(Baothanhhoa.vn) - Nhận thức được tầm quan trọng của chương trình giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Nga Sơn đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những hướng đi, mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Nga Sơn: Kinh nghiệm từ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Nhận thức được tầm quan trọng của chương trình giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Nga Sơn đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những hướng đi, mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Huyện Nga Sơn: Kinh nghiệm từ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Trường Trung cấp nghề Nga Sơn đào tạo nghề cắt may cho người lao động.

Với mục tiêu giảm số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn, huyện Nga Sơn đã cụ thể hóa đưa các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Chủ tịch UBND huyện phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Nga Sơn giai đoạn 2016-2020. Hằng năm, trên cơ sở điều tra, rà soát hộ nghèo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo của địa phương, trong đó xác minh rõ mục tiêu cụ thể và các giải pháp tác động theo từng nhóm nguyên nhân nghèo, về các chiều thiếu hụt để có giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đúng quy định. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 9,34%, hộ cận nghèo 9,3%, thì đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,58%, hộ cận nghèo 7,4%.

Có được kết quả trên, thời gian qua, huyện Nga Sơn đã tập trung thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người nghèo, người cận nghèo. Giai đoạn 2016–2020, toàn huyện giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động được 1.458 người; tổ chức đào tạo nghề cho trên 15.000 lao động, 840 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có 29 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 25,6 tỷ đồng (trong đó, theo Quyết định 33/2014/QĐ-TTg cho 157 hộ, kinh phí trên 3,9 tỷ đồng; Quyết định 48/2014/QĐ-TTg cho 324 hộ kinh phí trên 16,5 tỷ đồng); các đoàn thể và Nhân dân trên toàn huyện ủng hộ được trên 5,5 tỷ đồng vào quỹ “Vì người nghèo”. Với số tiền đó cùng với sự hỗ trợ của các cấp ngành cấp trên và các chính sách của Nhà nước, đã hỗ trợ xây mới được 437 căn nhà, sửa chữa 43 căn với tổng số tiền trên 5,2 tỷ đồng... Đặc biệt, thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại 3 xã đặc biệt khó khăn ven biển và hải đảo (Nga Thủy, Nga Tiến, Nga Tân), giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã xây mới được 12 công trình với kinh phí trên 17 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các công trình hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vùng bãi ngang như: xây dựng 3 cây cầu kết nối 10 xã, đường ra bến cá, đường nội đồng xóm 8 ra đê xã Nga Tiến, Trường Mầm non xã Nga Thủy, Trạm Y tế xã Nga Tân...

Đặc biệt, Chương trình giảm nghèo bền vững đã được nhiều địa phương trong huyện gắn với chính sách an sinh xã hội, góp phần làm cho chính sách giảm nghèo thêm hiệu quả và bền vững. Thông qua các chương trình giảm nghèo, huyện Nga Sơn đã thực hiện tốt các chính sách trợ giúp, trợ cấp xã hội; chính sách đối với người cao tuổi và người tàn tật; chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Huyện đã triển khai cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, cận nghèo vay vốn để góp phần trang trải học phí; chương trình cho vay vốn để giải quyết việc làm; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Nói về kinh nghiệm trong thực hiện các chương trình giảm nghèo, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: bài học kinh nghiệm mà Nga Sơn đúc rút ra trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, trước hết là phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Từ đó, bàn bạc đưa ra các nhóm chính sách đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các quy trình triển khai hỗ trợ cũng phải được thực hiện đúng đối tượng, những hộ dân được hưởng thụ phải được rà soát theo nhu cầu đăng ký, đúng tiêu chuẩn, quy định. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo cần được công khai minh bạch, có sự tham gia của các ngành, đoàn thể tại địa phương nên người dân có niềm tin tuyệt đối vào những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các hộ nghèo đã có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia học nghề, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, chủ động vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]