(Baothanhhoa.vn) - Điều đặc biệt ở vùng đất này là mỗi địa danh, di tích lịch sử đều gắn liền với những truyền thuyết, lễ hội lịch sử về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với Lam Kinh tạo nên một không gian văn hóa - lịch sử rộng lớn, phong phú, đặc sắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Lang Chánh: Kỳ 2: Vùng đất của lịch sử

Điều đặc biệt ở vùng đất này là mỗi địa danh, di tích lịch sử đều gắn liền với những truyền thuyết, lễ hội lịch sử về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với Lam Kinh tạo nên một không gian văn hóa - lịch sử rộng lớn, phong phú, đặc sắc.

Di tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Lang Chánh: Kỳ 2: Vùng đất của lịch sử

Chùa Mèo – nơi gắn với điển tích về Lê Lợi.

Từ nguồn gốc tên gọi của các làng, bản

Trong những ngày tháng gian khổ nằm gai nếm mật, chiến đấu ở vùng rừng núi Lang Chánh, Lê Lợi không chỉ nhận được sự đùm bọc, che chở của đồng bào các dân tộc nơi đây, mà còn được đồng bào yêu mến, sáng tạo, lưu truyền nhiều truyền thuyết đẹp. Ở Lang Chánh, nhiều bản làng có tên gọi gắn với những sự kiện, huyền thoại về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Theo cuốn dư địa chí huyện Lang Chánh, tên làng Húng được bắt nguồn khi Lê Lợi bị giặc bao vây ráo riết, đang tìm đường để thoát thì từ trong rừng thẳm âm u bỗng nhiên thấy một điểm sáng ở phía Tây Nam. Lê Lợi cùng nghĩa quân cắt rừng, nhằm hướng có điểm sáng để đi. Đến nơi, trời cứ sáng rõ dần và quả là có đường đi để thoát. Lê Lợi đặt tên cho nơi ấy là Húng, trong tiếng Thái nghĩa là sáng.

Một lần khác, bị giặc truy đuổi ráo riết, chỉ còn Lê Lợi và một người lính thân cận. Cả hai cải trang thành người nông dân vào làng xin ngủ trọ. Dân làng này vốn hiếu khách nên chủ nhà làm cơm mời hai người ăn nhưng không có gì ngoài bát canh rau hiên nấu với lươn. Lê Lợi không ăn được thịt lươn nên suốt buổi chỉ ăn cơm với muối trắng. Sau hôm ấy, khi khách đã đi rồi, gia đình nọ mới biết đó chính là Lê Lợi. Họ bèn kể cho cả làng cùng nghe, sau đó dân làng thống nhất đặt tên làng mình là làng Hiên để ghi nhớ kỷ niệm này.

Hay như suối Lá (Huối Vớ) chảy qua địa phận thôn Chiềng Nang ở xã Giao An, tương truyền là nơi Nguyễn Trãi, trong những ngày “nằm gai nếm mật” đã cho người dùng mật, bôi lên lá cây dòng chữ “Lê Lợi vi vương, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần”, sau đó, kiến rừng ăn mật, vô tình đục thủng lá cây, để lại dòng chữ trên lá rồi thả xuống khiến cho quân sĩ tin tưởng đây là mệnh trời, thêm dốc lòng đánh giặc. Cạnh suối Vớ có suối Láu (tiếng Thái là rượu), theo truyền thuyết, nơi đây thủ lĩnh Lê Lợi đã cho đổ rượu xuống suối “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thề cùng các tướng sĩ đồng cam, cộng khổ chống giặc Minh, khôi phục giang sơn... Hay như làng Chiềng Lẹn, làng Sổ, làng Tượt xã Giao Thiện. Ngày nay nhân dân thôn Chiềng Lẹn còn lưu truyền: Một lần Lê Lợi chạy trốn giặc Minh qua đây, cả làng đóng góp lương thảo cho nghĩa quân rồi cùng Lê Lợi chạy lên làng Húng. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, đất nước hòa bình, nhân dân mới quay về làng làm ăn sinh sống. Vì lẽ đó mà làng có tên là Chiềng Lẹn (tức làng chạy).

... đến những sự tích gắn chặt với các điểm du lịch nổi tiếng

Về sự tích tên thác Ma Hao. Chuyện kể rằng, trong những ngày đầu nghĩa quân Lam Sơn bị quân giặc bủa vây ráo riết, nghĩa quân phải rút lui về núi Chí Linh (hay gọi là Pù Rinh) nơi núi rừng trùng điệp, tầng tầng, lớp lớp, hiểm trở để ẩn náu và củng cố lực lượng, từ đỉnh núi này, nghĩa quân có thể quan sát xung quanh để dễ bề đối phó với quân giặc, chính nhờ đỉnh núi này mà nghĩa quân Lam Sơn đã bảo toàn lực lượng. Một lần Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó chạy từ đỉnh Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức thì gặp một thác cao chảy xiết. Quân giặc lại đuổi sát phía sau, nên Lê Lợi cùng quân lính đã mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia, con chó do đã quá kiệt sức không thể bơi qua được, đứng ngáp. Khi quân giặc đến thì con chó xông lên cắn xé đàn chó của quân giặc rồi nhảy xuống dòng nước xoáy. Quân giặc rút đi, Lê Lợi sai quân lính đi tìm xác con chó và truyền lệnh cho chôn cất tử tế. Từ đó thác có tên theo tiếng người Thái là Ma Háo (nghĩa là chó ngáp), người dân đọc chệch đi là Ma Hao.

Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, nét độc đáo, giá trị lịch sử - văn hóa của quần thể thác Ma Hao – bản Năng Cát là gắn với cuộc khởi nghĩa của Anh hùng Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh với những sự tích, truyền thuyết lịch sử. Tại bản Năng Cát, nhân dân các dân tộc nơi đây bao đời nay còn lưu giữ các truyền thuyết về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Trong lần Lê Lợi và quân lính bị giặc truy đuổi, đến tối mới tìm được nơi dựng trại, nấu cơm. Đường chật người đông, nấu được nồi cơm thật vất vả, ngay đội quân bảo vệ cho Lê Lợi cũng tất bật vội vàng. Họ mang nồi niêu ra suối để vo gạo, múc nước. Vì kéo nhau xuống suối quá đông, nước cạn làm vẩn đục dòng nước, đến nỗi khi đem nồi cơm dâng lên chủ tướng có nhiều cát lẫn với cơm. Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi gian truân, khó khăn của quân sĩ, Lê Lợi vừa nhai cơm vừa cười, liền đặt cho vùng đất này là Năng Cát, để ghi dấu những lúc gian lao của những ngày đầu khởi nghĩa.

Câu chuyện về chùa Mèo gắn với vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi: Một lần, khi hành quân qua chùa Chu, Lê Lợi và nghĩa quân đã vào chùa thắp hương lễ Phật cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Lê Lợi thấy trong chùa chỉ còn lại một con mèo, sư sãi không biết đã đi lánh ở đâu. Lê Lợi cho lính bắt lấy con mèo mang theo trên đường rút quân vào Hón Oi. Khi có tin cấp báo quân giặc ráo riết đuổi theo nghĩa quân, Lê Lợi cho lính bỏ lại con mèo ở một rãnh đồi cách chùa Chu chừng 700m, ngày nay nhân dân gọi là Hòn Bỏ Mèo. Đuổi giặc Minh xong, lên ngôi vua, Lê Lợi đã sắc chỉ đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo. Ngày nay, lễ hội chính của chùa Mèo được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng hàng năm, thu hút đông đảo khách thập phương đến tham gia.

Địa danh vườn Cam, trên núi Pù Rinh, tương truyền đó là nơi Lê Lợi ươm hạt cam thành vườn để kỷ niệm dân dâng cam cho nghĩa quân. Hay ở các xã Quang Hiến, Tam Văn, Tân Phúc, Đồng Lương thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn thuộc địa bàn Mường Chính đã diễn ra trận chiến đấu, tiêu diệt quân Minh của nghĩa quân Lê Lợi cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm Kỷ Hợi (1419) trên quả đồi Pu Chánh, Pu Giới, Pu Cút. Đây là trận “điệu hổ ly sơn” ở đông Nga Lạc quân ta thắng lớn...

Hệ thống di tích gắn với khởi nghĩa Lam Sơn ở Lang Chánh là tài sản tinh thần nhân văn to lớn của địa phương, thể hiện truyền thống lịch sử văn hóa đáng quý và tự hào của đất và người Lang Chánh. Nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm vóc, giá trị lịch sử - văn hóa quý báu của những di sản về khởi nghĩa Lam Sơn, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh luôn coi trọng, quan tâm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản đó. Đồng thời nỗ lực giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa về Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu trong Hội thảo khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”).

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]