(Baothanhhoa.vn) - Hòa bình là khái niệm được viết bằng máu của nhiều thế hệ cha anh. Bởi vậy, không chỉ luôn khắc sâu, trân trọng và hàm ơn bằng nghĩa cử đẹp; mà trách nhiệm mỗi người lúc này - đặc biệt là của những người xây dựng và thực thi chính sách - là sớm lấp đầy các khoảng trống chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.

Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 2 - Khoảng trống chính sách vẫn chưa lấp đầy

Hòa bình là khái niệm được viết bằng máu của nhiều thế hệ cha anh. Bởi vậy, không chỉ luôn khắc sâu, trân trọng và hàm ơn bằng nghĩa cử đẹp; mà trách nhiệm mỗi người lúc này - đặc biệt là của những người xây dựng và thực thi chính sách - là sớm lấp đầy các khoảng trống chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.

Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 2 - Khoảng trống chính sách vẫn chưa lấp đầy

Lãnh đạo hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tặng xe lăn cho các nạn nhân chất độc da cam TP Thanh Hóa. Ảnh: P.V

Những “lỗ thủng” cần vá víu

Có thể khẳng định, sự phát triển và ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đã thể hiện sự tri ân và tính nhân văn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với sự cống hiến, hy sinh của người có công. Qua đó, tạo ra trợ lực góp phần chống đỡ các rủi ro có thể xảy đến với đối tượng này. Trong đó, chính sách dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, được quy định rõ trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/PL-UBTVQH13 và một số chỉ thị, nghị quyết có liên quan.

Mặc dù được đánh giá là khá toàn diện, song thực tế, “tấm áo” chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam đã trở nên chật chội, với nhiều “lỗ thủng” cần sớm được “vá víu” lại. Hiện, đối tượng được thụ hưởng chính sách theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, chỉ dừng lại ở thế hệ thứ 2 (con đẻ của người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam). Còn thế hệ thứ 3 (F2/cháu) không thuộc đối tượng được xem xét để hưởng chế độ nạn nhân da cam. Đồng thời, Thông tư liên tịch số 20/2006/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30-6-2016 của liên Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng chỉ hướng dẫn quy trình giám định bệnh tật, dị dạng, dị tật đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3, mặc dù mắc nhiều loại bệnh, kể cả bệnh nằm trong danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, cũng chưa có văn bản hướng dẫn giám định.

Mức độ nguy hại của chất độc da cam đến sức khỏe, tính mạng con người đã được giới khoa học khẳng định. Đặc biệt hơn, nó đã và đang được minh chứng một cách hùng hồn bằng những cơ thể sống bị bệnh tật tàn phá, những hình hài không lành lặn, những trí tuệ khuyết thiếu và những mảnh đời chưa bao giờ được sống đúng nghĩa. Song, sự “khét tiếng” của loại chất độc này còn ở khả năng di truyền liên thế hệ và hậu quả xảy đến cho thế hệ sau là chưa thể đo đếm hết.

Để lại những năm tháng thanh xuân và một phần sức khỏe nơi chiến trường, nhưng quãng đời mấy mươi năm sống trong hòa bình của ông Vũ Tiến Sử (xã Đông Nam, huyện Đông Sơn), chưa được mấy ngày an yên. Di chứng chất độc da cam không chỉ tàn phá sức khỏe người đàn ông đã ngoài 70 tuổi, hay cướp đi cuộc sống bình thường của cô con gái. Đau đớn hơn, nó đang ám ảnh và gặm nhấm cuộc đời của 2 đứa cháu, khi một đứa (cháu nội) bị tim bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còn một đứa (cháu ngoại) bị da vảy nến nặng. Vừa chạy vạy chữa bệnh, vừa làm các thủ tục, hồ sơ xin xác nhận nạn nhân chất độc da cam cho các cháu, nhưng ngót 10 năm nay, ông Sử chỉ nhận được câu trả lời: chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng F2.

Mặc dù đã được đề cập đến và yêu cầu đặt ra từ thực tiễn là khẩn thiết, song dường như việc bổ sung, hoàn thiện và thực thi chính sách cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba trở đi, hiện vẫn đang “đóng băng”. Đặc biệt, gần đây nhất, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đã đặt ra yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách người có công với cách mạng; trong đó, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3, là một nội dung quan trọng được đề cập. Tuy nhiên, từ khi chỉ thị ra đời đến nay, công tác rà soát, xây dựng tiêu chí, xác định mức trợ cấp... dành cho đối tượng này vẫn chưa được thực thi.

Không chỉ bỏ lửng thế hệ F2, mà chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam hiện còn bỏ trống một đối tượng khá đặc biệt: người chăm sóc nạn nhân. Chiến tranh dù đã lùi xa mấy mươi năm, nhưng sự khốc liệt của nó thì vẫn hằng ngày hiện hữu trong cơ thể, dưới mái nhà nạn nhân chất độc da cam. Và những người vợ, người mẹ nạn nhân, họ thấm thía hơn ai hết nỗi tang thương thời hậu chiến. Bước sang tuổi 64, nhưng gần nửa số tuổi đời bà Trịnh Thị Thuận (phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn) đã dành để chăm sóc người chồng bại liệt và đứa con trai dị dạng, tâm thần. Thay cho tiếng cười nói, cảnh sống thường trực trong căn nhà là sự bất động của người chồng – nạn nhân chất độc da cam Mai Hữu Lý và tiếng gào thét, đập phá của đứa con. Đoạn xích trói chặt cẳng chân đứa con dị dạng, chẳng khác nào xiềng xích đã quấn lấy cuộc đời người đàn bà nhỏ bé, yếu ớt. Nỗi khổ tâm, bất lực và hờn tủi cho thân phận, nhưng rồi bà vẫn gắng gượng sống, nhẫn nại chăm bẵm chồng con, dù biết sức mình chẳng còn được là bao.

Nỗi bất hạnh chồng chất trên vai người đàn bà có chồng và 2 đứa con trai là nạn nhân da cam, có lẽ vẫn chưa đủ với bà Nguyễn Thị Thinh (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa), khi đứa cháu nội cũng tâm thần, thiểu năng trí tuệ, câm điếc cần được chăm sóc. Một nhà 3 thế hệ, chỉ mình bà tỉnh táo và là chỗ bấu víu duy nhất của 4 mảnh đời không lành lặn. Gần giống hoàn cảnh của bà Thinh là bà Nguyễn Thị Dần (xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương) có 4 người con gái đều ngây dại. Không chỉ một mình chăm con, bà Dần còn ngày đêm chạy khắp làng trên xóm dưới để tìm từng đứa, mỗi khi chúng lên cơn rồi bỏ đi lang thang. Hay chị Nguyễn Thị Tích (xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn) đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư, để nuôi 2 đứa cháu mồ côi điên dại, khi anh trai và chị dâu lần lượt qua đời...

Kể không hết nỗi bất hạnh và bi kịch của gần 4.800 gia đình có từ 2 nạn nhân chất độc da cam trở lên, hoặc cả 3 thế hệ đều là nạn nhân của chất độc quái ác. Dẫu biết, chế độ, chính sách ưu đãi chỉ dành để tri ân sự đóng góp, sự hy sinh của những người có công. Song, xét cả lý và tình, thì sự hy sinh thầm lặng của những người đàn bà đang hằng ngày sống trong nỗi dày vò vô tận, cũng rất cần được đồng cảm và sẻ chia. Vì vậy, bổ sung chính sách hỗ trợ cho đối tượng này không chỉ cho thấy sự nhân văn, nhân đạo trong xây dựng chính sách an sinh; mà còn giúp họ có thêm chỗ dựa, để những mảnh đời bất hạnh không bị bỏ lại phía sau trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng.

Khắc phục “độ trễ”

Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định khá rõ quy trình, thủ tục xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách. Song, việc giải quyết chế độ ưu đãi cho đối tượng cần sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đơn vị, với nhiều thủ tục chặt chẽ... Do đó, có không ít trường hợp đang rơi vào bế tắc, do chưa thể giám định và xác nhận hồ sơ nạn nhân chất độc da cam.

Khoản 2, Điều 57, Thông tư 05 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó phải có “một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, bao gồm: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, được xác lập từ ngày 30-4-1975 trở về trước; bản sao lý lịch cán bộ...”. Tuy nhiên, trong thực tế, những giấy tờ trên chỉ ghi phiên hiệu đơn vị mà không ghi rõ nơi đơn vị đóng quân, chiến đấu. Do vậy, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng thiếu căn cứ xác nhận thời gian, địa điểm đối tượng tham gia kháng chiến, nên khó giải quyết chế độ ưu đãi. Đó là chưa kể trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, nhiều người đã bị mất hoặc thất lạc hết giấy tờ. Đây là nguyên nhân chính khiến hồ sơ của họ không đủ điều kiện xét duyệt. Đặc biệt, do trước đây quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi có nhiều bất cập, dẫn đến không ít trường hợp “ngược đời” là con được thụ hưởng chính sách còn bố thì không.

Chưa hết, việc giám định các loại bệnh, tật theo quy định để được thụ hưởng chính sách ưu đãi hiện cũng cho thấy sự bất cập. Theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 30-6-2016 của liên Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, trong đó có bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính (Acute, subacute peripheral neuropathy). Để được giám định loại bệnh này, đối tượng phải có hồ sơ bệnh án trước ngày 30-4-1975. Điều này gần như là bất khả thi với nhiều đối tượng. Hoặc với bệnh đái tháo đường type 2 (Type 2 Diabetes), dù nhiều đối tượng bị bệnh cả chục năm nay, nhưng khi giám định thì chỉ số đường huyết trong máu không đạt quy định. Lý do dở khóc dở cười là vì họ phải sử dụng thuốc điều trị hằng ngày, để làm giảm tính chất, mức độ và các nguy cơ xảy đến. Nếu muốn giám định thì họ phải dừng thuốc để chỉ số đường huyết có thể “đạt ngưỡng” quy định. Điều này chẳng khác nào đánh cược với tử thần, bởi có khi chưa chờ được kết quả giám định, họ đã phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Qua rà soát của ngành chức năng, tính đến năm 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.187 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ chưa đủ hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách nạn nhân da cam. Trong đó, đối tượng trực tiếp là 791 người, đối tượng gián tiếp là 396 người. Nguyên nhân cơ bản là thiếu giấy tờ liên quan đến chiến trường và loại bệnh/mức độ bệnh theo quy định. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu cần điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, nêu rõ: “Trên cơ sở các quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót. Nghiên cứu, xem xét xác nhận người có công với cách mạng đối với những trường hợp do trước đây chưa đủ điều kiện xác nhận, hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là không đủ điều kiện, nhưng nay có thêm được cơ sở, căn cứ xác nhận khác theo quy định”. Căn cứ đã có, vấn đề đã rõ. Việc còn lại là làm thế nào để hiện thực hóa tinh thần và nội dung của chỉ thị thành các cơ chế, chính sách cụ thể mà thôi.

Quy trình, thủ tục xác nhận người có công, người được hưởng chế độ ưu đãi người có công là cần thiết. Bởi đây là cơ sở để các cơ quan chức năng xác minh và công nhận đúng đối tượng. Đồng thời, hạn chế tối đa việc trục lợi, lách luật để thụ hưởng chính sách sai đối tượng. Tuy nhiên, những khúc mắc, rườm rà, vướng víu trong triển khai các bước, các khâu của quy trình, đã và đang khiến cho chính sách không thể đến gần đối tượng. Để rồi, đã có không ít người không đủ thời gian và sức khỏe để chờ được thụ hưởng chính sách. Cây bút chiến trường nổi tiếng - nhà văn Chu Lai từng chia sẻ rằng, đã có một thế hệ trai trẻ hừng hực khí thế xung trận. Họ ra đi chỉ với một thủ tục duy nhất: “thủ tục máu”. Tổ quốc vinh danh họ, khẳng định sự dâng hiến của họ! Hàng chục thủ tục, hồ sơ, giấy tờ bây giờ hẳn là cần thiết. Song có đôi khi, đó chỉ là “thủ tục chết” nếu so sánh với “thủ tục máu” mà thế hệ trước đã đổ xuống cho hòa bình, độc lập. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, cần có cái nhìn thấu tình đạt lý, công tâm và trách nhiệm, nhằm “rộng đường chính sách” cho những đối tượng xứng đáng được thụ hưởng.

Nhóm PV Văn hóa – Xã hội

Bài cuối: Tiếng nói của lương tri hay câu chuyện truyền cảm hứng.

Tin liên quan:
  • Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 2 - Khoảng trống chính sách vẫn chưa lấp đầy
    Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 1: Lặng im giữa cõi người

    Mỗi một sinh mệnh có mặt trên cõi đời đều đáng quý và dường như đều mang trong mình một sứ mệnh. Có lẽ vì vậy mà sứ mệnh của những “thân phận khuyết thiếu” - nạn nhân chất độc da cam - là để hiện thực hóa tình yêu thương và niềm khát khao con trẻ từ đấng sinh thành. Dẫu hiện thực ấy, có đôi khi là nỗi đau và bi kịch.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]