(THo) - Là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, đến nay, hàng trăm hộ dân huyện Mường Lát vẫn đang phải sống tạm ở trường học, nhà dân, lều tạm. Người dân vùng lũ hiện đang thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt... Trong khi đó, việc vận chuyển hàng cứu trợ đến người dân gặp khó khăn khi giao thông vẫn còn chia cắt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau lũ, Mường Lát ngổn ngang nỗi lo

(THo) - Là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, đến nay, hàng trăm hộ dân huyện Mường Lát vẫn đang phải sống tạm ở trường học, nhà dân, lều tạm. Người dân vùng lũ hiện đang thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt... Trong khi đó, việc vận chuyển hàng cứu trợ đến người dân gặp khó khăn khi giao thông vẫn còn chia cắt.

Gạo cứu trợ đã được đưa đến xã Tam Chung (Mường Lát) để cấp phát cho người dân. Ảnh: Hoàng Giang

Vận chuyển gạo cứu trợ gặp khó khăn

Đến ngày 6-9, để đưa hàng cứu trợ đến với đồng bào vùng lũ ở Mường Lát, con đường duy nhất là phải di chuyển bằng xe máy nhiều chặng, rồi đi xuồng theo sông Mã mới có thể về đến trung tâm thị trấn Mường Lát. Tuy nhiên, hiện nước sông Mã đang chảy xiết nên việc di chuyển qua lại của người dân cũng như việc đưa hàng cứu trợ lên Mường Lát rất nguy hiểm.

Đồng chí Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Hiện nay, xăng, dầu của huyện đã cạn kiệt; lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu thiếu thốn. Tại các bản, người dân phải nương nhờ nhau; ngay thị trấn Mường Lát cũng đang thiếu gạo phải đưa từ Lào sang. Đặc biệt, hệ thống nước sinh hoạt của người dân đang rất khó khăn vì các đường ống dẫn nước bị hư hỏng hết. Người dân đang phải lấy nước từ các mó về để phục vụ cho sinh hoạt. Trước tình hình cấp thiết về lương thực, UBND tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp cho người dân huyện Mường Lát 10 tấn gạo; một số tổ chức từ thiện cũng hỗ trợ gạo, muối. Tuy nhiên, do giao thông bị chia cắt nên việc vận chuyển gạo và hàng cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng cứu trợ phải chở từng bao gạo và hàng cứu trợ bằng xe máy, vượt 10km đường rừng từ trung tâm xã Trung Lý đến bến đò Chiềng Nưa (xã Mường Lý) rồi chuyển lên thuyền, ngược dòng sông Mã thêm 14km đến xã Tam Chung tập kết, cấp phát cho người dân. Đến ngày 6-9, lực lượng cứu trợ mới vận chuyển được khoảng 3 tấn gạo cứu trợ. Số gạo này đã bắt đầu được cấp phát cho người dân ở xã Tam Chung và Tén Tằn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện cũng khuyến cáo người dân không nên đi xuồng qua sông, tránh tai nạn đáng tiếc.

Là một trong số các gia đình bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ, căn nhà của gia đình cô Vi Thị Tươi (là giáo viên Trường Mầm non xã Pù Nhi), bản Na Tao, xã Pù Nhi, bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở đất. Cô Tươi cùng 2 con nhỏ chỉ kịp chạy thoát thân, toàn bộ đồ đạc trong nhà đều bị vùi lấp. Cô Tươi buồn rầu, chia sẻ: Hôm lũ về, tôi cùng 2 con đang ở trong nhà. Thấy mưa to quá, nước tràn vào nhà, tôi đưa các con qua nhà hàng xóm trú nhờ. Quay về, định lấy ít đồ đạc thì thấy đất đá trên đồi sạt xuống, phút chốc ngôi nhà đã bị chôn vùi dưới đống đất đá. Nhà mất, trắng tay, tôi còn không kịp lấy cho các con bộ quần áo để thay. Hiện nay, 3 mẹ con đang ở nhờ nhà mẹ đẻ cách nhà cũ khoảng 7 km. Mọi chi phí sinh hoạt đều phải nhờ vào gia đình người thân, họ hàng, đồng nghiệp giúp đỡ.

May mắn hơn gia đình chị Tươi, căn nhà của gia đình ông Lê Quang Vịn, bản Na Tao, xã Pù Nhi cũng bị vùi lấp nhưng ông Vịn còn kịp lấy được ít đồ đạc ra ngoài. Không còn nhà để ở, gia đình ông Vịn cũng đang phải ở nhờ nhà người thân. Lương thực hàng ngày được hàng xóm, láng giềng giúp đỡ. Ngoài ra, gia đình ông cũng phải ra các quán bán hàng trong xã xin mua chịu các đồ dùng thiết yếu để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Mong sớm ổn định cuộc sống

Theo thống kê của huyện Mường Lát, trận lũ vừa qua đã khiến 114 hộ dân trên địa bàn các xã, như: Mường Lý, Trung Lý, Tam Chung, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Chanh bị sập hoàn toàn, có 199 hộ phải sơ tán, di dời chưa có nhà ở, bà con đang phải đi ở nhờ; đã có 7 người chết và mất tích. Tại bản Poọng, xã Tam Chung có 89 hộ dân thì chỉ còn 10 hộ nhà còn nguyên vẹn, 32 hộ sập hoàn toàn, các hộ còn lại bị vùi lấp, hư hỏng. Cả bản có 417 khẩu đều phải sơ tán đến các nơi, như: Đồn Biên phòng Tam Chung, trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện, đội sản xuất của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5...

Chỉ sau một đêm, nhiều người dân rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất. Để hỗ trợ tạm thời cho bà con vùng lũ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát đã bố trí chỗ ở cho 350 người dân tại doanh trại của đơn vị. Huyện đang tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, cung cấp xoong, nồi, quần áo cho dân... Cũng do giao thông chia cắt, nhiều hộ dân bị mất nhà, khiến nhiều học sinh dù đã vào năm học mới vẫn chưa thể đến trường.

Cô giáo Tống Thị Ninh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Pù Nhi, cho biết: Nhà trường có 1 điểm chính và 6 điểm lẻ. Sau khai giảng năm học mới, dù đường đi lại khó khăn, nguy hiểm, nhưng các giáo viên cắm bản đã có mặt tại các điểm trường để huy động học sinh ra lớp. Tuy nhiên, do lũ gây thiệt hại lớn, tinh thần người dân chưa ổn định nên đến hết ngày 6-9, mới có khoảng 50% số học sinh ra lớp. Trường Mầm non xã Pù Nhi cũng có 3 gia đình cô giáo ở bản Na Tao có nhà bị lũ cuốn trôi, vùi lấp hoàn toàn. Điều kiện các cô giáo vô cùng khó khăn khi toàn bộ đồ đạc, nhà cửa bị mất trắng. Không còn nhà để ở, 2 cô giáo đang phải ở nhờ tại nhà người thân và 1 cô ở nhờ Trường Tiểu học Pù Nhi.

Theo dự kiến, khoảng 2 đến 3 ngày nữa là đường lên Mường Lát mới có thể thông. Hiện nay, cùng với việc khắc phục sau lũ, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đang tập trung lo nơi ở tạm, cũng như lương thực, thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân vùng lũ.

Đồng chí Lương Minh Thông cũng cho biết thêm: Trận mưa lũ vừa qua trên địa bàn huyện Mường Lát đã gây những tổn thất nặng nề về người và tài sản. Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, công tác khắc phục hậu quả còn gặp nhiều khó khăn và sẽ mất nhiều thời gian. Hiện, huyện Mường Lát đang nỗ lực khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân. Trong đó, trước hết tập trung hỗ trợ lương thực cho những hộ gia đình bị mất nhà ở bằng cách huy động hỗ trợ tại chỗ. Với tinh thần không để người dân vùng lũ bị đói, huyện kêu gọi người dân trên địa bàn cùng chung tay giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tập trung bố trí nơi ở mới cho người dân; dựng nhà tạm cho người dân. Do ít diện tích đất ở và đất sản xuất, nên việc quy hoạch nơi ở mới cho nhân dân nơi đây cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở bản Poọng, xã Tam Chung. “Để ổn định đời sống nhân dân, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhân dân, chúng tôi rất cần sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, để người dân Mường Lát bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống” – ông Thông chia sẻ.

Được biết, trên địa bàn Mường Lát, do khan hiếm mặt hàng xăng dầu và nhu cầu đi lại của người dân nên giá xăng dầu do người dân bán lẻ cũng tăng (khoảng 25.000 đồng/1 chai 650ml); giá dịch vụ đi xe ôm cũng tăng hơn so với ngày thường. Vì vậy, bên cạnh công tác khắc phục sau lũ, chăm lo đời sống nhân dân vùng lũ, huyện Mường Lát và ngành chức năng cần có sự chỉ đạo kịp thời, tránh việc lợi dụng khó khăn trong khi khan hiếm các mặt hàng (đặc biệt là mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm...) để tăng giá gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]