(Baothanhhoa.vn) - Ngày 25-12, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2020. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2020

Ngày 25-12, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2020.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2020

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH. Tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Năm 2019 dù còn khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương, giám sát của Quốc hội và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, ngành LĐ-TBXH đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, ưu tiên đã đề ra trong chương trình công tác năm 2019. Bộ đã nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học việc thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 để tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV với nhiều điểm mới và thay đổi. Hoàn thành 100% các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm chất lượng, tiến độ. Các chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo đều hoàn thành kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được giao. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục nghề nghiệp với nhiều giải pháp đột phá, tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước ước tuyển sinh khoảng hơn 2,3 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 105,8% so với năm 2018, ước tốt nghiệp khoảng 2,2 triệu người. Hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 810 nghìn lao động nông thôn học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, đạt 101,25% kế hoạch. Ước thực hiện cả năm tạo việc làm khoảng trên 1,6 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018, trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 1.508 nghìn người, đạt 101,9% kế hoạch; đưa trên 147 nghìn người, cao nhất từ trước đến nay, về đích trước 1 năm của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; phát triển nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nguyện, vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW trước 2 năm. Tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng. Tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng về công nhận, xác nhận người có công. Có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng. Đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên.

Công tác giảm nghèo đi vào thực chất hơn với các hoạt động thiết thực, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018), thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo... góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Sức ép về việc làm còn lớn, nhất là việc làm theo hướng bền vững và việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn; công tác dự báo, kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, trốn ở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội vẫn tiếp diễn. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở năm cuối giai đoạn gặp nhiều khó khăn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, năm 2020 ngành LĐ-TBXH tập trung nâng cao nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, nhất là lao động chất lượng cao; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, từng bước cải thiện nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành lao động - thương binh và xã hội trong năm 2019; đồng thời đề nghị trên cơ sở Nghị quyết 85 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ LĐ-TBXH khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ LĐ-TBXH cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội; kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn; tiếp tục quan tâm công tác bình đẳng giới; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Kết thúc hội nghị trực tuyến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đề nghị Sở LĐ-TBXH chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2020. Trước mắt còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ngành lao động - thương binh và xã hội cần triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách chăm lo Tết cho gia đình chính sách, đối tượng xã hội và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đem đến một cái tết vui tươi, lành mạnh cho mọi người, mọi nhà.

Mai Phương


Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]