(Baothanhhoa.vn) - Sau 11 tháng thành lập, Trung tâm Hòa giải, đối thoại (HGĐT) huyện Quảng Xương đã hàn gắn hạnh phúc cho 36 cặp vợ chồng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi hàn gắn hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng

Sau 11 tháng thành lập, Trung tâm Hòa giải, đối thoại (HGĐT) huyện Quảng Xương đã hàn gắn hạnh phúc cho 36 cặp vợ chồng...

Nơi hàn gắn hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng

Cán bộ Trung tâm Hòa giải, đối thoại huyện Quảng Xương trao đổi về các vụ việc cần hòa giải.

Có mâu thuẫn là... ly hôn

Đến với nhau bằng tình yêu thương và tinh thần tự nguyện, vợ chồng trẻ Đ. A. T. (30 tuổi) và T. T. K. (29 tuổi) sống những tháng ngày ngọt ngào, hạnh phúc bên nhau và sinh được một đứa con tròn 4 tuổi thì chị K. gửi đơn ra tòa ly dị chồng. Lý do là chồng chị K. hay suy diễn các mối quan hệ của chị dẫn đến ghen tuông vô cớ; hơn nữa 2 vợ chồng đang ở chung với bố mẹ nên có nhiều quan điểm sống bất đồng, dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng hay cãi vã, cuộc sống trở nên căng thẳng, muốn giải thoát cho đỡ mệt mỏi...

“... Nghe những lý do cháu K. trình bày để được ly hôn, tôi thấy buồn quá, vì tuổi trẻ bây giờ có nhiều đôi yêu nhau, lấy nhau thiếu kỹ năng sống trước khi bước vào hôn nhân nên khi gặp trắc trở, mâu thuẫn là dễ buông bỏ ngay. Thấy nhận thức của con trẻ như vậy, là người có tuổi, tôi thấy mình có trách nhiệm phải phân tích, giải thích cho các cháu hiểu về hạnh phúc gia đình và trân trọng, gìn giữ nó. Vì vậy, tôi đã tìm mọi cách liên hệ với chồng K. để tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt được tâm tư của người chồng, có hướng phân tích, giải thích cho 2 vợ chồng hiểu nhau hơn. Qua trò chuyện, tôi thấy 2 vợ chồng K. vẫn yêu thương nhau, nhưng chỉ vì hiểu nhầm nhau, chưa giải quyết được các mâu thuẫn dẫn đến bức xúc, muốn ly hôn. Do vậy, tôi đã gặp và ngồi cùng 2 vợ chồng để họ nói hết những khúc mắc trong lòng, lý giải ai đúng, ai sai, cần phải sửa sai những gì và hướng giải quyết mâu thuẫn ra sao. Cuối cùng 2 vợ chồng trẻ đã đồng ý rút đơn, về nhà xin bố mẹ ra ở riêng và sống hòa thuận với nhau”.

Ông Lê Văn Lợi, hòa giải viên ở Trung tâm HGĐT huyện Quảng Xương đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện trên với vẻ phấn khởi. Thấy chúng tôi quan tâm, ông Lợi kể tiếp: “Hay như vụ vợ chồng anh N.B.U. (45 tuổi) và chị L. T. B. (41 tuổi), đã lên chức ông bà ngoại song vẫn đưa đơn ra tòa ly hôn. Sau khi tiếp nhận vụ việc, tôi đã nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn của hai vợ chồng để có phương án hòa giải. Qua trao đổi với chị B., tôi nắm được tâm lý, nguyện vọng của chị là muốn ly hôn chồng, với lý do chồng chị không chịu lao động, hay bài bạc, về nhà còn chửi mắng vợ con.

Sau khi nắm bắt được lý do, nguyện vọng của đương sự, tôi đã gọi điện trao đổi với chồng chị B., biết anh U. không muốn ly hôn với vợ. Do đó, tôi đã mời cả 2 lên cùng ngồi để tiến hành hòa giải. Tại buổi hòa giải lần thứ nhất, tôi để 2 vợ chồng đưa ra lý do, trình bày rõ quan điểm, nguyện vọng của mình, đồng thời khuyên 2 người tự nhận ưu, khuyết điểm của mình. Song, chị B. vẫn cương quyết ly hôn, còn anh U. cho rằng vợ muốn ly hôn mình để đi với người khác nên lấy lý do bài bạc của mình ra để ly hôn. Qua phân tích, giải thích nhưng ai cũng cho rằng mình đúng, không nhận trách nhiệm sai về phần mình. Đến buổi hòa giải lần thứ 2, tôi đã phân tích cho hai bên hiểu rõ những “điều hơn, lẽ thiệt” của việc không nhận khuyết điểm dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Cuối cùng anh U. đã nhận những sai lầm của mình trong cuộc sống gia đình đó là không chịu lao động, hay bài bạc. Trong khi vợ đi làm vất vả, về nhà còn bị chồng la mắng, chửi rủa nên 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Mặc dù anh U. đã nhận ra lỗi của mình và xin lỗi chị B. nhưng vì lòng tự trọng nên chị B. vẫn cương quyết đòi ly hôn. Cuộc hòa giải lần thứ 2 không thành. Sang lần thứ 3, tôi kiên trì phân tích “điều hơn, lẽ thiệt” trong cuộc sống và hậu quả của việc ly hôn. Cháu đến gặp ông thì mất bà, gặp bà thì mất ông; con cái bị ảnh hưởng tâm lý bởi cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ, ông bà... Vì vậy, vợ chồng muốn hàn gắn với nhau thì anh U. phải tìm việc để làm, không sa vào bài bạc. Còn chị B. nên cho chồng cơ hội để sửa sai... Nghe những phân tích của tôi và thấy chồng đã nhìn nhận ra những khuyết điểm của mình, chị B. đồng ý rút đơn để vợ chồng về hòa giải với nhau”.

Đó là 2 trong số 11 vụ, việc liên quan đến hôn nhân, gia đình mà hòa giải viên Lê Văn Lợi, ở Trung tâm HGĐT huyện Quảng Xương hòa giải thành để các cặp vợ chồng về đoàn tụ với nhau. Hòa giải viên Lê Văn Lợi, chia sẻ: Mỗi lần hòa giải thành một vụ ly hôn, giúp các cặp vợ chồng hàn gắn hạnh phúc gia đình, tôi rất phấn khởi và thấy có ích trong cuộc sống, yêu nghề hơn rất nhiều... Từ khi thực hiện thí điểm mô hình HGĐT tại tòa án, hòa giải viên Lê Văn Lợi đã tiếp nhận 58 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 39 công vụ, việc. Để hòa giải đoàn tụ thành công, theo hòa giải viên Lê Văn Lợi đó là phải biết lắng nghe họ trải lòng qua nhiều buổi làm việc. Tiếp xúc riêng với từng người và cuối cùng hiểu được những lý do tế nhị, khó nói của các bên. Khi cảm nhận được những tâm tư, mong mỏi của họ dành cho nhau thì mình làm “cầu nối” mới thuận được.

Hòa giải thành 129/181 vụ, việc

Theo thống kê từ 15-11-2018 đến ngày 5-7-2019, Trung tâm HGĐT huyện Quảng Xương đã thụ lý 191 vụ, việc, trong đó đã giải quyết 181 vụ, việc và đã HGĐT thành 129 vụ, việc (đạt tỷ lệ 71,2%). Trong đó, các vụ việc hôn nhân gia đình được tổ chức HGĐT thành 36 vụ, việc, tương đương với việc giúp 36 cặp vợ chồng hàn gắn hạnh phúc với nhau.

Theo ông Cao Văn Tuấn, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân, Giám đốc Trung tâm HGĐT huyện Quảng Xương: Hiện tại, các vụ ly hôn có chiều hướng trẻ hóa và ngày càng phổ biến. Từ đó, hậu quả mà con của những cặp ly hôn phải gánh chịu là những dư chấn tâm lý. Bởi, sau những cuộc hôn nhân đổ vỡ là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu thốn tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của cha hoặc mẹ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách sau này. Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con. Nhiều trường hợp, cả hai vợ chồng đều có gia đình mới, con trẻ được giao lại cho ông bà nuôi dưỡng. Những đứa trẻ được nuôi dạy tốt sẽ có nhân cách, đạo đức tốt, nhưng ngược lại giáo dục trong môi trường không tốt, các em bất mãn với gia đình, xã hội, sẽ trở nên bất cần, dễ sa ngã, dễ bị dụ dỗ dẫn đến phạm tội. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết được ngay từ khâu đầu tiên một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng nhất, nhằm ngăn chặn những hệ lụy đáng tiếc. Đây cũng là mục đích, nhiệm vụ đặt ra cho công tác HGĐT.

Cũng theo ông Tuấn, HGĐT đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, HGĐT góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp phát sinh, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Với tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả HGĐT là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Đối với Tòa án Nhân dân huyện Quảng Xương, việc thực hiện thí điểm Đề án Trung tâm HGĐT là chủ trương sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Thông qua đề án, vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài được giải quyết rất công bằng trên tinh thần đồng thuận, vui vẻ của các đương sự, từ đó làm giảm những bất đồng, căng thẳng và xung đột phát sinh trong tranh chấp; giảm áp lực công việc cho tòa, giúp người dân giảm chi phí, công sức đi lại nhiều lần và nếu hòa giải thành thì không phải tốn tiền đóng án phí.

Tuy nhiên, khó khăn đối với hoạt động của Trung tâm HGĐT huyện Quảng Xương hiện nay đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cho hòa giải viên chưa có. Hiện, 5 người trong trung tâm (3 hòa giải viên và 2 thư ký) đang phải làm việc tại phòng họp của Tòa án Nhân dân huyện Quảng Xương. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng văn phòng làm việc cho các trung tâm HGĐT. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của trung tâm cũng cần được tăng cường, bởi nhiều người chưa hiểu về trung tâm nên không hợp tác làm việc vì thế nhiều vụ, việc phải khép lại hồ sơ.

Bài và ảnh: Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]