(Baothanhhoa.vn) - Giải quyết việc làm cho lao động nữ được huyện Đông Sơn xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện bình đẳng giới. Do đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giúp chị em tìm kiếm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, từng bước khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội, tự tin làm chủ bản thân.

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho lao động nữ tại huyện Đông Sơn

Giải quyết việc làm cho lao động nữ được huyện Đông Sơn xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện bình đẳng giới. Do đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giúp chị em tìm kiếm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, từng bước khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội, tự tin làm chủ bản thân.

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho lao động nữ tại huyện Đông SơnPhụ nữ xã Đông Minh có việc làm ổn định, tăng thu nhập từ nghề làm tóc giả.

Có công việc theo ý muốn, ổn định, tăng thu nhập, đó là kết quả mà chị Phan Thị Lâm, xã Đông Phú đã đạt được sau khi tham gia khóa đào tạo nghề làm tóc. Trước đây, tuy thích nghề làm tóc nhưng chị Lâm không có điều kiện để tham gia các khóa học. Đến năm 2020, khi được Hội LHPN xã giới thiệu về khóa đào tạo nghề làm tóc miễn phí theo Dự án “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” chị đã nhanh chóng đăng ký. Trong 6 tháng học nghề chị được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về làm tóc, làm móng. Với kiến thức tích lũy được, chị Lâm đã mạnh dạn “khởi nghiệp”, mở cửa hàng làm tóc ngay tại nhà mình sau khi kết thúc khóa học. Để nâng cao tay nghề và đáp ứng thị hiếu làm đẹp của phụ nữ, chị Lâm đã thường xuyên tham gia học các lớp nâng cao, chuyên sâu hơn. Chị Lâm chia sẻ: “Lớp dạy nghề thật hữu ích. Tôi được các giảng viên hướng dẫn, truyền nghề tận tình. Với kiến thức, kỹ năng trong khóa học đã giúp tôi tự tin làm nghề. Hiện tại, cửa hàng tóc của tôi có nguồn khách hàng khá ổn định. Mỗi tháng thu nhập bình quân 14 - 15 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn dạy thêm nghề cho 3 - 4 người trong xã và tạo việc làm cho họ với thu nhập 4 - 6 triệu đồng/tháng”.

Chị Lê Thị Hà, thôn 2, xã Đông Minh là người vừa có tay làm nghề lại phát triển nghề hiệu quả, Hội LHPN xã đã vận động chị tham gia thành lập tổ làm tóc giả. Đồng thời, phối hợp để dạy nghề làm tóc giả cho chị em phụ nữ trong xã. Thời gian đầu thành lập, tổ làm tóc của chị Hà có 9 người tham gia. Đến nay thu hút khoảng 50 - 60 người trong và ngoài xã tham gia sản xuất. Chị Trương Thị Thủy, thôn 2 là thành viên tổ làm tóc giả chia sẻ: “Trước đây lúc thì làm ruộng, lúc đi làm công ty, công việc bấp bênh. Thấy nghề làm tóc giả phù hợp với phụ nữ nông thôn, thu nhập ổn định nên tôi đã tham gia học nghề và làm nghề".

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, Hội LHPN huyện Đông Sơn đã chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh... Mỗi năm hội tổ chức khoảng 15 lớp đào tạo nghề về nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ... cho hàng trăm phụ nữ trên địa bàn huyện. Ngoài ra, hội còn phối hợp với các phòng, ban, đơn vị của huyện mở các lớp tập huấn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho phụ nữ địa phương. Điển hình như năm 2022, hội đã phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội, trung tâm học tập cộng đồng tổ chức khai giảng 25 lớp nghề trồng trọt, chăn nuôi cho 500 hội viên, phụ nữ. Tổ chức thành lập 3 HTX, 14 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chọn 7 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc tham gia cuộc thi khởi nghiệp...

Để công tác đào tạo nghề cho phụ nữ đạt hiệu quả, Hội LHPN huyện Đông Sơn đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương rà soát thống kê số lượng phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn, con giống, ngày công... Đồng thời, khảo sát nhu cầu học nghề của chị em để xây dựng kế hoạch, phân bổ, phối hợp mở lớp dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng các mô hình kinh tế, tổ hợp tác... Cùng với đó, các cấp hội trong huyện cũng thực hiện hợp đồng ủy thác với các ngân hàng cho hơn 5.110 hộ vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp...

Có thể khẳng định, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các ban, ngành, hội, nhất là hội LHPN trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ trên địa bàn huyện Đông Sơn đã giúp cho nhiều phụ nữ có công việc ổn định, vươn lên phát triển kinh tế, góp phần nâng cao vị trí của phụ nữ trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]