(Baothanhhoa.vn) - Với sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, khát khao lập nghiệp, chàng thanh niên người dân tộc Mường Phạm Tuấn Anh, sinh năm 1990, ở làng Đô Sơn, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) đã biết nắm bắt thời cơ vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gương thanh niên vượt khó ở làng Đô Sơn

Gương thanh niên vượt khó ở làng Đô Sơn

Từ hộ nghèo, Phạm Tuấn Anh đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, trở thành hộ khá ở địa phương.

Với sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, khát khao lập nghiệp, chàng thanh niên người dân tộc Mường Phạm Tuấn Anh, sinh năm 1990, ở làng Đô Sơn, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) đã biết nắm bắt thời cơ vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sinh ra, lớn lên ở một xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Trước đây người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, trồng ngô, trồng sắn. Không những thế, làng Đô Sơn còn bị chia cắt với xã và các vùng lân cận, người dân muốn ra khỏi làng mua nhu yếu phẩm phải đi bộ 7km mới đến được trung tâm xã... nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám quanh năm. Cả làng có 92 hộ thì cả 92 đều là hộ nghèo. Gia đình chàng trai trẻ Phạm Tuấn Anh cũng không ngoại lệ. Không chịu khuất phục hoàn cảnh, Tuấn Anh luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để thoát cảnh sống cơ cực, nghèo khó, làm thế nào để vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Trăn trở mãi rồi cơ hội thoát nghèo cũng đến. Được sự quan tâm của Nhà nước, năm 2016 anh bàn bạc với gia đình, quyết định vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng với số tiền tích cóp để mua 2 con bò và 12 con dê sinh sản, vừa chăn nuôi vừa kết hợp trồng các loại cây lâm nghiệp như keo, lát, xoan trên diện tích 5 ha. Tuấn Anh chia sẻ: Những ngày đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn, bởi bản thân chưa có kinh nghiệm. Bê thì gầy yếu, dê thì bị bệnh, chết nhiều. Trong khi gia đình nằm ở vùng sâu, vùng xa, việc phối giống, chữa bệnh cho đàn vật nuôi chưa được kịp thời nên không tránh khỏi rủi ro.

Khó khăn buổi đầu là vậy, nhưng Tuấn Anh vẫn quyết tâm vượt khó, cố gắng tìm tòi, học hỏi qua thực tế, sách báo, tivi, bạn bè, từ đó ứng dụng vào chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt, năm 2017, được sự quan tâm của Nhà nước, làng Đô Sơn đã có điện lưới thắp sáng. Năm 2019, đường vào làng được đầu tư xây dựng, người dân làng Đô Sơn nói chung, gia đình Tuấn Anh nói riêng, có cơ hội giao thương hàng hóa. Lúc này, việc chăn nuôi đã mang lại hiệu quả, anh tiếp tục quay vòng vốn mua thêm bò, dê sinh sản, rồi đào ao thả cá. Để bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển tốt, cần phải có chuồng trại đạt chuẩn, nguồn thức ăn bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, tiêm phòng dịch đầy đủ, gia đình anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại quy củ, trồng thêm cỏ, chuối làm thức ăn và áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt.

Hiện gia đình anh đã nhân đàn bò sinh sản và bò thịt lên 17 con, trâu 1 con, dê 45 con, lợn đen bản địa 20 con, gà hơn 200 con và 1.400m2 diện tích ao nuôi cá. Trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Có tiền, gia đình anh xây được nhà kiên cố, mua sắm các trang thiết bị thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy... Chia sẻ thêm với chúng tôi, Tuấn Anh cho biết: Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của bản thân và các thành viên trong gia đình, còn có sự giúp đỡ tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự động viên, khích lệ của bạn bè và bà con trong làng, đã tạo động lực để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, Phạm Tuấn Anh còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở làng Đô Sơn. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, trong năm 2017, gia đình anh đã gương mẫu hiến 560m2 đất và 200 cây lâm nghiệp để làm đường giao thông. Bản thân anh cùng gia đình luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tham gia đóng góp đầy đủ, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân, xứng đáng là công dân gương mẫu. Nhiều năm liên tục gia đình anh luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa, được Nhân dân trong làng tin yêu, quý mến.

Do được sự tin tưởng, tín nhiệm của Nhân dân nên từ năm 2017 đến nay, anh được bầu làm trưởng làng Đô Sơn. Với vai trò, trách nhiệm của mình, anh tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, từ kinh nghiệm của bản thân, anh đã chia sẻ cho các hộ trong làng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ hộ nghèo về con giống và phối giống miễn phí cho các hộ có bò sinh sản. Ngoài ra, anh còn đăng ký với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho bà con... Từ những việc làm trên mà đời sống của Nhân dân trong làng ngày càng được nâng lên, xóa được đói, giảm được nghèo. Tính đến cuối năm 2020, số hộ nghèo giảm từ 92 hộ xuống còn 15 hộ, cận nghèo còn 10 hộ.

Phát huy những kết quả đạt được, Tuấn Anh dự kiến sẽ mở rộng hệ thống chuồng trại, phát triển thành trang trại chăn nuôi quy mô lớn hơn. Qua đó, tạo việc làm tại chỗ cho các lao động thuộc hộ nghèo trong làng, góp phần giúp các hộ thoát nghèo bền vững và sớm đưa Thạch Lập ra khỏi danh sách xã 135.

Mai Phương


Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]