(Baothanhhoa.vn) -  Tỉnh Thanh Hóa có 27 dân tộc cùng chung sống đoàn kết lâu đời, trong đó có 6 dân tộc thiểu số chính, bao gồm: Mường, Thái, Dao, Thổ, Mông, Khơ Mú, phân bố rải rác trên nhiều huyện miền núi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số

Giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống luôn được bà con dân tộc Mường quan tâm gìn giữ.

Tỉnh Thanh Hóa có 27 dân tộc cùng chung sống đoàn kết lâu đời, trong đó có 6 dân tộc thiểu số chính, bao gồm: Mường, Thái, Dao, Thổ, Mông, Khơ Mú, phân bố rải rác trên nhiều huyện miền núi.

Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng biệt, phong phú và đa dạng được thể hiện rõ nhất qua những nếp nhà sàn, phong tục tập quán, trang phục, ngôn ngữ giao tiếp hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian... Ngày nay, cuộc sống hiện đại làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, điều kiện sống của bà con được cải thiện và nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh, trẻ em được đến trường... Tuy nhiên, cùng với đó, một vấn đề lớn đặt ra là nhiều nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số đang đứng trước nhiều thách thức và có những biểu hiện mai một.

Nhận thấy những bất cập này, những năm gần đây, nhiều địa phương thuộc khu vực miền núi của tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Là nơi có 90% đồng bào dân tộc Mường sinh sống, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) vẫn còn vẹn nguyên nét văn hóa truyền thống từ trong từng ngôi làng. Làng Lập Thắng có 136 hộ dân với 100% dân số nơi đây là người dân tộc Mường vẫn sinh sống bởi nhiều thế hệ trong ngôi nhà sàn truyền thống được lưu giữ từ bao đời. Ở đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời vẫn được các bà, các chị gìn giữ. Hầu hết các hộ gia đình đều có khung dệt để lúc nông nhàn dệt nên những sản phẩm đa dạng, như: Váy áo, đệm ngồi, khăn, phục vụ cho gia đình và bán ra thị trường. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như các trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu múa Cây Bông, hát xường, đánh cồng chiêng, bắn nỏ, kéo co... vẫn thường được biểu diễn trong các ngày lễ, tết, các sự kiện văn hóa của làng, tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số

Trưởng làng Lập Thắng, xã Thạch lập (Như Xuân) Phạm Văn Cảnh vẫn thường hướng dẫn con cháu các trò diễn truyền thống của dân tộc mình.

Hai bên con đường đất nhỏ quanh co, những căn nhà sàn lặng lẽ nép mình bên những cây xoan già cao vút. Phía trong, những người phụ nữ đang mải miết bên khung cửi thô sơ và cũ kỹ. Cầm trên tay tấm vải sặc sỡ sắc màu vừa dệt xong, cụ bà Phạm Thị Thịnh, gần 80 tuổi nở nụ cười phúc hậu và nói với chúng tôi: Biết dệt từ khi mới lớn, đến nay, hàng ngày tôi vẫn thường dệt mỗi khi rảnh rỗi. Lớp con cháu bây giờ lớn lên đi học rồi ra ngoài làm ăn kinh tế nên không biết nhiều về cái nghề của cha ông để lại nhưng mỗi khi có dịp quây quần, tôi lại dành thời gian truyền dạy để giữ lấy cái nghề với mong muốn con cháu sẽ không quên nguồn cội nơi mình sinh ra và lớn lên.

Ông Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lập, cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp thiết thực khuyến khích người dân nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng mình. Bà con nơi đây thường xuyên duy trì nếp sống, các phong tục tập quán, bảo tồn các nếp nhà sàn của gia đình... Hiện nay, trong quá trình sử dụng, những mái che bằng lá kè đã bộc lộ những điểm hạn chế do có nhiều nguy cơ chập cháy từ các thiết bị điện nên bà con đã thay thế lợp mái bằng các chất liệu khác như tôn hay tấm xi-măng... Tuy nhiên, về cơ bản, kiến trúc đặc trưng của nhà sàn cổ vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn vận động các già làng, người cao tuổi trên địa bàn xã am hiểu về văn hóa của dân tộc mình truyền đạt lại cho thế hệ trẻ vào các buổi sinh hoạt thôn, làng hay dịp liên hoan văn nghệ, nên phần lớn từ người già đến lớp trẻ đều rất say mê, hào hứng và thông thạo bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Song song với việc đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, huyện Như Xuân đã có nhiều giải pháp để khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại xã Yên Lễ, nơi có hơn 80% đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, người dân luôn ý thức lưu giữ những giá trị mang tính đặc trưng của dân tộc mình. Hàng năm, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, lễ hội Đình Thi của đồng bào dân tộc Thổ được xem là “đặc sản” văn hóa truyền thống của huyện được cấp ủy, chính quyền xã long trọng tổ chức và định kỳ 3 năm huyện lại tổ chức đại lễ nhằm tri ân, tưởng nhớ công đức danh tướng Lê Phúc Thành, người có công lớn giúp Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Vào dịp này, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, các trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn như: Hát đốm, hát ru, múa hát trống chiêng, đi cà kheo, ném còn... được diễn ra trong sự chào đón nhiệt tình của đông đảo nhân dân địa phương và du khách.

Ông Đàm Văn Thông, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Xuân, cho biết: Xác định việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thổ nói riêng là việc làm cần thiết, hàng năm, huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn di sản tỉnh Thanh Hóa mở lớp truyền dạy các làn điệu múa, dân ca, khôi phục các trò diễn, các phong tục tập quán đã có từ lâu đời đang có dấu hiệu mai một. Bên cạnh đó, theo Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện như Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt, huyện Như Xuân đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch từ cảnh quan tự nhiên gắn liền với những nét đẹp văn hóa độc đáo từ chính không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, vừa góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch địa phương vừa lưu giữ và giới thiệu những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương đến đông đảo du khách.

Có thể khẳng định, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, đây là việc không đơn giản vì lớp trẻ ngày nay thường đi học hoặc đi làm ăn xa, không có nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hoá truyền thống, không thường xuyên sử dụng tiếng nói, chữ viết, trang phục của dân tộc mình... Mặt khác sự bùng nổ về khoa học công nghệ đã góp phần du nhập nhiều nền văn hóa từ các vùng miền, làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân để người dân có ý thức chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]