(Baothanhhoa.vn) - Sau hàng loạt các vụ cháy nổ xảy ra, nhiều người dân và cả doanh nghiệp mới “giật mình” vì những thiệt hại về tài sản, con người... không được bảo hiểm. Đến lúc này, vai trò của bảo hiểm cháy, nổ (BHCN) mới được nghĩ đến, nhưng đã quá muộn. Theo các chuyên gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC), để giảm thiểu những thiệt hại về tài sản thì tham gia BHCN bắt buộc là hết sức cần thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao nhận thức về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Sau hàng loạt các vụ cháy nổ xảy ra, nhiều người dân và cả doanh nghiệp mới “giật mình” vì những thiệt hại về tài sản, con người... không được bảo hiểm. Đến lúc này, vai trò của bảo hiểm cháy, nổ (BHCN) mới được nghĩ đến, nhưng đã quá muộn. Theo các chuyên gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC), để giảm thiểu những thiệt hại về tài sản thì tham gia BHCN bắt buộc là hết sức cần thiết.

Nâng cao nhận thức về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Cán bộ Cảnh sát PCCC kiểm tra an toàn PCCC tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam.

Thiếu nhận thức đúng về BHCN

Số liệu từ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh cho thấy, năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 82 vụ cháy, nổ, làm 5 người chết và 6 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 64 tỷ đồng. Điển hình như vụ cháy tại Công ty CP Bánh kẹo Tràng An 3 – Việt Nam ở Khu Công nghiệp Bỉm Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, làm 3 người chết, 2 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 53 tỷ đồng...

Trên thực tế, khi gặp sự cố cháy nổ, không phải cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng có đủ điều kiện, năng lực tài chính để khắc phục thiệt hại, khôi phục hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. Tuy nhiên, việc triển khai loại hình BHCN vẫn gặp nhiều khó khăn do sự tham gia hạn chế của các đối tượng phải mua BHCN bắt buộc. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp còn xem nhẹ công tác PCCC, coi đây là chuyện may rủi nên chưa đầu tư đúng mức. Ngoài ra, một số đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia vẫn cố tình làm trái quy định, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Thậm chí một số doanh nghiệp còn lách luật bằng cách mua ghép BHCN vào tài sản kỹ thuật để giảm chi phí. Điển hình như tại các khu chung cư, dù đã có quy định về việc mua BHCN từ rất lâu nhưng cả chủ đầu tư, ban quản lý và người dân đều không mấy mặn mà với BHCN. Chỉ sau thảm họa cháy chung cư Carina Plaza (quận 8, TP Hồ Chí Minh) làm 13 người chết, người dân sống ở nhiều chung cư mới bắt đầu quan tâm đến BHCN.

Số liệu cũng cho thấy, hiện toàn tỉnh có 2.463 cơ sở thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc, tuy nhiên mới có 821 cơ sở đã mua BHCN bắt buộc, đạt 33,3%; 82 cơ sở đã mua bảo hiểm khác, trong đó có phần BHCN bắt buộc, đạt 3,3%. Số liệu trên cho thấy vẫn còn 63,4% cơ sở khác có nguy hiểm về cháy nổ nhưng chưa tham gia BHCN bắt buộc.

Nhiều văn bản pháp lý hiện hành đã có những quy định hết sức rất rõ ràng về BHCN bắt buộc và mới đây nhất, Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23-2-2018 quy định về BHCN bắt buộc đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm mở rộng diện tham gia BHCN bắt buộc; từ đó nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa rủi ro, tuân thủ các quy định về PCCC. Đồng thời đẩy nhanh công tác giám định kết quả, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường kịp thời, đầy đủ; giúp các tổ chức, cá nhân nhanh chóng khôi phục đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao nhận thức về BHCN

BHCN là một trong những “chiếc phao” bảo vệ tài sản người dân, doanh nghiệp hữu hiệu nhất nếu như gặp các sự cố về cháy, nổ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều đó, thậm chí có nhiều người nhận ra, nhưng chỉ vì tiết kiệm chi phí mà “bỏ quên” vấn đề quan trọng này. Để nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp trong việc trang bị kiến thức BHCN, Đại tá Lê Văn Cửu, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, khi các quy định về BHCN được thực hiện mặc nhiên sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm giữa các bên. Từ đó các thiết chế quản lý để phòng ngừa, phòng cháy sẽ tự khắc được điều chỉnh, nâng lên tốt hơn và có thêm vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, hỗ trợ rất tích cực cho công tác PCCC nói chung ở các loại hình cơ sở.

Có thể thấy, hiện nay Nghị định 23/2018/NĐ-CP đã quy định rõ, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Nhằm thực hiện tốt chế độ BHCN bắt buộc trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra rà soát các cơ sở quản lý trên địa bàn. Đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc thực hiện quy định về chế độ BHCN bắt buộc. Tăng cường công tác kiểm tra PCCC, công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về việc chấp hành các quy định về PCCC đến người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương và nhân dân. Theo dõi thời hạn bảo hiểm để kịp thời kiểm tra, đôn đốc cơ sở gia hạn hợp đồng mới khi hợp đồng BHCN bắt buộc cũ đã hết hạn. Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm quy định về thực hiện chế độ BHCN bắt buộc...

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]