(Baothanhhoa.vn) - Trong hải trình đến với Trường Sa, Song Tử Tây thường là đảo đầu tiên đón các đoàn đại biểu. Khi chúng tôi đang xem diễu duyệt đội ngũ, ai đó nói bên tai: “Các đồng chí đang tiến về phía trước kia là lính ra đa đấy!”. Ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là hình ảnh những người lính chỉnh tề trong màu áo xanh không quân dìu dịu. Đó như màu của một bầu trời quang đãng, trong trẻo và nhẹ nhõm. Tôi tìm gặp họ, những người lính đang ngồi tiếp khách thăm đảo dưới tán phong ba.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đón xuân giữa trùng khơi

Trong hải trình đến với Trường Sa, Song Tử Tây thường là đảo đầu tiên đón các đoàn đại biểu. Khi chúng tôi đang xem diễu duyệt đội ngũ, ai đó nói bên tai: “Các đồng chí đang tiến về phía trước kia là lính ra đa đấy!”. Ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là hình ảnh những người lính chỉnh tề trong màu áo xanh không quân dìu dịu. Đó như màu của một bầu trời quang đãng, trong trẻo và nhẹ nhõm. Tôi tìm gặp họ, những người lính đang ngồi tiếp khách thăm đảo dưới tán phong ba.

Đón xuân giữa trùng khơi

Mai vàng tặng mẹ tết này.

Như thói quen, tôi đưa máy ảnh lên chớp vài kiểu trước tiên đã, lính ra đa vui tính và tinh tế, đồng loạt nhìn máy ảnh cười thật tươi. Xong xuôi, các anh ngỏ lời xin xem ảnh, vừa xem vừa cười. “Ảnh đẹp đấy, nhưng cứ thiếu thiếu, nhà báo chụp cùng bộ đội vài tấm kỷ niệm đi”, “Ôi kìa, hai đồng chí kia ngồi gần vào chút, đòi chụp ảnh chung sao lại xa xôi thế này...”. Cuộc vui đượm hơn, một vài người lính hát cho chúng tôi nghe: Ở nơi này bốn phía là trời mây/ Ăng-ten đứng đưa mắt nhìn lặng lẽ/ Cao hơn núi chúng tôi người lính trẻ/ Chiến sĩ ra đa nơi biển, chốt biên thùy... Trong số đó, có người lính trẻ lắm, gương mặt luôn toát lên vẻ hồn nhiên. Cậu tự giới thiệu: “Tết này là cái tết đầu tiên ở đảo của em đấy! Lúc đó, chị nhớ mở điện thoại ra, gửi cho em chút gió lạnh miền Bắc nhé!”. Giây phút ấy, tôi xúc động đến gai người lên khi nghe chàng lính nói. Lâu nay, người ta chỉ thường nhủ nhau gửi nụ cười, hơi ấm, còn cậu thì cần chút se sắt gió mùa. Cơn gió trong tưởng tượng ấy đã lướt qua tôi, từng vệt tỏa lan, biển ngoài kia ầm ì sóng vỗ.

Chúng tôi tặng quất xuân ra quần đảo Trường Sa, khi cây vừa từ xuồng lên đảo An Bang đã thấy ngay một người đứng đợi sẵn và đón, bê cây một mạch từ bãi cát lên bờ kè. Anh nhanh chóng bước qua chiếc thang bằng sắt mà nếu đi người không đã chông chênh chứ mang vác vật gì nặng, trông thật nguy hiểm. Bộ đội luyện tập, đi lắm thành quen hay cảm giác đón vật phẩm mùa xuân ra đảo khiến họ quên những bấp bênh rình rập?. Anh bùi ngùi tâm sự, người ở đảo xa, thấy một cái cây từ quê nhà vượt muôn trùng sóng dữ vào đảo như thấy quê hương đang hiện hữu, gần kề. Cây quất anh ôm vào lòng suốt ngày tháng qua đã vượt hành trình đầy cam go, bão tố. Biết bao nâng niu, gìn giữ từ khâu đánh gốc, vận chuyển lên ô tô, tàu hỏa, chăm tưới trên tàu, cho cây “uống” thuốc B1, lá bọc phải nửa kín nửa hở, nilon phải chọn màu trắng để cây vẫn quang hợp được. Vào tới cảng Cam Ranh, cây còn sống, hú vía lắm rồi, nhưng vẫn còn cả chặng đường dài thấp thỏm bốc dỡ từ cầu cảng xuống, đưa lên ô tô trung chuyển rồi lên tàu, đối diện với gió biển, nước mặn, lá úa tơi bời, đồng loạt trút sạch. Cây mang lên đảo, bộ đội rưng rưng. Họ ôm cây trong lòng mình, như ôm một đứa con thơ, như ôm trọn tin vui mùa xuân nơi đất mẹ.

Đón xuân giữa trùng khơi

Trụ trì chùa Trường Sa mừng tuổi những công dân nhỏ trên đảo. Ảnh: Trần Thành

Có một bức ảnh luôn thu hút mọi người vào những dịp triển lãm, bức ảnh tôi chụp đầu năm mới 2019, sư trụ trì chùa Trường Sa rạng rỡ, ân cần mừng tuổi em nhỏ đang được ẵm bồng trong vòng tay mẹ. Giản dị thế, song, dường như có những cảm xúc, năng lượng mặc nhiên và đặc biệt lắm nên cứ hút mắt, níu lòng người xem. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ tới không khí xuân trên đảo, vào ngày đầu năm mới, mọi người đều lên chùa lễ Phật, sum vầy, chúc nhau mọi sự an lành, hoan hỉ. Tôi có cơ hội chứng kiến khung cảnh thật bình yên khi thầy trụ trì Thích Tâm Tánh chuẩn bị mọi nghi lễ cho đến quà mừng tuổi cho mọi người giống như trên đất liền.

Ngày tết, có đồ tươi, cả đảo mới bừng lên không khí ngày hội. Các chiến sĩ xúm vào mỗi người một việc. Đặc biệt, bộ đội thích thịt mỡ lắm. Họ định nghĩa, con lợn ngon phải nhiều mỡ và mỡ thơm. Mùi của mỡ chính là vị tươi kích thích vị giác, khướu giác. Con lợn nào nạc quá chẳng thích đâu, nhìn thớ thịt nghĩ ngay tới miếng thịt nạc trong cóng đồ hộp. Quý nữa là cỗ lòng luôn được chế biến cẩn thận, sạch sẽ, cầu kỳ. Đảo to đảo nhỏ gì bữa ăn cũng chia đều cả. Ngon nhất chính là bữa cỗ tết đầu tiên. Mâm bát bày ra thịnh soạn, đủ đĩa thịt nướng, thịt luộc, lòng, sinh động ra trò. Riêng mâm ngũ quả thì thật kỳ công. Ở đảo có dừa như Nam Yết, cả năm chỉ mỗi tết đảo mới quyết định “hạ” vài buồng để bày ngũ quả. Đơn vị nào cũng muốn chọn những quả đẹp nhất đặt trang trọng lên bàn thờ Tổ quốc nên nếu chiến sĩ của đơn vị ấy đang làm nhiệm vụ hái dừa thể nào cũng chọn được quả đẹp lại thêm mấy quả thường thường thưởng công. Gọi là ngũ quả, thực ra chỉ có dừa, hiếm hoi lắm thêm quả bưởi vỏ đã ngả màu vàng bày cùng mấy thứ quả bằng xốp được bộ đội cắt tỉa, đẽo gọt, sơn màu như thật. Tôi chợt nhận ra, niềm vui của tất cả mọi người không phải ở chuyện ăn tết to hay nhỏ, mà chính là không khí chuẩn bị, tâm thế mở lòng ra đón mùa xuân mới từ việc dậy sớm, cùng làm, cùng vui.

Bộ đội giờ có điện thoại kết nối mạng nhưng thời điểm tết, nhiều tổ chức vẫn phát động phong trào cánh thư gửi đảo xa để lứa bộ đội đầu tiên ra thay quân đã nhận được ngay thư rồi. Xưa thư từ hiếm, nhiều người đọc chung một lá thư, bây giờ có khi một người nhận đến cả chục lá thư. Ấy vậy mà họ vẫn đọc chung. Chính trị viên của đảo là người tiếp nhận và chia thư về từng phân đội, khuyến khích anh em biên thư đáp lại tình cảm đất liền: “Em đã thấy một trời hoa nắng/ Ngay khi vừa nhắm mắt nghĩ về anh/ Ngày xa cách ánh nhìn như biển rộng/ Nhớ biên thư cho nỗi nhớ âm thầm”. Tôi may mắn được dự một cuộc đọc thư như thế. Bộ đội thích thú, bất ngờ lắm. Những em nhỏ mới học cấp một lời lẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu, lắm khi cả chục em đều viết giống nhau. Các em học sinh cấp hai đã biết làm bưu thiếp. Từng cánh mở ra, thấy trong đó bông hoa bàng vuông dần nở. Không biết bằng cách nào, học sinh cấp hai ở những tỉnh không có biển như Thái Nguyên lại làm được điều đó. Có lẽ, các em may mắn được học tập dưới một mái trường có đủ cảm hứng, không gian cho sự lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương. Riêng thư của học sinh cấp ba thì sự chia sẻ thực sự gần gũi, các em chỉ kém bộ đội vài ba tuổi. Hầu hết thư đều bày tỏ niềm mong mỏi nhận thư từ về Trường Sa, các nữ sinh ghi rất rõ niềm riêng ấy. Điều gì từ Trường Sa tới đất liền cũng là vô giá về tinh thần. Lính ta tươi trẻ, tinh nghịch, đọc rồi cười phá lên với nhau. Đó là cái tết đầu tiên họ xa nhà, xa lắm, đọc được thư xúc động vô cùng. Lính đảo đến từ khắp mọi miền đất nước, lính Nam nhận thư từ Bắc, lính Trung nhận thư cộp dấu Thủ đô. Mấy anh lính dân tộc Chăm, dân tộc Ê-đê càng lạ lẫm, mở mang hơn qua những cánh thư vượt nghìn trùng sóng biển. Lắm anh bộ đội chưa biết vùng đất đấy thế nào ấy thế nhưng về cảm xúc và tưởng tượng thì giữa biển Đông như đang được chu du khắp mọi miền Tổ quốc. Thư nhóm lên cảm xúc, là hoài bão của tuổi trẻ, cho những nụ cười gặp gỡ được nhau. Tôi cũng biết rằng, nhờ đó mà nhiều người lính trẻ đã thực hiện lời hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ, cả những lời hẹn hò trong thư, được ra Bắc một lần, được vào Nam một chuyến.

Những người lính trên tàu cấp hàng 521 kể cho tôi nghe về chuyến tàu “thanh niên” thuở ấy. Cái tên khởi đầu bởi một lẽ rất tình cờ, hầu hết nhân sự tàu đều chưa lập gia đình. Tuổi trẻ và mùa xuân của những chàng trai cứ hăng hái “chở tình yêu ra đảo”. Nhớ nhất mỗi chuyến khởi hành đúng ngày ba mươi tết, tàu vừa chạy vừa nấu bánh chưng giữa bốn bề trời biển mênh mông. Da diết, bâng khuâng, và tự hào đấy. Tết trên tàu đầy đủ bánh chưng, thịt lợn, phòng đón xuân... bộ đội hát hò, hái hoa dân chủ và xác định vài ngày nữa, nếu sóng to không thể vào đảo được, anh em sẽ cùng nhau hát qua bộ đàm giao lưu với đảo. Khi đất trời vào xuân, đất liền sum vầy ấm cúng, những người lính đón giao thừa nơi đầu sóng, tàu và đảo leo lét hai đốm sáng trong đêm lộng gió, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân. Trên mũi tàu vẫn có những ánh mắt rưng rưng của những chàng chiến sĩ trẻ lần đầu ra khơi đúng ngày xuân, tiếng họ nghèn nghẹn trong tiếng chập chờn của sóng điện thoại: “Mẹ yên tâm nhé, chúng con khỏe và đón tết vui lắm mẹ ơi!”.

Lữ Mai


Lữ Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]