(Baothanhhoa.vn) - Hơn 4 giờ sáng, người dân TP Thanh Hóa vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, các ngả đường vắng vẻ tịch mịch. Xa xa, bóng một người phụ nữ lặng lẽ đạp xe, lầm lũi như không quan tâm đến cái rét của những ngày cuối đông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưu sinh nơi bãi rác

Hơn 4 giờ sáng, người dân TP Thanh Hóa vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, các ngả đường vắng vẻ tịch mịch. Xa xa, bóng một người phụ nữ lặng lẽ đạp xe, lầm lũi như không quan tâm đến cái rét của những ngày cuối đông.

Chị Ngô Thị Huê (huyện Đông Sơn) cùng nhiều phụ nữ miệt mài nhặt tìm “nguồn sống” tại bãi rác Đông Nam.

Tôi cố nhấn bàn đạp cho xe chạy song song rồi lên tiếng làm quen. Sau một hồi ngạc nhiên với sự xuất hiện của người lạ, chị bắt đầu cởi mở hơn với câu chuyện của mình. Chị là Lê Thị Liên, quê ở huyện Hoằng Hóa, làm nghề nhặt phế liệu đã ngót nghét mười ba năm. Với chị, bao nhiêu năm làm nghề là chừng ấy năm sống trong mặc cảm, bởi nghề này gắn liền với những vòng quay rong ruổi khắp các ngõ ngách, các con phố để tìm kiếm nguồn sống từ những thứ rác rưởi bỏ đi. Đang say sưa chia sẻ, chị Liên bỗng dừng bàn đạp rồi phanh xe lại lề đường, nơi lỏng chỏng những túi bóng căng đầy rác thải. Nhanh chóng, tay lấy móc sắt, tay nới sợi dây chun buộc vài chiếc bì sắc rắn, chị tiến lại khều tung những chiếc túi ấy rồi ném vào bì những chiếc vỏ lon nước ngọt, vài ba cái vỏ chai nhựa. Xong việc, chị buộc bì sau gác ba ga rồi cùng tôi nói tiếp câu chuyện còn dang dở. Nhìn hai gò má gầy guộc, đôi mắt nheo lại để tránh những lớp sương dày đua nhau theo gió tạt vào làm ướt lạnh khuôn mặt tê tái, tôi chợt thấy thương cảm tới phận người đàn bà nhỏ bé. Quay sang chị, tôi hỏi: “Đi làm cách nhà xa thế này thì chuyện con cái, cơm nước, chị sắp xếp thế nào?”. Như tìm thấy sự đồng cảm, chị giãi bày: “Vất vả lắm cô ạ. Tôi nấu cơm, đi làm từ sáng sớm, lúc bọn trẻ còn chưa dậy, mọi việc lo cho chúng ăn, đưa đón chúng đi học phải nhờ cả vào mẹ chồng. Chiều tối mù mịt về đến nhà mới lo tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa mệt nhoài nên chẳng còn thời gian chơi với con nữa”. Dường như vẫn chưa hết nỗi lòng, chị thở dài: “Thương con lắm nhưng biết làm sao được, nếu mình không cố đi làm thì lấy gì mà lo cho 3 đứa trẻ nheo nhóc?”. Nói đến đây, cả tôi và chị đều lặng yên để câu chuyện tự trôi theo dòng suy nghĩ của mỗi người. Cứ thế, chúng tôi đạp xe lòng vòng qua vài con phố. Trên đường, mỗi khi chị dừng lại “tác nghiệp” thì tôi đứng quan sát, mắt không rời những chiếc vỏ lon hay mảnh bìa giấy được chị thoăn thoắt thu lại.

Tám giờ sáng, khi chị dừng chân nơi bãi tập kết xe rác, đoạn qua cầu Đông Hương, cũng là lúc hai chân tôi mỏi rời vì đạp xe. Nhìn bãi rác ngồn ngộn, tung tóe, vương vãi dưới nền đất đen đọng nước nhầy nhụa, tôi cố giấu ánh mắt ái ngại cho công việc vất vả và độc hại này. Trong khi đó, chị Liên vẫn cắm cúi nhặt cái này, ném cái kia trông rất chuyên nghiệp. Tôi cảm nhận được niềm phấn khởi trong mắt người đàn bà nghèo này khi chị đưa ánh nhìn vào chiếc bì đựng hàng đã căng đầy.

Để tìm hiểu thêm về công việc mưu sinh đầy vất vả này, tôi tìm đến bãi rác Đông Nam thuộc xã Đông Nam, huyện Đông Sơn vào một chiều mưa ẩm ướt. Cách xa khoảng 500m, mùi hôi thối theo gió bao trùm cả không gian. Càng tiến lại gần, cái thứ mùi đặc trưng này càng nồng nặc và xộc thẳng vào mũi làm người ta ghê sợ. Trước mắt tôi là một “núi rác” khổng lồ, được dẫn vào bằng con đường màu đen kịt, lẹp nhẹp bùn đất. Men theo lối mòn, tôi tiến lại gần nhóm phụ nữ đang say sưa làm việc với những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, quần áo lấm lem bùn đất. Thấy người lạ, họ đưa ánh mắt dò xét, đề phòng và có phần mặc cảm rồi lại lặng lẽ tiếp tục công việc của mình. Mưa mỗi lúc dày hạt hơn. Khó khăn lắm tôi mới có thể gợi chuyện và nhận được sự chia sẻ của họ. “Các chị bắt đầu công việc từ mấy giờ?”. Một người trong số họ ngẩng đầu lên, trả lời: “Khoảng 7 giờ sáng, xe ô tô chở rác đến đây cũng là lúc chúng tôi có mặt. Xe đi liên tục nên chúng tôi cứ làm đến khi nào mệt thì nghỉ thôi, chẳng giờ giấc gì cả. Nghỉ ngày nào là nhịn ăn ngày đó”. Đưa mắt quan sát, tôi nhận thấy, những người đàn bà này trang bị đồ bảo hộ khá sơ sài: Đầu đội nón lá, đeo khẩu trang thông dụng, tay lồng trong đôi găng mỏng dính. Ngay dưới chân họ, rất nhiều những thanh sắt sắc nhọn, các mảnh chai lọ vỡ nham nhở, lổn nhổn những chiếc bơm tiêm còn dính máu. Tôi rùng mình, vội nói: “Làm việc trong môi trường này, các chị phải đối mặt với nhiều nguy cơ rình rập tới sức khỏe của mình lắm”. Một chị đứng thẳng người lên, giơ tay đấm liên tục vào tấm lưng đã bao năm dầm dãi với nắng mưa cuộc đời, cất giọng khàn trầm: “Sợ thì lấy gì mà sống hả cô? Chúng tôi chẳng nghề ngỗng, vốn liếng lại chả có thì chỉ biết sống chết với nghề này mà thôi”. Quả thật, ở đây, không thể tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp. Nhẹ thì mảnh sành, mảnh chai cứa đứt tay, chân, nặng thì trượt ngã chấn thương. Đó là chưa kể không khí ô nhiễm mà họ phải hít thở hàng ngày, vi trùng, vi khuẩn đeo bám với hàng trăm mầm bệnh khác nhau, nhưng vì cuộc mưu sinh nên họ chấp nhận tất cả. Làm nghề lượm rác, sợ nhất là đến bệnh viện khám, có ốm đau gì thì tự chữa ở nhà, chứ đến viện rồi thì biết bao nhiêu bệnh cho kể, về rồi lại thêm lo.

Được biết, những người kiếm sống ở đây phần lớn là những người dân nghèo của thôn Hạnh Phúc, xã Đông Nam. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nhưng có lẽ éo le nhất là gia đình anh Phạm Văn Bình. Gia đình anh có bốn người con thì hai người đã mất vì suy thận, một cậu con trai cũng đang chiến đấu với căn bệnh này ở giai đoạn cuối. Bản thân anh lại mất sức lao động do tai nạn từ hai năm trước. Tất cả gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người vợ tần tảo. Chị Ngô Thị Huê, vợ anh Bình, cho biết: “Làm việc quần quật suốt từ sáng đến tối mịt nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Ngày nào may mắn thì kiếm được một trăm nghìn đồng còn nếu không chỉ vài chục là cao. Nhiều lúc mệt mỏi, về nhà không thể nuốt nổi cơm do ám ảnh bởi mùi xú uế từ bãi rác nhưng rồi ngày mai lại vẫn phải tiếp tục công việc, nếu không thì lấy tiền đâu nuôi cả nhà, rồi còn tiền thuốc cho chồng, cho con nữa”.

Chào các chị, tôi ra về nhưng bước chân vẫn nặng trĩu nghĩ suy về những phận đời bé nhỏ đang ngày ngày đội nắng, đội mưa nhặt tìm “nguồn sống” nơi bãi rác. Có cách gì để giúp họ chuyển đổi “nghề”? Hay chí ít là có trang bị bảo hộ tốt hơn để họ có thể bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình trong cuộc mưu sinh đó?!


.Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]