8 tuổi, có hộ khẩu tại xã Cẩm Phong (hiện đang sinh sống cùng mẹ và bà ngoại ở xã Cẩm Sơn) và báo cho chính quyền địa phương. Công an xã Cẩm Sơn đã tiếp cận hiện trường, người liên quan. Nhận thấy vụ việc phức tạp nên đã báo cáo và bàn giao lại cho công an huyện. Ông Phác sau đó bị công an huyện tạm giữ hình sự để tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ theo thông tin tố giác của nhân dân.

Về các vụ bạo hành trẻ em, chắc chưa ai quên vào ngày 21-2, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một bé gái bị bố đẻ dùng roi tre đánh, gây vết thương vùng mặt, sưng tím vùng mông và tay, gây bức xúc dư luận xã hội. Vụ việc được cho là đã xảy ra ở thôn 5, xã Nông Trường (Triệu Sơn). Trước thông tin trên, các đơn vị chức năng đã nhanh chóng phối hợp vào cuộc xác minh vụ việc. Kết quả, cháu Lê Thị Thu N., sinh năm 2011 bị chính bố đẻ là Lê Đình Hải, sinh năm 1984 bạo hành là đúng sự thật. Sau 1 ngày xảy ra sự việc, cháu N. được gia đình đưa đi thăm khám sức khỏe và điều trị vết thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đến ngày 1-3 cháu N. đã trở lại lớp học bình thường.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Theo số liệu thống kê của ngành lao động – thương binh và xã hội, hiện toàn tỉnh có 890.976 trẻ em, trong đó có 42.992 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 90.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua tuy công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có những bước tiến đáng kể. Song, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ hiện vẫn gặp phải những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và giải quyết như tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn xảy ra với tính chất vụ việc diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, kịp thời đến công tác bảo vệ trẻ em cũng như chưa chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ. Trong khi kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ còn hạn chế; môi trường sống chưa bảo đảm an toàn và thân thiện cho trẻ. Vẫn còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý kéo dài hoặc xử lý chưa nghiêm... làm tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ, đi ngược lại với luân thường đạo lý, làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, gây bức xúc dư luận.

Ngay sau hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra ngày 6-8-2018 cũng như thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 17-10-2018 về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai khác liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các địa phương cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em; tổ chức hiệu quả các hoạt động như: Tháng hành động vì trẻ em, ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, ngày gia đình Việt Nam và diễn đàn trẻ em các cấp; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em; huy động gia đình, nhà trường, xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ. Ngành công an tiếp tục đấu tranh hiệu quả với tội phạm xâm hại trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em trong các trường học nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Đối với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nâng cao hiệu lực trong việc bảo vệ quyền trẻ em, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật. Nhất là các vụ án điển hình về xâm hại trẻ em được dư luận quan tâm cần kịp thời đưa ra xét xử nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ hiệu quả để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hướng đến mục tiêu mọi trẻ em đều được tạo cơ hội để thực hiện quyền cơ bản của mình.

Bài và ảnh: Vân Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]