(Baothanhhoa.vn) - Mặc cho cái nắng như thiêu như đốt tựa chảo lửa đang phả không khí ngột ngạt, bỏng rát lên da, lên mặt, những người lao động vẫn gồng mình vất vả mưu sinh.

Lao động vất vả ngày nắng nóng

Mặc cho cái nắng như thiêu như đốt tựa chảo lửa đang phả không khí ngột ngạt, bỏng rát lên da, lên mặt, những người lao động vẫn gồng mình vất vả mưu sinh.

Lao động vất vả ngày nắng nóng

Những người thợ xây dựng vất vả “phơi mình” trong nắng nóng.

Nắng tháng sáu, cái nắng như thiêu như đốt, nhiệt độ cao, các phương tiện tham gia giao thông dày đặc, sức nóng của động cơ và từ mặt đường nhựa, đường bê tông bốc lên càng làm cho không khí thêm ngột ngạt. Ai nấy có việc ra đường đều cố gắng nhanh chóng về nhà hoặc tìm nơi tránh nắng. Ấy vậy mà những người thợ xây, phụ hồ, xe ôm, bán quán nước vỉa hè, thợ lắp điều hòa... vẫn hàng ngày, hàng giờ “phơi mình” lao động kiếm sống.

Đã hơn 11h30 trưa, nắng bỏng lưng rát mặt nhưng anh Lê Đức Bình, xã Nông Trường (Triệu Sơn) vẫn không ngừng xây trát bức tường tại một công trình nhà ở. Mặc dù đội mũ, mặc áo chống nắng nhưng cả tấm lưng áo cũ sờn đều đã đậm màu, ướt sũng. Những dòng mồ hôi từ đầu, từ trán thi nhau chảy xuống cổ, rớt xuống đất càng làm anh mất sức. Kéo chiếc khăn vắt trên cổ lau mồ hôi, anh Bình chia sẻ: “Nghề thợ xây vất vả lắm, nhất là làm vào mùa hè. Công việc không chỉ phải leo trèo, bê vác nặng nhọc mà còn hay phải “phơi mình” giữa những ngày hè nắng nóng nên lại càng vất vả hơn. Nếu ở giai đoạn hoàn thiện nội thất bên trong công trình còn đỡ chứ thời điểm này đang xây thô nên anh em đều phải làm ngoài trời. Đứng trên giàn giáo trong khoảng thời gian dài rất nguy hiểm nhưng chúng tôi luôn bảo nhau phải tập trung hết sức để nhanh chóng hoàn thành công việc, kịp tiến độ bàn giao cho chủ nhà để nhận tiền công trang trải cuộc sống”.

Khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng, đôi bàn tay chai sạn mốc trắng, những người thợ xây, phụ hồ đang ngày ngày “chiến đấu” với cái nóng, cái bụi. Họ chẳng quản ngại nhọc nhằn, cơ cực, miễn sao có việc đều đều để có thêm thu nhập. Với họ, giữa thời buổi khó khăn bởi dịch bệnh, bởi thiếu việc làm thì dù có nắng, có vất vả bao nhiêu miễn là có việc đã là may mắn lắm rồi.

Suốt buổi sáng rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng, rao đến khàn cả cổ để mua đồng nát, bà Lê Thị Thảo, một phụ nữ có 20 năm làm nghề thu mua phế liệu đã quá quen với kiểu thời tiết khắc nghiệt này, mặc dù vậy, sự khó chịu vẫn hiện rõ ở từng nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ. Đầu đội nón, khẩu trang che kín mít, áo chống nắng, găng tay, tất chân đầy đủ nhưng cái nắng, cái nóng hầm hầm không ngừng tạt vào cơ thể khiến đôi lúc bà phải dừng lại quệt mồ hôi, kéo lớp vải xuống cằm cho dễ thở. “Mấy tiếng đồng hồ len lỏi mọi ngõ ngách nhưng đợt nắng này lượng hàng nhập được chẳng ăn thua gì, ít hơn hẳn so với những tháng trước. Hôm nào may mắn thì kiếm được 100 - 200 nghìn còn nếu không vài chục nghìn cũng phải đi vì nếu không làm thì lấy gì sinh sống. Mong cho thời tiết đỡ nắng và dịch bệnh nhanh hết để tôi đi làm đỡ vất vả hơn”, bà Thảo tâm sự.

Lao động vất vả ngày nắng nóng

Để mưu sinh, người lao động gồng mình chống chọi với thời tiết nắng nóng.

Chọn gầm cầu vượt đoạn qua phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) làm nơi nghỉ trưa, bà Thảo cùng hai người bạn nghề xếp hộp cơm đã chuẩn bị sẵn từ nhà ra tấm bìa các tông để xoa dịu cơn đói. Cái nóng từ tứ phía phả vào khiến bữa cơm của họ diễn ra chóng vánh để nhường cho giấc ngủ trưa. Mà chỉ là ngả lưng cho đỡ mệt mỏi chứ nào có ngủ được, chốc chốc, bà lại phe phẩy chiếc nón lá cũ rồi quay sang trao đổi dăm ba câu chuyện với chị bên cạnh. Họ chờ cho cơn nắng bớt gắt rồi lại tiếp tục hành trình mưu sinh buổi chiều.

Không chỉ lao động tự do mà những công nhân tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng phải oằn mình chống chịu sự khắc nghiệt của thời tiết để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Anh Trần Anh Thành, nhân viên làm việc tại Trung tâm Viễn thông Thanh Hóa, cho biết: Những ngày nắng nóng, hệ thống mạng lưới dễ gặp sự cố nên chúng tôi chủ động kiểm tra các thiết bị truyền tải, kịp thời phát hiện, sửa chữa. Vất vả nhất là những thời điểm giữa trưa và đầu giờ chiều, nắng gắt dội xuống nhưng nếu có khách hàng báo mạng internet hay điện thoại gặp trục trặc là chúng tôi vẫn phải sẵn sàng có mặt. Đặc thù công việc phải thường xuyên leo trèo lên các mái nhà, tấm tôn để sửa chữa đường dây, phải đu bám quanh thân cột bê tông cao chót vót mới thấy được cái khắc nghiệt của mùa nắng nóng. Nhiều hôm đứng trên cột cao hàng tiếng đồng hồ, khi xong việc thì chiếc áo bảo hộ của mình đã khô mồ hôi thành mấy vệt trắng xóa từ lúc nào rồi.

Các công nhân của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cũng là những người hàng ngày trực tiếp đối mặt với cái nắng, cái nóng của mùa hè. Giữa trời nắng gắt bỏng da bỏng thịt, tại khu vực Quảng trường Lam Sơn, dọc các con đường lớn như Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Nguyễn Hoàng... những công nhân môi trường vẫn say sưa, tất bật với đủ mọi công việc. Người cắt tỉa cành lá, tạo hình cho bồn hoa, người vun đất chăm bón từng gốc cây nhỏ, một vài nam công nhân đeo chiếc máy cắt nặng trĩu trên vai lia liên tiếp trên mặt cỏ... Dù mệt mỏi nhưng ai nấy đều cố gắng làm thật nhanh để hoàn thành tiến độ công việc được giao.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Phòng Kế hoạch, kỹ thuật, vật tư của đơn vị này cho biết: “Để đảm bảo môi trường sạch đẹp, hàng trăm công nhân của công ty không kể ngày nắng hay ngày mưa đều phải nỗ lực dọn dẹp từng tuyến đường, chăm sóc từng cây xanh, chậu hoa trên phố. Ngoài cung cấp dụng cụ làm việc, công ty còn trang bị đầy đủ cho công nhân đồ bảo hộ lao động như mũ, găng tay, khẩu trang giúp công việc vừa hiệu quả mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho bản thân mỗi người”.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nắng nóng vẫn sẽ còn nhiều đợt kéo dài khiến người lao động còn tiếp tục những chuỗi ngày vất vả. Để đối diện với sự khắc nghiệt của thời tiết, họ đã có những biện pháp để tự bảo vệ mình như: trang bị thêm các đồ dùng chống nóng gồm nón, mũ, khẩu trang, găng tay, sử dụng kem chống nắng; chuẩn bị sẵn nước uống để cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, nhất là các loại nước uống làm mát, thanh lọc cơ thể có nguồn gốc tự nhiên như nước rau má, nước mía, nước đậu đen...; dịch chuyển thời gian làm việc sang khoảng thời gian sáng sớm và kết thúc vào buổi chiều muộn để hạn chế việc phải “đối đầu” với “chảo lửa”.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]