(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng tăng cao, cùng với đó là sự bùng nổ của các sản phẩm làm đẹp ngày càng đa dạng, phong phú trên thị trường. Bên cạnh những dòng mỹ phẩm chính hãng, chất lượng thì nhiều mặt hàng giả, hàng nhái kém chất lượng vẫn ngang nhiên bày bán ở nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mỹ phẩm làm đẹp hay “tiền mất tật mang”

Trong những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng tăng cao, cùng với đó là sự bùng nổ của các sản phẩm làm đẹp ngày càng đa dạng, phong phú trên thị trường. Bên cạnh những dòng mỹ phẩm chính hãng, chất lượng thì nhiều mặt hàng giả, hàng nhái kém chất lượng vẫn ngang nhiên bày bán ở nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Một quầy hàng bán mỹ phẩm ở chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa).

Nhốn nháo thị trường mỹ phẩm

Dạo quanh các tuyến phố trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi bắt gặp vô số các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm với hàng trăm mặt hàng được bày bán tràn lan. Tại các quầy hàng các chợ: Tây Thành, Đông Thành, Vườn Hoa... các phố như: Đào Duy Từ, Phan Chu Trinh, Lê Hoàn..., hay các con ngõ nhỏ cũng không khó để nhận thấy sự xuất hiện của những mặt hàng đang rất được ưa chuộng này.

Trong vai khách hàng, chúng tôi đến 2 cơ sở làm đẹp trên đường Phan Chu Trinh (TP Thanh Hóa). Tại đây, chúng tôi được nhân viên giới thiệu chi tiết về từng dòng sản phẩm cũng như tư vấn tận tình về loại mỹ phẩm phù hợp với khách hàng. Những sản phẩm ở đây có tem mác cũng như các thông tin chi tiết rất rõ ràng, đầy đủ, tạo được sự an tâm cho người sử dụng. Tuy nhiên, 2 cơ sở uy tín kinh doanh độc quyền những sản phẩm mang thương hiệu có tiếng này chỉ là con số ít ỏi trên tổng số các địa chỉ kinh doanh mỹ phẩm. Còn phần lớn các cửa hàng khác bày bán “tạp nham” với đủ loại từ những mặt hàng mang thương hiệu lớn đến những sản phẩm mới, không tên tuổi nhưng được người bán quảng cáo “hiệu quả thần tốc”.

Thực tế, trên thị trường hiện nay, nhiều cửa hàng đã công khai bày bán hàng trăm loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trà trộn với các sản phẩm có thương hiệu làm cho người tiêu dùng như đứng trước mê trận không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Phải là người dùng lâu năm, sành hàng mỹ phẩm, người mua mới có thể lựa chọn cho mình đúng sản phẩm chất lượng, còn nếu không, khách hàng chỉ mua dựa theo niềm tin vào lời giới thiệu của người bán mà chưa chắc sản phẩm mình bỏ tiền ra đã là hàng thật, bảo đảm chất lượng. Quan sát gian hàng mỹ phẩm được trưng bày bắt mắt ở vị trí đẹp nhất tại một cửa hàng kinh doanh quần áo mỹ phẩm trên đường Đào Duy Từ (phường Lam Sơn), chúng tôi hoa mắt bởi vô số những loại mỹ phẩm hình thức đẹp, màu sắc phong phú, kiểu dáng đa dạng với nhiều mùi hương quyến rũ từ son môi, kem làm trắng da, kem chống nắng, chì kẻ môi, kẻ mắt đến các loại phấn, dầu gội đầu... của nhiều thương hiệu lớn như Dior, Chanel... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm không nhãn mác với bao bì thô sơ, được giới thiệu là hàng handmade như son tự làm, kem trộn... Cầm trên tay hộp phấn trang điểm mang nhãn hiệu Sempre xuất xứ từ Hàn Quốc, chúng tôi không khỏi băn khoăn bởi trên bao bì sản phẩm này hoàn toàn không hề có bất cứ loại tem nhãn nào, không phụ đề tiếng Việt cũng như không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Đem thắc mắc đó hỏi người bán thì được chị này khẳng định, cửa hàng chị làm ăn uy tín nên mọi sản phẩm ở đây “chuẩn 100%”. Thời gian gần đây, trên thị trường còn xuất hiện những dòng sản phẩm tự gắn thương hiệu. Đó là những loại mỹ phẩm kém chất lượng nhưng có mẫu mã sang trọng, nhãn mác bắt mắt được rao bán nhan nhản trên các trang mạng xã hội nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Đánh vào tâm lý ham rẻ nhưng thích dùng hàng hiệu của người tiêu dùng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, các mặt hàng mỹ phẩm giả mang thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán tràn lan khắp các cửa hàng, nhiều nhất là ở các chợ dân sinh. Điều đáng nói là giá của những sản phẩm này chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/20 giá của sản phẩm chính hãng. Cụ thể, tại các sạp mỹ phẩm ở chợ Tây Thành, giá một lọ nước hoa nhãn hiệu nổi tiếng Chanel chỉ có giá 200.000 đồng trong khi giá thực hàng chính hãng là 4.200.000 đồng. Hay một hộp phấn mắt nhãn hiệu Ohui của Hàn Quốc được bán với giá 100.000 đồng, trong khi giá hàng chính hãng là 950.000 đồng. Giá cả của từng loại mỹ phẩm ở mỗi gian hàng rất khác nhau. Cùng một mặt hàng nhưng giá có khi chênh lệch nhau tới cả trăm nghìn đồng tùy vào sự khéo mặc cả của người mua.

Ngày nay, lượng người Việt đi du lịch, lao động và học tập ở nước ngoài ngày càng nhiều, cùng với đó là lượng hàng ngoại được chuyển về cũng nhiều hơn. Lợi dụng yếu tố này, nhiều người kinh doanh đã tự gắn cho những sản phẩm kém chất lượng của mình bằng cái tên uy tín là “hàng xách tay” để tạo niềm tin cho khách hàng. Không khó để người tiêu dùng có thể tìm cho mình những mặt hàng này tại các cửa hàng cũng như trên mạng xã hội. Chị Trần Thị Hương (phường Đông Sơn), bức xúc: “Tháng trước, tôi mua 1 thỏi son trên mạng online được quảng cáo là hàng xách tay từ Pháp với giá 450.000 đồng. Tuy nhiên, mới sử dụng được hơn 1 tuần thì thỏi son tự nhiên nhão ra, biến dạng nên tôi không dám tiếp tục dùng nữa”.

Đừng để “tiền mất tật mang”

Mỹ phẩm là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện nay có không ít trường hợp phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi lạm dụng mỹ phẩm, sử dụng hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chị Dương Quỳnh Anh, phụ trách chuyên môn về da tại Spa Phương Anh (phường Ba Đình), cho biết: Cơ sở chị tiếp nhận nhiều trường hợp bị tổn thương da do dùng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường như: Kem trị mụn, trị nám, nhất là các loại kem làm trắng da thường chứa nhiều thành phần tẩy da mạnh rất có hại như: Aspirin, Phenol, Corticoid... Với những người sử dụng sản phẩm này, da chỉ đẹp lên trong thời gian rất ngắn rồi sau đó da bị tẩy mỏng trở nên dễ bị kích ứng, nhăn nheo, sạm nám... Điển hình như chị Hoàng Trâm Anh (phường Phú Sơn), sau đợt điều trị tích cực kéo dài 3 tuần tại một spa trên đường Lê Hoàn để hồi phục làn da bị phỏng rộp do dùng “thảo dược trị mụn” mua trên mạng online, chia sẻ: “Do thiếu hiểu biết về mỹ phẩm, tôi đã phải chịu hậu quả nặng nề khi vừa bị đe dọa về sức khỏe vừa tốn thời gian và tiền bạc để chữa trị. Chắc chắn sau này tôi sẽ cẩn thận hơn trong việc lựa chọn sản phẩm làm đẹp”.

Mỹ phẩm dùng để làm đẹp nhưng có thể làm cho người dùng trở nên xấu xí, mặc cảm, thậm chí đe dọa đến sức khỏe nếu như họ không thật sự hiểu biết về sản phẩm. Bác sĩ Hoàng Văn Mạnh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, cho biết: Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6 đến 7 ca mắc bệnh về da do dùng sai mỹ phẩm, nhẹ thì dị ứng, viêm da, nổi mụn, bong tróc da; nặng thì sạm nám, bỏng rộp. Với những trường hợp này, người bệnh không chỉ bị ngứa rát, đau đớn mà để phục hồi tình trạng da trở lại như ban đầu còn rất tốn thời gian và tiền bạc. Điều đáng nói, trước đây chỉ nữ giới ở lứa tuổi thanh niên và trung niên phải đến các cơ sở y tế điều trị những triệu chứng này thì ngày nay nam giới cũng trở thành nạn nhân của những sản phẩm kém chất lượng được mang tên mỹ phẩm làm đẹp.

Thật giả lẫn lộn, đó là thực trạng vẫn diễn ra hàng ngày của thị trường mỹ phẩm. Người tiêu dùng cần chuẩn bị kiến thức cơ bản về những dòng mỹ phẩm mình quan tâm để luôn chọn được các sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất trong việc làm đẹp. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần siết chặt quản lý giá cả, chất lượng sản phẩm và hoạt động buôn bán của các cơ sở kinh doanh, góp phần tạo nên thị trường mỹ phẩm phát triển lành mạnh và bền vững.


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]