(Baothanhhoa.vn) - Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, sẽ sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng sự mong mỏi của Nhân dân nếu thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.

Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống bằng quyết tâm và trách nhiệm cao nhất: Bài cuối - Hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, sẽ sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng sự mong mỏi của Nhân dân nếu thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.

Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống bằng quyết tâm và trách nhiệm cao nhất: Bài cuối - Hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượngCông nhân Công ty TNHH Jasan Việt Nam, xã Định Liên (Yên Định) trong ca sản xuất. Ảnh: PV

Tin liên quan:

Để sớm triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tính đến ngày 28-7-2021, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23; nhiều huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đưa chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất.

Huyện Nga Sơn là một trong những địa phương sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68. Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Nga Sơn, cho biết: Ngay sau khi UBND tỉnh và Sở LĐTB&XH ban hành kế hoạch hướng dẫn, ngày 22-7, UBND huyện Nga Sơn đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, dựa trên nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; không để sót, trùng lặp đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Ngày 25-7, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23 và Kế hoạch 126 của UBND huyện cho trưởng các ngành có liên quan, chủ tịch và công chức văn hóa - xã hội của 24 xã, thị trấn. Theo đó, yêu cầu các phòng, ban, các cơ quan liên quan phối hợp với các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, thống kê, lập danh sách đối tượng được thụ hưởng, bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, đúng đối tượng, tuyệt đối không để sai sót, trục lợi. Đồng thời quan tâm làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ là giải pháp cấp thiết trong hiện tại, mà còn giúp NLĐ và doanh nghiệp (DN) tự đứng vững và vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của toàn ngành, BHXH tỉnh đã ban hành Công văn số 940/BHXH-QLT ngày 20-7-2021 về việc hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là NLĐ và đơn vị SDLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH. Đối với chính sách giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), người SDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN cho NLĐ phòng, chống COVID-19. Do có dữ liệu quản lý thu BHXH, BHYT, nên hiện BHXH tỉnh đã thực hiện xong việc gửi thông báo đến các đơn vị thuộc diện được điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, để các đơn vị chủ động phương án hỗ trợ cho NLĐ phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với BHXH, để hỗ trợ người SDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23. Cụ thể, tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu về vốn cho hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển kinh tế và các đối tượng chính sách khác, giúp cho NLĐ, người SDLĐ có vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo, tổ chỉ đạo bố trí cán bộ tiếp cận DN, phối hợp với các ngành như BHXH, LĐTB&XH, cục thuế để nắm bắt thông tin về DN có NLĐ bị ngừng việc, DN bị dừng hoạt động, DN hoạt động trong 5 lĩnh vực, giao thông - vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất để triển khai rà soát, nắm bắt thông tin hướng dẫn hỗ trợ NLĐ hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (năm 2020) và tiếp thu kinh nghiệm, biện pháp hỗ trợ của các nước trên thế giới, gói hỗ trợ lần này (Nghị quyết 68) đã tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong việc xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực. Cụ thể, một “điểm nghẽn” của gói hỗ trợ lần trước là tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác, nay đã được tháo gỡ. Chính phủ cũng đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu, phân quyền về cho địa phương tự xây dựng các mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo đó, lao động tự do không còn nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng kéo dài tối đa không quá 3 tháng như trước đây. Thay vào đó, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách địa phương để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể song không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng mỗi ngày... Hiện Sở LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo quyết định của UBND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gửi các sở, ban, ngành. Trên cơ sở nội dung góp ý của các sở, ngành, Sở LĐTB&XH đã bổ sung, chỉnh sửa dự thảo quyết định và tổ chức họp lấy ý kiến của các thành viên ban chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ để hoàn chỉnh dự thảo quyết định, trình UBND tỉnh.

Nghị quyết 68 cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng. Chẳng hạn, tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ tư (27-4) đến cuối năm 2021, các ca bệnh F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày song không quá 45 ngày (tương đương 3,6 triệu đồng), các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 21 ngày (1,68 triệu đồng). Trẻ em bị COVID-19 hoặc cách ly y tế được Nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn, chưa kể mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu trong thời gian điều trị, cách ly. Giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị Nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Đặc biệt, thay vì phải xác nhận cả nơi thường trú tới nơi tạm trú như gói hỗ trợ trước, lần này các địa phương lập danh sách và hỗ trợ cho tất cả lao động tự do đang có mặt trên địa bàn, kết nối dữ liệu để các huyện, thị xã, thành phố khác không cấp trùng. Nếu NLĐ di chuyển sang tỉnh khác, nơi họ tới vẫn áp dụng giãn cách, phong tỏa sẽ tiếp tục cấp hỗ trợ, nếu địa phương không áp dụng giãn cách sẽ không hỗ trợ nữa, vì họ vẫn được đi làm.

Có thể nói, Nghị quyết 68 là thông điệp của một quyết sách hợp lòng dân. Nhưng để nghị quyết đi vào cuộc sống, cần đến sự khẩn trương, kịp thời, minh bạch, sự tận tâm của những người thực thi. Chỉ khi tất cả NLĐ thuộc đối tượng nêu trong Nghị quyết 68 được hưởng đầy đủ những quyền lợi của mình và chỉ khi nào Nghị quyết 68 tạo ra được sự lan tỏa thực sự, đó mới chính là thước đo của thành công. Hy vọng rằng, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương, Nghị quyết 68 sẽ sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm kịp thời, đúng và trúng đối tượng.

Nhóm Phóng viên Văn hóa-Xã hội



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]