(Baothanhhoa.vn) - Do thực hiện tốt việc chấp hành án, chị Phạm Thị Mai, đường Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) được giảm án 8 năm và trở về đoàn tụ với gia đình năm 2013. Sau nhiều năm xa cách, cái ôm đầu tiên của chị Mai với các con không thật vui, không thật nhiều cảm xúc như những cuộc “đoàn viên” khác, mà xen vào đó chất chứa bao nỗi buồn mặc cảm về tội lỗi do buôn bán ma túy, chồng nghiện vào trại, rồi chết vì ma túy và nỗi lo mưu sinh đang hiện hữu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những phụ nữ hoàn lương

Do thực hiện tốt việc chấp hành án, chị Phạm Thị Mai, đường Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) được giảm án 8 năm và trở về đoàn tụ với gia đình năm 2013. Sau nhiều năm xa cách, cái ôm đầu tiên của chị Mai với các con không thật vui, không thật nhiều cảm xúc như những cuộc “đoàn viên” khác, mà xen vào đó chất chứa bao nỗi buồn mặc cảm về tội lỗi do buôn bán ma túy, chồng nghiện vào trại, rồi chết vì ma túy và nỗi lo mưu sinh đang hiện hữu.

Bao nhiêu khó khăn trước mắt chưa được giải quyết, những “bạn hàng” trước đây lại đến dụ dỗ, mời gọi chị làm nghề cũ, khiến chị nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ: 12 năm lầm lỗi là cái giá phải trả quá đắt cho sự ly tán của chị và gia đình. Vì lẽ đó, chị Mai từ chối cám dỗ và tránh mặt họ, quyết tâm làm lại cuộc đời của chính mình. Được bạn bè, người thân giúp đỡ, chị Mai làm nghề buôn bán nông sản, nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Khu phố chị ở có nhiều hộ buôn bán hoa rất phát triển, chị Mai mạnh dạn xin làm thuê để học việc. Sau thời gian quen việc, chị tìm mối lấy nguyên liệu, làm thành các lẵng hoa, giỏ hoa, vòng hoa... nhập cho các hàng hoa. Nhận thấy công việc tiến triển tốt, chị Mai vay vốn của hội phụ nữ, người thân và thuê đất canh tác của bà con ven thành phố để trồng hoa tươi cung cấp một lượng lớn hoa cho các cửa hàng, tạo việc làm cho 15 lao động nữ. Mỗi tháng trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng. Các con của chị đã hiểu và cảm thông với mẹ. Đó là điều chị Mai vui nhất.

Vì thiếu hiểu biết, chị Nguyễn Thị Lan (thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh, Tĩnh Gia) bị dụ dỗ vận chuyển trái phép vật liệu nổ công nghiệp từ Thanh Hóa vào Nghệ An và bị kết án 3 năm tù. Trong trại giam, do cải tạo tốt, chị được giảm án sớm 1 năm và trở về đoàn tụ với gia đình. Bước chân ra khỏi cánh cổng của trại giam, chị Lan mang tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Vui vì được trở về với gia đình nhưng buồn vì không biết hai con có bị mặc cảm, hàng xóm có kỳ thị mình không?... Những câu hỏi ấy đã sớm được giải đáp bằng sự chào đón của những người thân trong gia đình, hàng xóm láng giềng ngày chị trở về. Được Hội LHPN xã Hải Thanh tín chấp cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn tiết kiệm của chị em để mua nguyên liệu cá, moi chế biến nước mắm, chị Lan rất chăm chỉ làm ăn. Cứ 4h sáng, chị ra biển đón thuyền của chồng mang cá ra chợ bán. Những ngày biển động không có cá, chị lại rong ruổi lên TP Thanh Hóa, các huyện miền núi bán nước mắm để có điều kiện lo cho hai con ăn học. Dẫu cuộc sống rất khó khăn, nhưng chị Lan đã hiểu và chấp hành luật pháp, tích cực tham gia sinh hoạt và là hội viên nòng cốt của chi hội phụ nữ thôn Thượng Hải...

Giúp phụ nữ hoàn lương là việc làm không chỉ của cấp ủy, chính quyền mà từ nhiều năm nay, vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội LHPN các cấp cũng đã thể hiện rõ và luôn đồng hành cùng hội viên, ngay cả khi các chị gặp khó khăn nhất. Nhiều hội phụ nữ cơ sở đã có những việc làm tích cực, tiêu biểu như: Hội LHPN xã Đông Ninh (Đông Sơn) hỗ trợ con giống, giới thiệu việc làm cho 1 người sau mãn hạn tù trở về địa phương; Hội LHPN phường Trường Thi, Điện Biên (TP Thanh Hóa) giúp đỡ 3 nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, khởi nghiệp thành công... Các cơ sở hội xây dựng được 1.300 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình “Đường dây nóng phát hiện và tố giác tội phạm”, “Tổ phụ nữ giúp chồng, con cai nghiện ma túy thành công, không tái nghiện”... Những năm gần đây, Hội LHPN tỉnh ký kết phối hợp với các trại giam đóng trên địa bàn tỉnh cùng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các nữ phạm nhân đang chấp hành án nâng cao nhận thức, xác định rõ mục tiêu, lộ trình phấn đấu sau khi tái hòa nhập cộng đồng, như: Cung cấp tài liệu, sách, bồi dưỡng kiến thức “Khởi nghiệp chấp cánh tương lai”, đồng thời mời một số nữ phạm nhân khởi nghiệp thành công tham gia tọa đàm “Thực trạng, giải pháp hỗ trợ nữ phạm nhân và phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng” để các ngành nghe tâm tư, kiến nghị, đề xuất của các chị và có giải pháp quan tâm, hỗ trợ lâu dài hơn, giúp các chị xóa đi mặc cảm, tự tin với chính mình.


Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]