(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Phấn đấu thực hiện mục tiêu công tác dân số trong tình hình mới

Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Phấn đấu thực hiện mục tiêu công tác dân số trong tình hình mớiTruyền thông chính sách dân số cho người dân xã Na Mèo (Quan Sơn).

Kết quả thể hiện ở nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác DS trong tình hình mới, Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ công tác DS và phát triển trên 4 lĩnh vực là quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bổ dân cư. Theo đó, quy mô DS dần được ổn định, đã đạt mức sinh thay thế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 12,27%, tỷ lệ tăng DS tự nhiên còn 0,81%. Chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từng bước được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Chất lượng DS đang được nâng lên, các vấn đề liên quan đến trẻ em, phụ nữ, vị thành niên, thanh niên và người cao tuổi đang được cả xã hội quan tâm... là điều kiện thuận lợi góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, được biết, để đạt được những thành tựu quan trọng này, chương trình DS ở tỉnh ta luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Đặc biệt Nghị quyết số 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24 của Tỉnh ủy Thanh Hóa đi vào cuộc sống phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân nên được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ rộng khắp từ tỉnh đến các cụm dân cư, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và Trung tâm DS-KHHGĐ (nay là trung tâm y tế) các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thể hiện được vai trò quản lý, điều hòa, phối hợp các hoạt động của toàn bộ chương trình.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh còn gặp những khó khăn và thách thức. Đó là phân bố dân cư có sự chênh lệch lớn giữa các vùng; trình độ dân trí ở vùng cao, vùng sâu còn thấp; nhiều nơi, còn tồn tại các thói quen không tốt cho sức khỏe. Trong những năm 2018, 2019 và 2020 tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và có xu hướng tăng, không đạt chỉ tiêu đề ra. Đáng lưu ý là tỷ số giới tính của trẻ khi sinh tăng cao đến mức báo động 115 nam/100 nữ (2019); chất lượng DS chưa cao, gây ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của tỉnh. Trước tình hình đó, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS và phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh ta hiện nay cũng như trong thời gian tới.

Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác DS trong tình hình mới, khẳng định DS là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự phát triển đất nước. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng được nghị quyết đưa ra là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển. Có thể hiểu là giải quyết mối quan hệ hai chiều giữa một bên là DS (quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng DS, mức sinh, mức chết, di cư) và bên kia là phát triển (tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, bền vững về môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng). Nghị quyết 21 đã cụ thể hóa và “khu trú” nội dung trọng tâm DS và phát triển thành các nhóm mục tiêu: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS; phân bố DS hợp lý; nâng cao chất lượng DS.

Để đạt được các mục tiêu này, Thanh Hóa đã cụ thể hóa Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” bằng Kế hoạch số 1581/KH-UBND, ngày 24-8-2020 UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 20-2-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác DS và phát triển trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới... Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển. Xây dựng các giải pháp phù hợp với từng vùng, địa phương sao cho bảo đảm duy trì vững chắc mức sinh thay thế; xóa bỏ tâm lý, tập quán muốn có con trai “nối dõi tông đường”; kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi... để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Tăng cường hoạt động truyền thông DS; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS, nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong Nhân dân. Triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng DS phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh, bảo đảm hiệu quả và bền vững.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]