(Baothanhhoa.vn) - Xác định công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần giảm nghèo trên địa bàn, trong những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐTN gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Thường Xuân quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xác định công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần giảm nghèo trên địa bàn, trong những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐTN gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Thường Xuân quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thônLao động nông thôn được đào tạo và làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa, đóng tại xã Luận Thành.

Thời gian qua, công tác ĐTN, giải quyết việc làm cho LĐNT được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể của huyện Thường Xuân đặc biệt quan tâm. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT. Trong đó đặc biệt quan tâm và ưu tiên các đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chưa qua ĐTN ở các xã đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp huyện, xã trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nghề đào tạo, đảm bảo thực hiện đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT, gắn đào tạo với tạo việc làm, tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của LĐNT.

Để công tác ĐTN đi vào thực chất và phát huy hiệu quả, trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế người dân địa phương, huyện tập trung đào tạo những ngành nghề thiết thực và phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của địa phương, như: may công nghiệp, dệt thổ cẩm, thêu ren, trồng nấm, trồng cao su, trồng luồng, mây tre đan, nuôi cá lồng tại hồ Cửa Đạt... Đồng thời, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn cho các hộ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa cũng được chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện Thường Xuân chú trọng. Nhờ đó, trong những năm gần đây hiệu quả công tác dạy nghề và ĐTN của huyện ngày càng được nâng cao, đa số lao động qua đào tạo có việc làm và biết áp dụng kiến thức đào tạo vào phát triển sản xuất.

Sau một thời gian thực hiện, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác ĐTN nói chung và ĐTN cho LĐNT nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Qua đó, huyện còn huy động được sự vào cuộc của các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực tham gia vào công tác ĐTN và giải quyết việc làm cho LĐNT. Cụ thể, tại xã Luận Thành, Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa chuyên sản xuất các mặt hàng ván ép tinh xuất khẩu đi các nước Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, mặc dù mới đi vào hoạt động kể từ năm 2018, song đến nay doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm LĐNT là người địa phương, với mức thu nhập từ 5,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ dừng lại ở đó, 100% nguyên liệu sản xuất ván ép là gỗ keo được công ty thu mua của người dân trên địa bàn huyện và liên kết với người dân để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bền vững, tiến tới trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Nhờ đó, trong vài năm trở lại đây, cuộc sống của một bộ phận người dân trên địa bàn xã Luận Thành ngày càng ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Cầm Bá Quyền, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Thường Xuân, cho biết: Trong những năm gần đây, công tác dạy nghề và ĐTN cho LĐNT được huyện Thường Xuân thực hiện theo hướng bám sát với nhu cầu thực tế của người lao động ở từng địa phương. Đồng thời, huyện tích cực đấu mối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh về nhu cầu sử dụng lao động. Trên cơ sở đó, huyện đã thực hiện hiệu quả công tác ĐTN gắn với giải quyết việc làm. Trong năm 2021, Phòng LĐTBXH đã chỉ đạo các xã, thị trấn, Trung tâm GDNN-GDTX của huyện tuyên truyền, tư vấn LĐNT tham gia các lớp học nghề. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, các công ty, các doanh nghiệp về việc tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm. Nhờ đó, trong năm vừa qua, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đào tạo và giải quyết việc làm cho 2.153 học viên.

Có thể khẳng định, hiệu quả từ công tác ĐTN cho LĐNT và công tác GDNN nói riêng đã từng bước đào tạo được nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng, của tỉnh nói chung. Đặc biệt, Đề án ĐTN cho LĐNT theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã trang bị cho LĐNT trên địa bàn huyện Thường Xuân có thêm kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp để áp dụng trong cuộc sống sản xuất, phát triển kinh tế hộ và tham gia vào thị trường lao động hiện nay, từng bước giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện công tác ĐTN cho LĐNT của huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn. Là huyện miền núi, diện tích tự nhiên rộng, trong khi đó hệ thống giao thông bị chia cắt bởi sông, suối nhiều, dân cư phân bổ không đồng đều nên việc tập hợp mở lớp tại chỗ còn nhiều khó khăn. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, trình độ nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Mặt khác, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế dẫn đến việc tiếp thu nghề hiệu quả còn thấp; một số học viên chưa xác định rõ học nghề để có tay nghề áp dụng vào sản xuất, phục vụ cuộc sống dẫn đến ý thức chấp hành kỷ luật chưa nghiêm... Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện còn ít, việc thu hút giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động địa phương còn gặp không ít khó khăn. Theo đó, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, cùng với việc đẩy mạnh ĐTN cho LĐNT, UBND huyện sẽ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với các ngành chức năng trong việc vay vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động các địa phương... từng bước tăng thu nhập và ổn định đời sống Nhân dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]