(Baothanhhoa.vn) - Nhiều người hút thuốc lá ngụy biện rằng, mình hút thuốc mình chịu ảnh hưởng không gây hại cho những người xung quanh. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, những người thường xuyên hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hút thuốc lá thụ động: Nguy cơ mắc bệnh cao

Nhiều người hút thuốc lá ngụy biện rằng, mình hút thuốc mình chịu ảnh hưởng không gây hại cho những người xung quanh. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, những người thường xuyên hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc.

Do không có chế tài xử phạt nên người nhà bệnh nhân vô tư hút thuốc lào ngay trong khuôn viên bệnh viện.

Hút thuốc lá thụ động là hình thức hít khói thuốc từ không khí, không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào, xì gà... Dòng khói phụ từ đầu điếu thuốc lá đang cháy tỏa ra ngoài trộn với khói chính người hút thuốc lá nhả ra tạo thành “khói thuốc lá thụ động” và việc hít phải khói thuốc lá này được gọi là “hút thuốc lá thụ động”. Khói thuốc lá cũng gián tiếp dẫn đến những nguy cơ về ung thư, cũng như nhiều loại bệnh khác. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc.

Theo thống kê mới đây của các nhà khoa học, khói thuốc chứa hơn 7.000 hợp chất hóa học, trong đó có 250 hóa chất độc hại và có ít nhất 69 hóa chất được biết đến như chất gây ung thư. Nghiên cứu trên phạm vi quốc tế trong 20 năm gần đây về ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động đã chỉ ra rằng: Khói thuốc lá thụ động là tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của nam và nữ. Đối với người lớn, hút thuốc lá thụ động có thể là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như: Viêm mũi họng, các bệnh về tim mạch, ung thư phổi... Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25 - 30% so với những người không hít phải khói thuốc. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Với phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen, giảm sự phát triển chức năng phổi, tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Nhiều nghiên cứu chứng minh, hút thuốc thụ động sau khi sinh sẽ làm giảm chức năng phổi của trẻ. Trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 0,32% dung tích sống gắng sức; 1,2% thể tích thở ra gắng sức, 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ. Người ta thấy ở những đứa trẻ có bố mẹ hút thuốc lá nguy cơ trẻ bị đột tử ở tuổi nhũ nhi tăng, nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý cơn hen cấp tăng, hen phế quản. Bố hút thuốc lá thì khói thuốc lá con hút phải tăng nguy cơ các đợt cấp hen phế quản, tăng nguy cơ viêm tai mãn tính ở trẻ. Mẹ hút thuốc lá thì nguy cơ đó tăng lên gấp đôi. Nếu cả bố và mẹ cùng hút thuốc thì nguy cơ đó còn tăng hơn nữa. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thường nhẹ cân khi sinh; mắc hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS); bệnh tai giữa; chức năng phổi bị suy giảm; bệnh đường hô hấp; và các triệu chứng như thở khò khè và khó thở. Cũng có những nghiên cứu cho thấy liên kết giữa việc tiếp xúc của trẻ với khói thuốc lá và khả năng học tập, triệu chứng tăng động giảm tập trung, hen suyễn, bệnh bạch cầu và các bệnh dị ứng như viêm mũi, viêm da và dị ứng thực phẩm.

Tại tỉnh ta, tuy chưa có nghiên cứu hoặc thống kê chính xác nhưng theo thống kê của Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, số người hút thuốc chiếm tỷ lệ lớn ở nam giới trong độ tuổi lao động; các bệnh liên quan đến thuốc lá gia tăng đáng kể. Hiện nay, công tác phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã có Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp vi phạm. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh thản nhiên hút thuốc, thậm chí hút thuốc tại nơi cấm hút, nơi đông người mà không ai xử lý. Có thể nói, người hút thuốc biết rõ tác hại đối với mình, người thân và cộng đồng nhưng vẫn cố tình vi phạm. Và người dân nói chung chưa thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ của mình trong phòng chống tác hại thuốc lá. Nguyên nhân một phần do việc xử lý vi phạm hành chính chưa triệt để; nhận thức về tác hại thuốc lá của cộng đồng chưa cao. Có những cơ quan, đơn vị treo biển “Cấm hút thuốc lá” nhưng không có chế tài xử phạt kèm theo, nên việc răn đe, xử lý không hiệu quả...

Thống kê cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà tại Việt Nam là 67% và tại nơi làm việc là 49%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ lên tới gần 70% và của trẻ em là gần 50%. Theo các bác sĩ nhi khoa, số trẻ nhập viện vì các bệnh hô hấp có cha, mẹ hút thuốc lá cao hơn rất nhiều với những đứa trẻ mà bố mẹ không hút thuốc lá. Vì thế, hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc lá, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]