(Baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm ra đời và đi vào hoạt động, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đã dần trở thành “trường học” tiện ích của người dân, góp phần vào sự đổi thay đáng phấn khởi trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động các TTHTCĐ vẫn tồn tại không ít khó khăn, bất cập cần phải khắc phục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để trung tâm học tập cộng đồng thực sự là “trường học” tiện ích

Để trung tâm học tập cộng đồng thực sự là “trường học” tiện ích

Nhờ học tập tại TTHTCĐ, chị Vũ Thị Minh, xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa) đã xây dựng được cơ sở sản xuất mây song xiên và gấp giấy hàng mã xuất khẩu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sau nhiều năm ra đời và đi vào hoạt động, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đã dần trở thành “trường học” tiện ích của người dân, góp phần vào sự đổi thay đáng phấn khởi trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động các TTHTCĐ vẫn tồn tại không ít khó khăn, bất cập cần phải khắc phục.

Đa dạng các loại hình học tập

TTHTCĐ ra đời với nhiều hình thức hoạt động đa dạng đã đáp ứng được nhu cầu “cần gì học nấy” của mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là ngành giáo dục, hội khuyến học trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc học tập thường xuyên, không phân biệt trình độ hay nghề nghiệp đã đưa phong trào học tập cộng đồng phát triển rộng khắp trong tỉnh, số lượng TTHTCĐ tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2001, mới chỉ có 10 TTHTCĐ thì đến nay đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn. Hoạt động của các TTHTCĐ ngày càng mở rộng về quy mô và đa dạng các nội dung giáo dục, thu hút được nhiều người dân tham gia. Bình quân mỗi năm, các TTHTCĐ mở được từ 15.000 đến gần 30.000 lớp học, thu hút cả triệu lượt người tham gia học tập ở cả 5 nhóm nội dung: Phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; dạy nghề, tạo việc làm; bổ túc văn hóa, xóa mù chữ; nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại huyện Thiệu Hóa, mỗi năm, các TTHTCĐ mở hàng trăm lớp học với gần 15.000 lượt người tham gia học tập. Tính riêng trong năm học 2019-2020, các TTHTCĐ trên địa bàn đã mở được gần 200 lớp, thu hút gần 14.000 lượt người tham gia học tập. Nội dung học tập ở các TTHTCĐ khá toàn diện, từ tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đến phổ biến chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Một số trung tâm còn tổ chức chuyên đề về nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là vấn đề văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường, kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội... Lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, TTHTCĐ xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa) đặc biệt coi trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người dân. Chị Vũ Thị Minh, thôn Dân Tiến, xã Thiệu Chính, cho biết: “Thông qua các lớp học ở TTHTCĐ, gia đình tôi đã xây dựng thành công cơ sở sản xuất mây song xiên và gấp giấy hàng mã xuất khẩu với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm và thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng cho hơn 200 lao động trong thôn, trong xã”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn huyện Yên Định, hằng năm, ngành giáo dục huyện, hội khuyến học các cấp và ban giám đốc các TTHTCĐ đều xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, đưa ra những chuyên đề phù hợp với từng địa phương, từng thời kỳ và từng đối tượng khác nhau. Đặc biệt, các TTHTCĐ thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể như, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ủy ban MTTQ, hội cựu chiến binh... đưa việc học tập cộng đồng thành một phong trào lớn, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân. Tại xã Định Tân, thông qua TTHTCĐ, người dân đã tích cực tham gia các chuyên đề, các lớp tập huấn dưới nhiều hình thức khác nhau như đọc sách báo, xem ti vi, nghe đài, tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm quý, bài học hay, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cho hiệu quả cao. Đặc biệt, những năm gần đây, khi được chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và định hướng sản xuất, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, như mô hình trồng ớt, mướp đắng, mướp canh, bầu, bí...

Vẫn còn nhiều bất cập

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các TTHTCĐ cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Theo ông Lý Đình Thịnh, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), công tác quản lý là khâu khó khăn nhất ở các TTHTCĐ hiện nay. Bởi giám đốc trung tâm đều là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn kiêm nhiệm, phần lớn đều bận công tác chính quyền, nên chưa dành nhiều thời gian cho việc quản lý trung tâm, thậm chí nhiều địa phương còn “khoán trắng” cho hội khuyến học. Việc kiện toàn bộ máy quản lý của nhiều trung tâm chậm, chưa hiệu quả. Phần lớn các trung tâm thiếu cán bộ quản lý có chuyên môn sâu và am hiểu phương pháp điều hành thiết chế giáo dục dành cho người lớn, một số chưa yên tâm công tác do chế độ phụ cấp còn thấp và kiêm nhiệm quá nhiều việc. Cùng với đó, tại một số địa phương, các điều kiện bảo đảm cho trung tâm hoạt động vẫn còn thiếu nhiều. Hầu hết các trung tâm đều sử dụng cơ sở vật chất hiện có của xã như hội trường, nhà văn hóa xã. Trang thiết bị, đặc biệt là máy tính phục vụ cho hoạt động của trung tâm còn thiếu. Ở nhiều trung tâm, ban giám đốc phải sử dụng chung phòng làm việc với các tổ chức đoàn thể trong xã. Nhiều trung tâm chưa huy động được nguồn kinh phí khác ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 20 triệu đồng/năm/trung tâm (khu vực miền xuôi) và 25 triệu đồng/năm/trung tâm (khu vực miền núi).

Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ cũng chưa đồng đều. Ở vùng cao, các trung tâm gặp khó khăn về cơ sở vật chất, vận động người dân tham gia các lớp học... còn ở vùng đồng bằng, đô thị, nhiều trung tâm còn lúng túng trong tổ chức hoạt động nên chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân. Theo đánh giá của ngành chức năng, có khoảng 20% số trung tâm có lượng người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, thậm chí có nơi còn tổ chức mang tính hình thức. Nhiều trung tâm mở lớp dạy nghề nhưng chưa giải quyết được khâu tạo việc làm, nên đã làm hạn chế quy mô đào tạo; một số lớp học, chuyên đề chưa thu hút đông đảo người dân tham gia; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể có lúc, có nơi thiếu hiệu quả nên việc nắm bắt nhu cầu học tập của người dân chưa kịp thời. Cùng với đó, việc huy động nguồn lực xã hội hóa để phục vụ các hoạt động của trung tâm còn hạn chế... dẫn đến hiệu quả, chất lượng hoạt động ở một số TTHTCĐ còn thấp.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, do tình trạng thiếu giáo viên nên nhiều địa phương đã rút giáo viên biệt phái tại các TTHTCĐ về giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS; hoặc nhiều giáo viên biệt phái về nghỉ chế độ và không bố trí giáo viên biệt phái khác về làm việc ở TTHTCĐ, khiến nhiều trung tâm hoạt động gặp khó khăn. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn gần 100/559 TTHTCĐ có giáo viên biệt phái. Số xã, phường, thị trấn còn lại không có giáo viên biệt phái được thay bằng công chức văn hóa xã phụ trách hoặc có đơn vị bố trí công chức khác kiêm nhiệm thay thế. Thực tế này đã khiến nhiều trung tâm hoạt động kém hiệu quả.

Từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập để các TTHTCĐ thực sự là “trường học” tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và huy động nguồn lực đầu tư bảo đảm các điều kiện hoạt động của trung tâm. Ngành chức năng quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, bảo đảm về chất lượng, nhằm thu hút đông đảo người dân đến học tập và vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất, đời sống. Cùng với đó, mỗi trung tâm cần chủ động nắm bắt nhu cầu học tập của người dân để xây dựng kế hoạch hoạt động, đáp ứng yêu cầu “cần gì học nấy” và sát với thực tế mỗi địa phương.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]