(Baothanhhoa.vn) - Thông tư 16/2014/TT-BTC, ngày 29-5-2014 của Bộ Công Thương đã quy định về thực hiện giá bán lẻ điện, trong đó Điểm c, Khoản 4, Điều 10 có quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với sinh viên, người lao động thuê nhà (không phải là một hộ gia đình) nhằm tạo điều kiện cho những đối tượng này được hưởng giá điện hợp lý. Thế nhưng, thực tế hơn 4 năm qua quy định này gần như không được thực hiện. Sinh viên, người lao động thuê nhà trọ vẫn phải trả tiền điện theo mức giá cao do các chủ nhà ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp nào để người thuê trọ được hưởng giá điện theo quy định?

Thông tư 16/2014/TT-BTC, ngày 29-5-2014 của Bộ Công Thương đã quy định về thực hiện giá bán lẻ điện, trong đó Điểm c, Khoản 4, Điều 10 có quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với sinh viên, người lao động thuê nhà (không phải là một hộ gia đình) nhằm tạo điều kiện cho những đối tượng này được hưởng giá điện hợp lý. Thế nhưng, thực tế hơn 4 năm qua quy định này gần như không được thực hiện. Sinh viên, người lao động thuê nhà trọ vẫn phải trả tiền điện theo mức giá cao do các chủ nhà trọ đưa ra. Vậy, đâu là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này?

Khu nhà trọ cho công nhân tại thôn 5, đường Dã Tượng, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa. Ảnh: T.Đ

Người thuê trọ bức xúc

Theo phản ánh của nhiều người dân, hiện nay giá điện sinh hoạt tại các khu nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê ở một số địa phương, như: Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Thịnh... (TP Thanh Hóa) đang cao hơn so với quy định, gây bức xúc cho người dân. Để tìm hiểu vấn đề này, trong vai người đi tìm nhà thuê trọ, chúng tôi đến phường Quảng Hưng để hỏi thuê nhà và tham khảo thêm về giá điện, nước. Các chủ nhà trọ mà chúng tôi hỏi đều “phát giá” 3.500 đến 4.000 đồng/kwh.

Chị Nguyễn Thị Quyên, công nhân Công ty TNHH Giầy Aresa Việt Nam, đang thuê trọ tại đây cho biết: “Lâu nay, chủ nhà trọ đều thu của các chị 4.000 đồng/kwh, tính ra trung bình mỗi tháng chị phải trả 150.000 đồng, có những tháng cao điểm tiền điện lên đến 300.000 đồng. Với mức thu nhập của công nhân như hiện nay, mức tiền điện phải trả như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.

Còn ở xã Quảng Thịnh, giá bán lẻ tại các nhà trọ đều ở mức 3.000 đồng/kwh. Khi được hỏi về giá tiền điện ở các khu nhà trọ, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Thịnh, cho biết: “Vừa qua, ngành điện và chính quyền địa phương đã hướng dẫn cụ thể về việc thu giá điện, nên nhiều tháng nay, các chủ nhà trọ trên địa bàn xã đã thống nhất thu mức giá 3.000 đồng/kwh, bao gồm cả tiền sửa chữa, thay thế thiết bị điện trong phòng trọ khi bị hư hỏng”. Mặc dù giá điện của các chủ nhà trọ ở xã Quảng Thịnh thu thấp hơn so với giá điện tại phường Quảng Hưng nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết công nhân, sinh viên cho rằng mức giá thu trên vẫn cao so với quy định, nhưng vì khu trọ ở gần công ty, trường học, thuận tiện cho việc đi lại, hơn nữa chỗ trọ nào cũng vậy nên họ đành chấp nhận.

“Tôi tìm hiểu được biết công nhân, sinh viên thuộc đối tượng được Nhà nước cho hưởng ưu đãi về giá điện sinh hoạt, nhưng khi thắc mắc, chủ nhà trọ không nghe, chúng tôi không biết khiếu nại với cơ quan, tổ chức nào nên đành chấp nhận theo giá chủ nhà trọ đưa ra” - chị Nguyễn Thị Quyên, công nhân Công ty TNHH Giầy Aresa Việt Nam cho biết thêm.

Trên thực tế kể cả khi chủ nhà trọ giảm tiền điện xuống thì họ lại tăng tiền nhà và các chi phí phát sinh khác để bù lại giá điện ban đầu. Trường hợp anh Tấn Sinh, công nhân Công ty CP Sữa Milas trao đổi với chúng tôi là một ví dụ. Sau khi biết được quy định người thuê trọ có quyền lập thành nhóm để được mua điện theo giá Nhà nước quy định, anh đã cùng với các hộ công nhân thuê trọ bàn bạc, đề xuất với các chủ nhà trọ giảm giá điện. Cụ thể, cứ nhóm 4 người thành một hộ gia đình, dùng chung 1 đồng hồ điện. Trong quá trình “đấu tranh” với chủ nhà trọ, chủ nhà trọ đã phải chịu nhượng bộ, giảm từ 3.500 - 4.000 đồng/kwh xuống còn khoảng hơn 2.000 đồng/kwh. Tuy nhiên, theo anh Sinh, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Ngay tháng sau, chủ nhà ra trọ thông báo tăng tiền nhà bình quân mỗi phòng lên 100.000 đồng/tháng; các khoản nước, vệ sinh, dịch vụ cũng tăng thêm 10 - 20%. Các hộ thuê trọ có ý kiến thì chủ nhà trọ nói là nhà trọ xây lên là để kinh doanh, muốn cho giá bao nhiêu mà chẳng được, nếu thắc mắc thì sao không tự mua nhà mà ở? Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải chấp nhận vì không muốn di chuyển nơi trọ”.

Như vậy, với giá tiền điện của các chủ nhà trọ thu ở trên thì hiện nay công nhân, sinh viên đi thuê nhà đã, đang phải đóng tiền gấp 1,5 đến 2 lần giá điện theo quy định. Nếu 1 tháng dùng 40 số điện thì số tiền chênh lệch khoảng 80.000 đồng. Con số này nếu nhân theo năm sẽ là một khoản lớn đối với công nhân, sinh viên. Nhiều hộ công nhân, sinh viên thuê phòng có máy giặt, tủ lạnh không dám dùng nhiều các thiết bị điện vào những tháng cao điểm vì tiền điện còn đắt hơn cả tiền phòng trọ.

Các chủ nhà trọ lý giải

Đem những bức xúc của người dân và các quy định về giá điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở trao đổi với một số chủ nhà trọ, chúng tôi được ông Hoàng Minh Nhật, chủ nhà trọ ở thôn 5, phường Quảng Hưng, cho biết: “Hiện, gia đình có 20 phòng cho công nhân thuê, với hơn 40 người thuê. Do kinh doanh phòng trọ nên ngành điện áp giá điện kinh doanh. Có những tháng, sau khi tính tiền điện của gia đình và 20 phòng trọ, chia ra đều đã là 2.700 đồng/kwh. Để đảm bảo an ninh khu trọ, gia đình phải mắc thêm 15 bóng đèn, thắp sáng từ 17h hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Ngoài ra, còn các khoản khác như công tơ, phí hao tải. Cộng tất cả các khoản phải chi rồi mới thu của công nhân thuê trọ với giá 3.500 đồng/kwh. Khách thuê không đồng ý có thể đi chỗ khác, chứ tôi không ép. Thêm vào đó, số người thuê trọ biến động liên tục nên việc kê khai số người để được cấp định mức giá điện theo quy định rất khó”.

Ông Nhật cho rằng, để hỗ trợ người thuê trọ, ngoài sự góp sức của phía chủ nhà thì Nhà nước cũng cần có những quy định, chính sách cụ thể ví dụ như ưu tiên cho các chủ nhà trọ được dùng điện với cách tính giá sinh hoạt hộ gia đình; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn...

Tương tự, ông Đàm Lê Toàn, thôn Tiến Thọ, xã Quảng Thịnh, cho rằng: Quy định của Nhà nước đưa ra chúng tôi đều nắm được, bởi xã, thôn cũng đã tuyên truyền nhưng vì một số chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng điện nên các hộ có nhà trọ trong thôn đã họp bàn, thống nhất chốt một mức giá 3.000 đồng/kwh. Lý do chúng tôi thu như thế là vì đồng hồ lẻ ở mỗi nhà trọ và đồng hồ tổng không khớp nhau. Hơn nữa, mức tiền điện có lũy tiến nên chúng tôi phải thu cao hơn.

Qua những gì các chủ nhà trọ trao đổi, rõ ràng họ đã biết các quy định của Nhà nước nhưng vẫn cố tình thu giá điện của sinh viên, người lao động với mức giá cao hơn so với quy định nhằm thu lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên, người lao động thuê nhà để ở. Bên cạnh đó, do chưa có ngành chức năng nào đến xử phạt nên như một “luật bất thành văn”, chủ nhà trọ tự cho mình quyền quyết định giá điện để bán cho người đi thuê trọ.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Theo Thông tư số 16/2014/TT-BCT, ngày 29-5-2014 của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà trọ để ở được coi như giá điện sinh hoạt chứ không phải điện kinh doanh, dịch vụ. Trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) thì người thuê trọ sẽ được cấp định mức. Theo đó, cứ 4 người sẽ được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ sinh hoạt, cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là một định mức. Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (sử dụng trong khoảng 101 – 200 kwh là 1.858 đồng/kwh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho toàn bộ sản lượng điện. Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hằng tháng do công ty điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Để được hưởng ưu đãi thì người làm hồ sơ cần có sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn. Đặc biệt, nếu người thuê trọ có đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì sẽ được đứng tên ký HĐMBĐ. Qua đó, người đại diện ký HĐMBĐ (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà) thì điện lực sẽ phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.

Căn cứ quy định trên thì tính ra, mỗi một kwh điện, chủ trọ chỉ được phép thu không quá 2.200 đồng. Nhưng trên thực tế, giá bán điện cho người thuê trọ đang ở mức “trên trời”. Mặc dù chủ trương trên đã có từ lâu nhưng đến nay người thuê trọ trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn chưa được hưởng công bằng về giá bán điện. Thiết nghĩ, nguyên nhân có một phần do người được thụ hưởng điện (sinh viên, người lao động) không đấu tranh đòi quyền lợi; mặt khác, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngành điện, ngành công thương trong công tác kiểm tra, giám sát nên các chủ nhà trọ vẫn cố tình trục lợi.

Mặc dù những tháng vừa qua, ngành công thương, ngành điện lực, chính quyền địa phương các xã, thị trấn – nơi có đông người thuê trọ đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai thông tin “Hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà để ở” theo quy định tại các điểm giao dịch với khách hàng, các địa điểm cho thuê nhà trọ để người dân được biết; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và đề nghị chủ nhà cho thuê cam kết thực hiện đúng giá bán điện theo quy định của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, việc tuyên truyền trên chỉ như “đá ném ao bèo”, bởi lẽ các hộ cho thuê trọ vẫn tìm cách “lách luật” như chúng tôi đã nêu trên. Bên cạnh đó, cũng có thể do chưa có hộ nào bị xử phạt vì thu tiền điện cao so với quy định nên tác dụng tuyên truyền chưa cao.

Qua trao đổi với một số lãnh đạo địa phương cũng như ngành chức năng, để Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 của Bộ Công Thương đi vào cuộc sống, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác rà soát, thống kê các hộ có nhà trọ cho thuê, hướng dẫn chủ nhà trọ, người thuê trọ cách đăng ký cấp định mức; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm những chủ nhà trọ thu tiền điện giá cao so với quy định. Và hơn lúc nào hết người thuê trọ cũng không nên “ngồi im” trông chờ động thái từ cơ quan chức năng mà chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để “vạch trần” các chiêu trò từ phía chủ nhà trọ muốn “neo” giá điện cao, để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho chính mình.

Tô Dung - Tăng Thúy

Trường hợp người thuê nhà phát hiện chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn so với quy định thì phản ánh tới đường dây nóng của Sở Công Thương Thanh Hóa theo số điện thoại: 0237.3856704 để được giải quyết.

Theo quy định tại Điều 12, Khoản 6, Nghị định 134/2013/NĐ-CP, ngày 17-10-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]