(Baothanhhoa.vn) - Trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thì việc nâng cao thu nhập cho người dân (tiêu chí 10), giảm nghèo (tiêu chí 11) là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình xây dựng NTM và cũng là tiêu chí khó thực hiện nhất, bởi sản xuất tại các địa phương còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và sự bấp bênh của thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải bài toán nâng cao thu nhập và giảm nghèo tại các xã nông thôn mới - cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thì việc nâng cao thu nhập cho người dân (tiêu chí 10), giảm nghèo (tiêu chí 11) là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình xây dựng NTM và cũng là tiêu chí khó thực hiện nhất, bởi sản xuất tại các địa phương còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và sự bấp bênh của thị trường.

Xã Đồng Tiến (Triệu Sơn) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2015. Ảnh: Trường Giang

Bài toán khó

Bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM là một tổng thể thống nhất, bổ trợ cho nhau, để thực hiện tiêu chí này phải dựa vào kết quả của tiêu chí khác và ngược lại. Bên cạnh việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, vận động nhân dân hiến đất, mở đường... thì làm gì để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân là trăn trở của không ít chính quyền địa phương. Tại xã Thành Sơn (Bá Thước) mặc dù chính quyền và người dân đã có hướng để giảm nghèo nhưng do đặc thù của địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục tập quán cũng như trình độ nhận thức và sản xuất của người dân còn hạn chế nên mục tiêu nâng cao mức thu nhập cho người dân là điều rất khó thực hiện. Ông Lê Văn Hoành, Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn cho biết: Toàn xã chỉ có trên 55 ha trồng lúa nước, diện tích trồng cây lâm nghiệp ít lại không có cơ sở chế biến hay nhà máy nào hoạt động, trình độ sản xuất canh tác của người dân còn khá lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2017 vẫn còn trên 41%, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt trên 16 triệu đồng/năm.

Cũng vì nhận thức của người dân còn thấp đối với chương trình xây dựng NTM, nên hiện mức thu nhập của người dân xã Trung Thành (Quan Hóa) cũng mới chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm. Theo ông Nguyễn Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành: Mặc dù chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn không ít người dân cho rằng đây là chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân là người hưởng lợi như các chương trình dự án đầu tư cho miền núi trước đây nên không tham gia. Hoặc còn một bộ phận người dân vẫn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo. Bên cạnh đó, tình trạng chung của các huyện miền núi dẫn đến khó đạt tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo đó chính là không có khu, cụm công nghiệp thu hút lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, nông sản hàng hóa đơn lẻ, thiếu thị trường, kỹ năng canh tác của bà con nông dân vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến năng suất cây trồng chưa cao...

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, điệp khúc “được mùa, mất giá”, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi liên tiếp xảy ra... khiến thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ chưa tạo được những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn thì việc tăng thu nhập cho người dân dựa vào nông nghiệp là rất khó. Không nan giải như các huyện miền núi nhưng tại các xã điểm xây dựng NTM của tỉnh như: Tượng Văn (Nông Cống), Quý Lộc (Yên Định), Minh Dân (Triệu Sơn)... mặc dù tiêu chí về thu nhập đã đạt so với bộ tiêu chí NTM, tuy nhiên, để giữ được “đà tăng” trong những năm tiếp theo là điều rất khó tại các địa phương này. Bởi, nếu so với bộ tiêu chí NTM mới sửa đổi của Chính phủ áp dụng cho vùng Bắc Trung bộ (năm 2012: 13 triệu đồng/người/năm; năm 2015: 18 triệu đồng/người/năm; năm 2020: 35 triệu đồng/người/năm) thì mức thu nhập bình quân đến năm 2020 không dễ với các địa phương này. Bên cạnh đó, một thực tế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh là lao động nông thôn đang ngày càng bị “già hóa” do phần lớn con em nông thôn làm ăn xa. Số lao động nông nghiệp ở nhà chủ yếu tuổi trung niên nên việc ứng dụng đổi mới công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bị hạn chế. Nhiều địa phương mở ra hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng nông dân sống được với nghề được đào tạo không nhiều. Vì vậy mới xảy ra tình trạng một số địa phương trong tỉnh hướng dẫn nông dân học nghề sửa chữa nông cơ nhưng chỉ áp dụng để sửa máy cày lúc vào mùa vụ; nghề trồng nấm thì nông dân không mặn mà vì đầu ra sản phẩm không có; nghề thêu ren, đính cườm cũng chỉ tồn tại được một thời gian rồi “chết yểu” vì không tiêu thụ được sản phẩm...

Xây dựng NTM dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp, với việc tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn... là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đây sẽ là nhiệm vụ không hề dễ nếu những vấn đề nan giải nêu trên chưa tìm được biện pháp giải quyết, hoặc không có những chính sách, định hướng chiến lược đúng đắn và lâu dài.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối xây dựng NTM, đến hết tháng 6-2018 toàn tỉnh có 72,6% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 62,6% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, trong đó có một số địa phương có nhiều xã đạt tiêu chí này như: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Nông Cống; một số địa phương có ít xã đạt tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo như: Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Mường Lát.

Xác định đây là những tiêu chí khó và quan trọng trong các tiêu chí xây dựng NTM, thời gian qua tỉnh và ngành nông nghiệp đã tập trung các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, năm 2017 UBND tỉnh đã phân bổ 38.417 triệu đồng từ vốn sự nghiệp Trung ương cho 27 huyện, thị xã, thành phố và 12 đơn vị cấp tỉnh triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn (cấp huyện 30.850 triệu đồng, các đơn vị cấp tỉnh 7.567 triệu đồng). Đến nay, các địa phương, đơn vị đã lựa chọn và triển khai thực hiện 257 mô hình, dự án phát triển sản xuất các loại đã thu hút được 7.513 cá nhân, hộ gia đình và tổ chức tham gia. Hầu hết các mô hình đã phát huy hiệu quả, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Một số mô hình, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân ra diện rộng, như: Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm trên đệm lót sinh học, trồng rau sạch trong nhà lưới tại các xã Công Bình, Vạn Hòa (Nông Cống), trồng dưa chuột trên đất 2 lúa tại xã Hà Giang (Hà Trung), trồng nghệ tại xã Cán Khê (Như Thanh), trồng gừng tại xã Xuân Quỳ (Như Xuân), trồng cam tại xã Thành Tâm (Thạch Thành), trồng bưởi Diễn, dưa lưới, dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao tại các xã Xuân Khánh, Xuân Trường, Xuân Hưng (Thọ Xuân), Yên Ninh (Yên Định)... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 24,8 triệu đồng (tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo còn 8,43% (bình quân giảm 2,54%/năm).

Nhìn chung các mô hình sản xuất được lựa chọn đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân và đúng với nội dung của chương trình xây dựng NTM. Lấy phát triển sản xuất là gốc để nâng cao giá trị sản xuất và thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, nhờ đó đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, xóa dần các thói quen sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, sản phẩm hàng hóa, tỉnh liên tục triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất như: Gieo sạ lúa bằng giàn kéo tay, cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng phân viên nén dúi sâu; chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGap... Phát hành nhiều tài liệu nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học cho nhân dân về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật sử dụng phân viên nén dúi sâu NK cho lúa, sản xuất rau, chè an toàn... Qua quá trình triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực về sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; làm thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác của người dân, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó tạo nhiều mô hình liên kết “4 nhà” trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, làm tăng hiệu quả, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Để đạt được tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM, việc trước mắt là giúp người dân thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả, năng suất, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng các ngành, nghề cho người nông dân. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua yếu tố thị trường bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Việc song hành giải quyết hai vấn đề trên sẽ là giải pháp hữu hiệu cho bài toán nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân một cách ổn định, bền vững.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]