(Baothanhhoa.vn) - Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn cam go. Do vậy, đây cũng là thời điểm để khởi động và vận hành chiến lược toàn dân, toàn diện nhằm huy động tổng hợp nguồn lực làm “trụ đỡ” cho cuộc chiến lâu dài và ngày càng khốc liệt.

Hướng tới miễn dịch cộng đồng bằng “công cụ” vắc-xin: Bài 1 - Truyền đi thông điệp nhân văn của tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn cam go. Do vậy, đây cũng là thời điểm để khởi động và vận hành chiến lược toàn dân, toàn diện nhằm huy động tổng hợp nguồn lực làm “trụ đỡ” cho cuộc chiến lâu dài và ngày càng khốc liệt.

Hướng tới miễn dịch cộng đồng bằng “công cụ” vắc-xin: Bài 1 - Truyền đi thông điệp nhân văn của tinh thần đoàn kết và lòng nhân áiĐồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận ủng hộ kinh phí phòng, chống COVID-19 từ doanh nghiệp. Ảnh: Phan Nga

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử được viết bằng mồ hôi và máu, bằng công sức và trí tuệ của triệu triệu con người. Họ có thể là những bậc vĩ nhân, anh hùng hào kiệt mà tên tuổi đã tạc vào sử vàng; hoặc họ cũng là những con người “vô danh”, bởi tên tuổi đã hòa vào một dải non sông gấm vóc tươi đẹp. Lý giải một cách hàm súc hơn, truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam là truyền thống của tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc; của lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết muôn người như một. Tất cả đã kết thành nguồn sức mạnh nội sinh vĩ đại, cuốn phăng mọi xiềng xích áp bức cần lao. Để rồi, khi nhìn vào lịch sử dân tộc, mỗi người dân có lương tri và trách nhiệm không chỉ tự hào, mà sẽ tìm thấy ở đó nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, để tiếp sức và thôi thúc chúng ta trên trận tuyến chống lại “kẻ thù” tưởng chừng nhỏ bé, vô hình nhưng có sức tàn phá ghê gớm không thua kém bất kỳ loại vũ khí hủy diệt nào: “giặc COVID-19”.

Gần đây, tại cuộc họp Chính phủ đột xuất với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về công tác phòng, chống dịch cấp bách (diễn ra vào sáng 19-7-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, “hiện nay, cả hệ thống chính trị, Chính phủ đang nỗ lực tập trung hằng ngày, hằng giờ vào công tác phòng, chống dịch, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân”. Điều này đã khẳng định rằng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thách thức nào thì lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích Nhân dân luôn là mục đích tối thượng và duy nhất đúng. Đồng thời, đây cũng là kim chỉ nam định hướng mọi tinh thần và lực lượng của quốc gia - dân tộc, của Nhân dân vào một mục tiêu chung cao cả là chiến đấu chống lại sự hoành hành của đại dịch toàn cầu COVID-19.

Thực tế nhãn tiền đã và đang đặt ra đòi hỏi bức thiết, rằng cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 phải là cuộc chiến toàn dân, toàn diện, bởi sự lâu dài, phức tạp và hậu quả nó gây ra là hết sức nặng nề. Trong guồng xoáy dịch bệnh, không cho phép cá nhân, tổ chức, cộng đồng nào được quyền đứng ngoài cuộc. Cũng chính vì vậy mà người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định, “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người”. Hòa chung tinh thần và ý chí ấy cùng đồng bào cả nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã và đang đoàn kết, đồng lòng, kề vai sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong công cuộc đấu tranh ngăn chặn, kiểm soát và từng bước đẩy lùi đại dịch COVID-19. Điều này không chỉ được phản ánh qua quyết tâm xây dựng các “pháo đài” chống dịch từ mỗi gia đình, mỗi làng xã, mỗi huyện/thị/thành; mà còn thể hiện ở tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “chia ngọt sẻ bùi”, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của vào công cuộc phòng chống đại dịch, mà trực tiếp là ủng hộ cho Quỹ phòng, chống COVID-19.

Nói về sự ra đời và ý nghĩa của Quỹ phòng, chống COVID-19, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: Quỹ phòng, chống COVID-19 là sự kết tinh của tình cảm, trách nhiệm, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, sẻ chia của mỗi người dân, với mong muốn góp thêm “trợ lực” cùng Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục công cuộc phòng chống đại dịch. Đặc biệt, sự tham gia ủng hộ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, thể hiện qua con số ủng hộ ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đã nói lên truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và tinh thần trách nhiệm cao cả “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Với ý nghĩa to lớn và thiết thực ấy, nên ngay sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” (ngày 27-5-2021), Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn và tổ chức lễ phát động đợt cao điểm quyên góp, ủng hộ phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, để việc ủng hộ trở thành một cuộc vận động sâu rộng trong cộng đồng, ngày 3-6-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có “Thư kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”. Thư kêu gọi nhấn mạnh: Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, để tỉnh có thêm nguồn lực, tăng cường các biện pháp phòng và chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức và cá nhân tiếp tục chung tay góp sức, ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung chủ yếu là kinh phí mua vắc-xin, máy thở và trang thiết bị y tế; hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân; động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh... Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ mong muốn người dân và doanh nghiệp thống nhất ý chí và hành động, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc chiến cam go và phức tạp này. Từ đó, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, để kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển và để mọi người được sống trong một Thanh Hóa hạnh phúc và bình an!

Sau gần 2 tháng triển khai, tính đến ngày 29-7-2021, thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh, các đơn vị, cá nhân đã ủng hộ, với tổng số tiền và hàng hóa quy đổi là 66,145 tỷ đồng. Đây được xem là mức vận động cấp tỉnh đạt được lớn nhất từ trước đến nay và đứng thứ 5 cả nước. Cũng xuất phát từ tính nhân văn, lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết của mọi tầng lớp Nhân dân được gửi gắm qua Quỹ phòng, chống COVID-19, cho nên việc quản lý và sử dụng quỹ sao cho hiệu quả, chặt chẽ, minh bạch và phục vụ tốt nhất công tác phòng, chống dịch bệnh là điều rất cần được quan tâm. Được biết, từ các nguồn ủng hộ, đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kịp thời phân bổ 2.500.000 khẩu trang cho các tổ giám sát COVID-19 cộng đồng, các lực lượng truy vết, công nhân đang làm việc tập trung tại một số nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chuyển 100 giường tầng đến trung tâm cách ly số 2 do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Đặc biệt, với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng và hiệu quả, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chuyển 7,5 tỷ đồng cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh để hỗ trợ trang thiết bị, vật tư cho tuyến đầu chống dịch...

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, thì vắc-xin được xem là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất, giúp loài người đương đầu với dịch bệnh. Theo đuổi “chiến lược vắc-xin”, “ngoại giao vắc-xin” đã được Đảng và Nhà nước ta tính toán đến từ sớm và đạt được những thành quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, để có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng rộng khắp, sẽ cần một nguồn lực rất lớn. Chính vì lẽ đó, sự ra đời của Quỹ phòng, chống COVID-19, Quỹ vắc-xin cũng mang một “sứ mệnh” đặc biệt. Đó là huy động tổng hợp nguồn lực xã hội, để chia sẻ gánh nặng với ngân sách trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và nhập khẩu vắc-xin. Đồng thời, với tinh thần sẻ chia và bao dung của dân tộc Việt Nam, việc đóng góp vào Quỹ phòng, chống COVID-19, Quỹ vắc-xin cũng là cách mỗi người dang rộng vòng tay yêu thương và kết nối, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với đại dịch, cũng như không ai bị đứng ngoài xu thế tiếp cận vắc-xin. Từ đó, truyền đi thông điệp nhân văn của lòng nhân ái, của tinh thần đoàn kết. Và rồi, lối sống đẹp khởi phát từ lòng trắc ẩn trong mỗi người, cũng ví như suối nguồn mát lành đang âm thầm tưới tắm và bồi đắp cho những mầm sống mới, rồi sẽ “hồi sinh” từ những khắc nghiệt của dịch bệnh.

Khôi Nguyên

Bài 2: Để không ai bị bỏ lại phía sau.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]