(Baothanhhoa.vn) - Thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhiều người dân đã không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Cuộc sống của nhiều người dân vốn đã khó, không có BHYT càng khiến nguy cơ tái nghèo hiện hữu mỗi khi họ ốm đau, bệnh tật.

Ra khỏi vùng khó, còn đó nhiều nỗi lo... (Bài 3): Ngổn ngang câu chuyện bảo hiểm y tế

Thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhiều người dân đã không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Cuộc sống của nhiều người dân vốn đã khó, không có BHYT càng khiến nguy cơ tái nghèo hiện hữu mỗi khi họ ốm đau, bệnh tật.

Ra khỏi vùng khó, còn đó nhiều nỗi lo... (Bài 3): Ngổn ngang câu chuyện bảo hiểm y tếCán bộ, nhân viên BHXH huyện Thường Xuân giải quyết thủ tục BHYT, BHXH cho người dân.

Khi hộ cận nghèo nói không với BHYT

Trong căn nhà nhỏ ven tỉnh lộ 519, bữa trưa của gia đình ông Lê Đình Bình, bà Trịnh Thị Thu (đều sinh năm 1955), cùng con dâu Cầm Thị Phương và 2 cháu chỉ là bát canh và một nồi cơm đặt trên một manh chiếu rách. Trong thôn Công Thương, xã Vạn Xuân (Thường Xuân), gia đình ông Bình là một trong số ít hộ có đất sản xuất nông nghiệp với 3 sào ruộng nhưng cũng chẳng khá hơn là bao. Các con ông phải bươn chải đi làm ăn xa, gửi tiền về nhờ bố mẹ nuôi con nhỏ. Kể cả ông bà, gần 70 tuổi nhưng cũng phải quần quật bữa làm đồng, bữa làm thuê, cố gắng lắm đến năm 2022 gia đình ông mới thoát nghèo, thành hộ cận nghèo. Nếu tham gia BHYT, vợ chồng ông và các thành viên trong gia đình chỉ phải nộp 30% mức đóng BHYT (vì được Nhà nước hỗ trợ 70% theo Luật BHYT) là 241,38 nghìn đồng/năm/người. Cả gia đình với 7 người lớn, thì tổng số tiền đóng sẽ là gần 1,7 triệu đồng/năm.

Trong vẻ mặt khắc khổ, ông Bình nói: “Quả thực, muốn tham gia BHYT để phòng những lúc ốm đau, nhưng gia đình tôi nghèo quá. Nhà có 10 khẩu, 4 người đi làm ăn xa gửi tiền về, nhưng tháng có tháng không. Ở nhà 3 sào ruộng nuôi 6 miệng ăn, nên không thể khá hơn được".

Cách nhà ông Bình không xa, gia đình chị Trương Thị Bình cũng là hộ cận nghèo nhưng cũng chưa tham gia BHYT. Nhà chị không có đất sản xuất, chồng mất sớm, chị phải rong ruổi trên chiếc xe máy cũ bán các loại rau, củ, quả, thịt cá cho người dân trong làng, ngoài xã kiếm tiền nuôi 2 con. Giờ các con đã lớn, chị vơi phần vất vả, nhưng gia đình vẫn là hộ cận nghèo. Chị nói: “Tôi đã được cán bộ thôn, xã, rồi nhân viên bưu điện đến tuyên truyền, vận động và cũng muốn tham gia BHYT nhưng do điều kiện khó khăn nên đành thôi”.

Trong số 74 xã vừa thoát ra khỏi đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 861 - PV), xã Vạn Xuân có điều kiện khá hơn, do là xã nông thôn mới năm 2020. Và những hộ chúng tôi đến cũng được xem là khá hơn so với các hộ cận nghèo trong xã, vì ở cạnh tỉnh lộ và là người dân tộc Kinh chuyển lên sinh sống, nhưng cũng còn chật vật khó khăn, ranh giới so với hộ nghèo là rất mong manh. Còn trên thực tế, theo kết quả rà soát năm 2022, xã Vạn Xuân vẫn còn 15,74% hộ nghèo và 40,6% hộ cận nghèo. Vậy nên đến thời điểm hiện tại, xã mới chỉ đạt tỷ lệ 69,5% người dân tham gia BHYT.

Phó Chủ tịch UBND xã Lê Minh Tuấn cho biết: Dù xã đã tổ chức nhiều hội nghị tại các thôn để tuyên truyền và đến từng hộ gia đình vận động, nhưng rất nhiều hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ một phần của Nhà nước vẫn không tham BHYT. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, tuy đã thoát ra khỏi thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 612 - PV), nhưng thôn Khụ 1, xã Giao Thiện (Lang Chánh) vẫn còn 86 hộ nghèo và 134 hộ cận nghèo trong tổng số 287 hộ với 1.181 nhân khẩu. Trưởng thôn Phạm Thị Lý cho biết: “Đến nay tỷ lệ người dân trong thôn tham gia BHYT chưa đầy 60%. Trong khi đó, thôn đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động họ. Nhiều hộ cận nghèo không có thẻ BHYT không may bị bệnh phải đến bệnh viện chạy chữa rất tốn kém, nên nguy cơ tái nghèo rất cao”.

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT sụt giảm

Theo BHXH tỉnh, sau khi Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực, tỉnh Thanh Hóa có 345.182 người bị ảnh hưởng, không còn được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí tham gia BHYT. Sau đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho người dân các xã, thôn, bản vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn mua thẻ BHYT đến hết năm 2021, nên trong năm tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh chưa bị ảnh hưởng giảm. Năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT cho đối tượng hộ gia đình cận nghèo (20% ngân sách địa phương ngoài 70% ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ). Cùng với đó, BHXH tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển số người tham gia BHYT, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân. Tuy nhiên, đến ngày 31-12-2022 nhiều huyện miền núi vẫn sụt giảm tỷ lệ người tham gia BHYT so với ngày 31-12-2021, như Ngọc Lặc (giảm 10.689 người), Cẩm Thủy (giảm 8.120 người), Thạch Thành (giảm 5.598 người), Quan Sơn (giảm 2.543 người)...

Ra khỏi vùng khó, còn đó nhiều nỗi lo... (Bài 3): Ngổn ngang câu chuyện bảo hiểm y tếCán bộ xã Vạn Xuân (Thường Xuân) tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Nhằm hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong năm nay và những năm tiếp theo, BHXH các huyện khu vực miền núi đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực. Như tại huyện Thường Xuân, ngoài mở rộng các đại lý BHYT, cơ quan BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn ban chỉ đạo, giao chỉ tiêu phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHYT cho từng xã và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh đó, BHXH huyện đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản, già làng, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vận động người dân. Đồng thời cập nhật, theo dõi, đánh giá kết quả hàng ngày làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành. Thậm chí, nhiều cán bộ BHXH huyện đã làm việc cả ngày nghỉ để cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở đi tuyên truyền, vận động người dân. Tuy vậy, đến ngày 12-5 huyện Thường Xuân mới chỉ đạt 75% dân số tham gia BHYT. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ này trong năm 2023 của huyện là 93,5%. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Cầm Bá Đứng cho rằng: Để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong năm, huyện không có giải pháp nào khác là tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.

Phải nói rằng, người dân chưa tham gia BHYT, nhất là người thuộc diện Nhà nước hỗ trợ đóng một phần, hay phần lớn (hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp có mức sống trung bình) không hoàn toàn do nguyên nhân điều kiện kinh tế khó khăn, mà còn do chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT, hoặc do còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại... Bởi, có những hộ gia đình cận nghèo ít khẩu mà chúng tôi đến thăm, số tiền tham gia BHYT cho cả nhà chỉ khoảng 700 nghìn đồng/năm, nhưng họ không mặn mà, lý do không vì kinh tế mà từ tư tưởng, nhận thức. Và rồi, khi nhiều người dân không tham gia BHYT, không có “lá bùa hộ mệnh” cho sức khỏe, không những quyền lợi của họ trong khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng, mà còn tác động lớn đến việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương.

Rồi đây, trong điều kiện không còn được ngân sách địa phương hỗ trợ một phần như 6 tháng cuối năm 2021 và quý IV-2022, thì các cấp ủy, chính quyền và ngành BHXH sẽ phải tăng cường vận động người dân. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 69/QH15, ngày 11-11-2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, kể từ ngày 1-7-2023 sẽ tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Điều này đồng nghĩa mức đóng BHYT là 4,5% lương cơ sở với người dân cũng sẽ tăng theo. Đối với hộ cận nghèo, mức đóng BHYT sẽ tăng từ 241,38 nghìn đồng/năm lên 291,6 nghìn đồng/năm với mỗi người. Mức đóng của người thuộc hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên (được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng) sẽ tăng từ 563,22 nghìn/năm, lên 680,4 nghìn đồng/năm. Áp lực này có thể khiến công tác vận động người dân tham gia BHYT ở các xã, thôn, bản vừa thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đã khó sẽ càng thêm khó.

Bài và ảnh: Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]