(Baothanhhoa.vn) - Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn không chỉ để lại hậu quả nặng nề với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Đây là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức, suy đồi về nhân cách và sự lệch lạc trong nhận thức, lối sống của những kẻ thủ ác. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn tố cáo để sớm đưa thủ phạm ra xét xử nghiêm minh và cùng chung tay bảo vệ trẻ em - tương lai của đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gia tăng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em – hồi chuông báo động suy đồi đạo đức

Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn không chỉ để lại hậu quả nặng nề với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Đây là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức, suy đồi về nhân cách và sự lệch lạc trong nhận thức, lối sống của những kẻ thủ ác. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn tố cáo để sớm đưa thủ phạm ra xét xử nghiêm minh và cùng chung tay bảo vệ trẻ em - tương lai của đất nước.

Gia tăng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em – hồi chuông báo động suy đồi đạo đức

Cán bộ Hội LHPN tỉnh và xã Thạch Định (Thạch Thành) thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình cháu bé bị xâm hại.

Những con số báo động và “phần nổi của tảng băng chìm”

Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc và các hình thức gây tổn hại khác. Năm 2018, cả nước xảy ra 1.592 vụ xâm hại trẻ em với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, trong đó có 1.269 vụ xâm hại tình dục (chiếm 82% so với số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Các địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, như: Hà Nội, Đắk Lắk, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Phước... Tính chất vụ xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Nổi lên gần đây nhất khiến dư luận bức xúc là người đàn ông 61 tuổi có hành vi sàm sỡ bé gái trong cầu thang máy chung cư Galaxy 9 quận 4 (TP Hồ Chí Minh); nghi can là nam thanh niên xâm hại 2 bé gái ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội); người đàn ông 31 tuổi xâm hại bé gái 9 tuổi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội)...

Tại Thanh Hóa, theo số liệu tổng hợp của Công an tỉnh, tội phạm xâm hại trẻ em ở tỉnh ta cũng có chiều hướng tăng qua các năm, tính chất vụ việc nghiêm trọng, phức tạp hơn. Từ năm 2014 đến 2018, toàn tỉnh xảy ra 158 vụ xâm hại trẻ em với 175 đối tượng xâm hại, 166 bị hại, trong đó có 43 vụ hiếp dâm trẻ em (năm 2017 – 7 vụ, 2018 - 11 vụ và 3 tháng đầu năm 2019 - 2 vụ. Hầu hết nạn nhân đều là trẻ em, có em nhỏ nhất 3 tuổi, 4 tuổi (xã Thạch Sơn huyện Thạch Thành; phường Đông vệ, TP Thanh Hóa).

Sinh năm 2014, vừa bước sang tuổi thứ 4 thì bé gái Nguyễn Thị A. xã Thạch Định (Thạch Thành) đã là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Bà ngoại của bé kể: Do bố mẹ cháu ly hôn, mẹ phải đi làm ăn xa nên bé ở cùng ông bà từ khi 6 tháng tuổi. Sự việc xảy ra cuối năm 2018, sau khi cơm nước xong, tôi ra vườn chặt củi. Song, linh tính chuyện chẳng lành, tôi vội đi vào nhà thì nghe tiếng cháu gái khóc và chứng kiến cảnh đau lòng. Tôi như chết lặng vì không thể ngờ rằng, kẻ nỡ giở trò đồi bại với cháu gái ngay tại nhà lại chính là kẻ mà ông bà tôi đã nhận làm con nuôi hai năm nay. Sự việc đã được trình báo lên công an xã, huyện. Hiện nay, đối tượng vẫn đang bị giam giữ để điều tra, xét xử.

Đầu năm 2019, cháu Hoàng Thị M. sinh năm 2013 khi chơi một mình tại ngõ nhà ông Chu Hữu Lợi (sinh năm 1973) xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa), ông Lợi là người nghiện rượu đã thực hiện hành vi dâm ô cháu bé. Sau khi cháu M. kể cho bố mẹ nghe, gia đình đã báo công an và đưa con vào Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa khám và điều trị. Hiện đối tượng Lợi đã bị công an giam giữ.

Đau lòng hơn, đầu năm 2018, cháu Nguyễn Thị H. (9 tuổi) xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) bị chính bố đẻ xâm hại tình dục. Em bị tổn thương nặng cả về sức khỏe và tinh thần phải điều trị thời gian dài tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Ngay sau khi xảy ra sự việc, bố đẻ của em không có mặt tại địa phương và trước đó đã được hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã xác định là người khuyết tật dạng mất trí tuệ mức độ nặng đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng.

Có thể thấy, qua những vụ việc trên, những kẻ thú tính gây ra các vụ xâm hại trẻ em không chỉ là người lạ mà còn cả những người thân trong gia đình, người quen, hàng xóm của nạn nhân. Đây là một hiện tượng suy thoái về đạo đức, suy đồi về nhân cách và sự lệch lạc trong nhận thức, lối sống. Bên cạnh đó, đa phần các nạn nhân đều quá nhỏ và không đủ nhận thức để đề phòng, trong khi đó, một số phụ huynh cứ nghĩ rằng con mình còn nhỏ nên không có sự phòng bị nào cho con em. Chính vì thế mà vô tình để các đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội. Những hành vi, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện. Nhưng sau đó, nhiều gia đình người bị hại đã không hợp tác với cơ quan chức năng với lý do hai bên gia đình (đối tượng xâm hại và người bị hại) tự thỏa thuận để “giữ” tương lai về sau cho con em mình. Do đó những con số được nêu trên có tăng nhưng có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Chậm tố cáo là mất chứng cứ

Trước đây, tình trạng xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng thường xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, nhưng hiện nay ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố, thị trấn. Nạn nhân chủ yếu là các bé gái dưới 16 tuổi (nhóm đối tượng yếu thế). Theo tìm hiểu của chúng tôi và qua trao đổi với người bị hại, thân nhân người bị hại và đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, hậu quả của xâm hại tình dục ảnh hưởng rất nghiêm trọng cả về sức khỏe và tâm lý cho trẻ em và gia đình, gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong xã hội. Trẻ bị xâm hại có nguy cơ cao bị trầm cảm và dễ mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, có thể mất khả năng sinh sản. Điều nguy hiểm là nhiều trường hợp thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, không muốn giao tiếp với mọi người. Nếu không may mang thai, các em còn phải nghỉ học giữa chừng với gánh nặng trở thành bà mẹ ngoài ý muốn, thậm chí có trường hợp có em tự tử vì cảm thấy xấu hổ. Các bậc phụ huynh cũng là những người phải gánh chịu hậu quả này nặng nề không kém. Đó là lý do, nhiều gia đình muốn che giấu, không khai báo.

Chị Bùi thị M. xã Thạch Sơn (Thạch Thành) cũng như nhiều thân nhân người bị hại không ngần ngại nói với chúng tôi: “Con gái tôi bị xâm hại khi nó mới 3 tuổi. Cho đến bây giờ, khi sự việc đã xảy ra được 2 năm nhưng nhiều lúc nhìn con, tôi thấy xót xa và không muốn nhắc lại chuyện này nữa. Qua câu chuyện của chị M. Chúng tôi đã trao đổi với đại diện một số cơ quan chức năng (Công an, Tòa án Nhân dân, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) và đều được cho biết: Các vụ xâm hại trẻ em không khó khăn trong quá trình xét xử nhưng khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Bởi vì, phần lớn đây là những vụ việc truy xét, không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện thường đã xa, gia đình cũng như nạn nhân ngại khai báo, thậm chí có tính chất che giấu, không hợp tác với cơ quan điều tra. Nếu nạn nhân tố cáo ngay sẽ rất dễ cho việc điều tra, khởi tố bởi lúc đó chỉ cần giám định, kết hợp với lời khai. Tức là ngay sau khi bị xâm hại, người bị hại nên nói người thân biết để sớm gặp bác sĩ tâm lý, thăm khám nhanh chóng để vượt qua khủng hoảng, kẻ gây tội cũng nhanh chóng bị xử lý. Tuy nhiên, những vụ như vậy rất hiếm. Phần vì tâm lý gia đình muốn giữ kín chuyện để không ảnh hưởng đến tương lai con em và chọn giải pháp thỏa thuận giữa hai gia đình. Nhưng nếu sau một thời gian, thỏa thuận không thành, gia đình bị hại muốn khởi kiện thì cũng đã mất hết chứng cứ khiến vụ việc điều tra vô cùng khó khăn, kéo dài. Vì thế mà vô tình tạo cho đối tượng “nhờn” luật và ngày càng gia tăng số vụ, mức độ nguy hại hơn.

Tội không thể dung thứ

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh, năm 2017, tòa án nhân dân cấp huyện và tỉnh xét xử 25 vụ xâm hại trẻ em với 31 bị cáo; năm 2018 đã xét xử 22 vụ với 26 bị cáo; 3 tháng đầu năm 2019 xét xử 11 vụ, 11 đối tượng gồm các tội danh: Hiếp dâm, giao cấu và dâm ô với trẻ em. Hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc trợ giúp pháp lý cho người dân ở các vùng kinh tế khó khăn và đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nhiều gia đình bị hại đòi lại công bằng, như vụ xâm hại bé gái 13 tuổi bị bệnh đao ở thị trấn Vạn Hà, nữ sinh 14 tuổi xã Thiệu Vân (Thiệu Hóa)... Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này và đòi công bằng cho người bị hại, nhưng số vụ việc được đưa ra tòa xử vẫn còn ít. Lý giải nguyên nhân tại sao tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu do gia đình, nhà trường chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em, chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống. Tại một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, con cái trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại. Cũng vì nhận thức vấn đề bảo vệ trẻ em còn hạn chế nên một bộ phận người dân có phần xem nhẹ luật pháp nói chung, Luật Bảo vệ trẻ em nói riêng. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khách quan khác như: Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xâm hại trẻ em; việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo tội xâm hại trẻ em chưa kịp thời; công tác thống kê kết quả xử lý tin tố giác tội phạm còn bất cập; kỹ năng xử lý thông tin xâm hại trẻ em còn hạn chế; việc tố cáo, trình báo tội phạm còn chậm, dẫn tới việc tiếp cận hiện trường, thu thập bằng chứng hết sức khó khăn. Nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng kết quả điều tra, xử lý tội phạm. Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng thiếu thống nhất, khiến một số vụ việc kéo dài.

Pháp luật phải nghiêm khắc hơn

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, người thực hiện các hành vi được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tăng nặng thuộc các trường hợp tại Khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tăng nặng thuộc các trường hợp tại Khoản 2 Điều này thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Và đây là tội phạm duy nhất trong các tội liên quan đến tình dục quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh lên đến tử hình. Luật quy định như vậy, nhưng việc thực thi luật cũng còn nhiều việc phải bàn vì phụ thuộc nhiều đến ý thức đấu tranh, lên án mạnh mẽ của gia đình bị hại, tinh thần trách nhiệm của cán bộ cơ quan công quyền và một số yếu tố khách quan khác.

Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và môi trường sống tốt, lành mạnh cho trẻ là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Để làm được, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đặc biệt là ở cơ sở phải nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Cùng với đó là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm. Các cơ quan chức năng cần xử đúng người, đúng tội, không để oan, không để sai, không để lọt và quan trọng nhất phải đặt yêu cầu bảo vệ quyền lợi của trẻ em lên trên.

(Tên nhân vật bị hại trong bài đã được đổi).

Bài và ảnh: Lê Hà, Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]