(Baothanhhoa.vn) - Mùa mưa bão đã đến. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 4.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đang thấp thỏm lo sợ về hiểm họa thiên tai gây ra. Trước đòi hỏi bức thiết ấy, tỉnh Thanh Hóa đã và đang rất quyết tâm, nỗ lực trong công tác sắp xếp, bố trí cho các hộ dân cư sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Nhìn lại công tác bố trí, sắp xếp dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi Thanh Hóa: Bài 2 - Tìm giải pháp căn cơ, hiệu quả bền vững

Mùa mưa bão đã đến. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 4.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đang thấp thỏm lo sợ về hiểm họa thiên tai gây ra. Trước đòi hỏi bức thiết ấy, tỉnh Thanh Hóa đã và đang rất quyết tâm, nỗ lực trong công tác sắp xếp, bố trí cho các hộ dân cư sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Nhìn lại công tác bố trí, sắp xếp dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi Thanh Hóa: Bài 2 - Tìm giải pháp căn cơ, hiệu quả bền vữngDiện mạo khu tái định cư tập trung bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn). Ảnh: H.T

Tin liên quan:
  • Nhìn lại công tác bố trí, sắp xếp dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi Thanh Hóa: Bài 2 - Tìm giải pháp căn cơ, hiệu quả bền vững
    Nhìn lại công tác bố trí, sắp xếp dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu ...

    Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là một thảm họa thiên tai, thường xảy ra tại các huyện miền núi cao, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Theo khảo sát của chúng tôi, khu vực miền núi tỉnh ta vẫn còn nhiều khu dân cư (KDC) sinh sống ven sông, khe suối, triền đồi núi, tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quyét, sạt lở đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Mong muốn được sinh sống ổn định trong mái nhà an toàn để phát triển sản xuất đã và đang là nguyện vọng của đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

4.307 hộ dân còn thấp thỏm lo âu

Nhìn lại công tác sắp xếp, bố trí dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi của tỉnh trong những năm qua, cần thẳng thắn nhận định: Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thiên tai diễn biến thất thường, khắc nghiệt và ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều tổn thất về người và tài sản của Nhân dân thì những kết quả đạt được còn ít ỏi, hiệu quả chưa cao. Tiến độ sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi trong thời gian qua còn chậm, chưa đạt mục tiêu và chưa sát với yêu cầu thực tế. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ sắp xếp, ổn định được 2.928 hộ; đến nay, khu vực miền núi tỉnh ta vẫn còn 4.307 hộ ảnh hưởng, sống trong nỗi thấp thỏm lo âu khi có mưa lũ. Đến tháng 7-2021, có 9/11 huyện miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, trong đó, có 3 huyện thuộc vùng trọng điểm, nguy cơ rất cao, gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa.

Nguyên nhân cơ bản do nguồn vốn bố trí thực hiện các chương trình, dự án còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu đề ra. Mức đầu tư để bố trí ổn định cho các hộ dân còn thấp, nguồn vốn giao để thực hiện còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện sắp xếp, bố trí ổn định cho các hộ dân. Nhiều chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ những năm 2010, 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có vốn để triển khai. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực cùng tham gia vào chương trình sắp xếp, ổn định dân cư đã được một số địa phương thực hiện nhưng hiệu quả còn chưa cao, chủ yếu vẫn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước.

Không chỉ thiếu nguồn vốn mà tình trạng thiếu quỹ đất để bố trí, sắp xếp tái định cư (TĐC) cho người dân cũng là “bài toán” nan giải tại khu vực miền núi.

Giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 14 khu TĐC tập trung cho 597 hộ trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Các khu TĐC tập trung này thực sự là nơi giúp cuộc sống của người dân được “hồi sinh” sau khi phải hứng chịu tác động, thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, nhiều khu TĐC tập trung vẫn bộc lộ hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ví như tại khu TĐC bản Poọng (xã Tam Chung, Mường Lát), khi nỗi đau, mất mát do cơn lũ quét hồi tháng 8-2018 đi qua, những ngôi nhà kiên cố, vững chãi trong khu TĐC đã phần nào giải quyết được vấn đề “an cư” nhưng 89 hộ dân sinh sống tại đây vẫn loay hoay tìm cách “lạc nghiệp” vì thiếu đất sản xuất. Anh Lò Quốc Tính, trưởng bản Poọng cho biết: “Hiện tại, các hộ trong khu TĐC vẫn đang sản xuất tại khu đất cũ của bản, cách nơi ở khá xa. Diện tích đất sản xuất lúa nước ít, phần lớn các hộ canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp. Có những hộ trong khu TĐC phải đi 3km mới đến được khu sản xuất, phải làm chòi để nghỉ lại”.

Ngoài ra, các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho sinh hoạt, sản xuất của người dân cũng chưa được đảm bảo. Anh Tính cho biết thêm: “Ngoài các hộ chuyển vào khu TĐC từ đợt trước thì đã có điện, còn lại 26 hộ vào sau và trường mầm non, nhà văn hóa trong khu TĐC của bản vẫn chưa có điện”.

Được biết trên địa bàn xã Tam Chung hiện có 2 bản là: bản Suối Lóng, bản Ón nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Khi có mưa lớn, các hộ dân sinh sống tại hai bản này phải di dời sang nhà văn hóa, trường học tại bản. Ông Hà Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung chia sẻ: “Từ những bài học đắt giá, thiệt hại về người và tài sản do tác động của thiên tai gây ra cho người dân, xã Tam Chung đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và sắp xếp, bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Xã đã chủ động khảo sát vị trí xây dựng khu TĐC cho bản Suối Lóng, bản Ón. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát đã nhận thấy bất cập, vướng mắc trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai nên rất mong mỏi các cấp, ban, ngành quan tâm, sớm tháo gỡ các vướng mắc, đầu tư xây dựng thêm các khu TĐC tập trung cho người dân yên tâm sinh sống, sản xuất”.

Không chỉ riêng khu TĐC bản Poọng (xã Tam Chung, Mường Lát) mà tại một số khu TĐC tập trung khác ở khu vực miền núi vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: cách xa trung tâm xã, huyện, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; một số nơi vẫn còn tệ nạn xã hội, nhiều hộ dân đã được bố trí TĐC tập trung nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình di dân mặc dù đã được Nhà nước nhiều lần thay đổi theo hướng điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn song vẫn còn thấp... Chính những điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tinh thần của bà con, nhất là người dân tại các khu TĐC tập trung, gây tâm lý hụt hẫng cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới. Do đó, tình trạng các hộ dân đã di dời đến nơi ở mới nhưng vẫn về nơi ở cũ để sinh sống, khiến cho công tác sắp xếp, bố trí dân cư gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Công tác quản lý dân cư, phát triển sản xuất, hạn chế về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác bố trí, sắp xếp dân cư ở một số địa phương; nhận thức về công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư chưa đồng bộ và chưa ngang tầm với nhiệm vụ, một số địa phương chưa thực sự quan tâm; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước còn khá nặng nề và phổ biến ở người dân... cũng là những “rào cản”, ảnh hưởng đến kết quả sắp xếp, bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi.

Hướng đến hiệu quả thiết thực, giá trị bền vững

Việc triển khai sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, sản xuất cho người dân khu vực miền núi, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giảm thiểu được những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Ông Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhấn mạnh: “Mục tiêu của việc bố trí, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới hướng đến là nhằm ổn định, nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng - an ninh”.

Theo đó, việc sắp xếp, ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trên cơ sở tôn trọng phong tục, tập quán của từng dân tộc, trên nguyên tắc tự nguyện, có sự tham gia của các hộ gia đình để bố trí các điểm dân cư mới phù hợp với truyền thống văn hóa của từng dân tộc và bố trí xen ghép vào các điểm dân cư cũ nhằm đảm bảo tính cộng đồng từng dân tộc và không gây ra những biến động lớn trong đời sống Nhân dân ở nơi ở mới. Việc sắp xếp, bố trí dân cư vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Để thực hiện được mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, chủ động xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... thì việc bố trí TĐC cho người dân là thực sự cần thiết và cấp thiết. Đây mới là giải pháp căn cơ, hiệu quả bền vững trong vấn đề sắp xếp, ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng đến từng hộ, từng địa phương sẽ thực hiện sắp xếp, ổn định cho khoảng hơn 4 nghìn hộ trên địa bàn 9 huyện, 66 xã theo 3 hình thức: TĐC tập trung, TĐC xen ghép, ổn định tại chỗ. Ưu tiên thực hiện bố trí, sắp xếp đối với những vị trí đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, người dân chưa có chỗ ở (hiện đang phải ở tạm tại các lều bạt hoặc nhà khác) và những vị trí nằm trong vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên nguyên tắc bố trí trong nội xã, nội huyện là chính để tránh xáo động nhiều đến đời sống và sản xuất của người dân.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức rà soát, đánh giá mức độ cấp bách và đề xuất danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2021. Sở NN&PTNT đề xuất 5 dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư khoảng 99,350 tỷ đồng, cụ thể là: Dự án di dân TĐC tập trung bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; dự án di dân TĐC tập trung bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát; dự án di dân TĐC tập trung bản Muống, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn; dự án di dân TĐC tập trung bản Bon, thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn; dự án di dân TĐC tập trung bản Sơn Thành, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa.

Khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi là quỹ đất và nguồn vốn cần được giải quyết kịp thời, khoa học trên cơ sở thực tế.

UBND các huyện, xã tiến hành rà soát xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 để bố trí quỹ đất thực hiện việc sắp xếp, ổn định dân cư cho các vùng ảnh hưởng bởi thiên tai và những hộ dân sống rải rác, dân di cư tự do, làm căn cứ để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất theo quy định của pháp luật. Đảm bảo theo định mức bình quân diện tích đất sản xuất, diện tích đất ở làm cơ sở để hộ thiếu đất sản xuất, đất ở thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 17-7-2017. Thực hiện công tác vận động, khuyến khích các hộ gia đình còn dư quỹ đất ở nơi an toàn chuyển nhượng cho các hộ thuộc đối tượng ảnh hưởng thiên tai cần phải di chuyển tái định cư để các hộ này ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Với các hộ di dời tự nguyện cần được địa phương (tiếp nhận) xác nhận giao đất ở tại các khu quy hoạch giãn dân đã được phê duyệt.

Về nguồn vốn đầu tư, ngoài vốn Nhà nước hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn ngân sách, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025 do tỉnh quản lý, việc thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư cần thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên cùng địa bàn và huy động vốn đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của Nhân dân. Bên cạnh nguồn vốn bố trí theo kế hoạch hàng năm, các địa phương cần chủ động rà soát các dự án bố trí dân cư trên địa bàn, xác định các vùng cần di dời cấp bách nhưng thiếu vốn đầu tư để bổ sung từ quỹ dự phòng của địa phương hoặc trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung để thực hiện, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Cùng với đó, tỉnh, huyện cần quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ, tín dụng - đầu tư, nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý... để việc sắp xếp, bố trí cho các hộ dân cư sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi đạt hiệu quả cao, bền vững.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là một trong 6 chương trình trọng tâm. Sắp xếp, ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa không chỉ có ý nghĩa góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của vùng miền núi nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giữ vững vùng phên dậu của Tổ quốc. Hơn hết, đây còn là việc làm thấm đẫm giá trị nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng thượng du Thanh Hóa.

Thùy Dương - Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]