(Baothanhhoa.vn) - Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chỉ đạo, điều hành, học tập... là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chỉ đạo, điều hành, học tập... là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19

Phát huy hiệu quả của DVCTT cũng là một giải pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã được triển khai tích cực, đạt những kết quả nhất định, được cộng đồng và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ngoài việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh, sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, phát động toàn dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe... thì biện pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, học tập là hết sức cần thiết.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường sử dụng hệ thống CNTT (TD-Office, cổng dịch vụ công, hệ thống hội nghị trực tuyến, thư điện tử...) để hạn chế tiếp xúc đông người, giảm lây lan dịch bệnh. Tăng cường điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc; ứng dụng CNTT để góp phần phòng chống dịch COVID-19; nhắn tin đề nghị người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tiếp xúc đông người; thông tin về tình hình dịch bệnh COVID–19... Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội, góp phần ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi làm việc trên môi trường mạng gần như toàn bộ, từ việc chỉ đạo, điều hành đến cả việc họp trực tuyến... tất cả đều nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Trong thời điểm này, người dân làm việc qua môi trường mạng cũng là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh”.

Theo ông Trương, việc ứng dụng CNTT để kiểm soát dịch bệnh cũng được các cơ quan chức năng thực hiện khá tốt. Và một trong những thay đổi chiến lược của công cuộc phòng chống dịch bệnh là áp dụng tờ khai điện tử, nhắn tin với tất cả người dân trên cơ sở quan điểm minh bạch, không giấu giếm.

Trước tình hình học sinh phải tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa và Viettel Thanh Hóa triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến miễn phí, gồm: Hệ thống VNPT-Elearning có tên miền http://thanhhoa.lms.vnedu.vn và Hệ thống mạng xã hội học tập Viettelstudy. Đây là một trong những giải pháp cơ bản đáp ứng được việc học tập trực tuyến, rất phù hợp trong điều kiện học sinh phải nghỉ học lâu ngày để phòng chống dịch COVID-19.

Hiện toàn tỉnh có 772 trường tại 27/27 huyện, thị xã đã tập huấn phần mềm VNPT Elearning và khai báo tài khoản người dùng; gần 8.000 giáo viên cài đặt App vnEdu Teacher; gần 20.000 tài khoản của phụ huynh học sinh cài đặt App vnEdu Connect. Bên cạnh đó, có 175 trường đã cập nhật dữ liệu bài giảng lên hệ thống VNPT Elearning (trên 10 học liệu). Các trường đã thực hiện tốt như: Trường THCS thị trấn Lang Chánh (156 học liệu, 94 học sinh tham gia học tập); THCS DTNT Quan Sơn (139 học liệu, 72 học sinh tham gia học tập); THPT Sầm Sơn (125 học liệu, 774 học sinh tham gia); THCS Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa (121 học liệu, 25 học sinh tham gia)...

Được biết, phần mềm VNPT-Elearning cho phép giáo viên sử dụng ứng dụng vnEdu Teacher để giao bài tập cho học sinh; phụ huynh học sinh sử dụng ứng dụng vnEdu Connect để tương tác với nhà trường; tất cả thao tác giao và nộp bài tập đều qua ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính; những nội dung trên đều đã có sẵn trên hệ sinh thái vnEdu hiện các nhà trường đang sử dụng.

Với hệ thống VNPT E-Learning, các trường hoàn toàn có thể khởi tạo site riêng của trường một cách nhanh chóng mà không cần cài đặt bất kỳ phần mềm gì. Với phần mềm này, giáo viên có công cụ để quản lý và thiết kế kho bài giảng điện tử, bài kiểm tra cho học sinh một cách dễ dàng. Các tư liệu học tập ở các định dạng phim, ảnh, tài liệu... trực tiếp upload lên hệ thống hoặc từ bất cứ nguồn tư liệu sẵn có khác như Youtube, Google, Wiki... hoặc website của nhà trường.

Chị Hạ Thị Bình, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa chia sẻ: “Ban đầu, khi con tôi phải tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19 gia đình tôi cũng khá lo lắng, lo nhất là khi không được đến trường, đến lớp các cháu lại sao nhãng chuyện học hành. Thế nhưng, trong thời gian nghỉ học nhờ có việc ứng dụng CNTT cô giáo vẫn có thể giao bài, kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả học tập của từng học sinh. Hiệu quả dù không thể bằng việc lên lớp nhưng như vậy cũng giúp các bậc phụ huynh chúng tôi yên tâm phần nào”.

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa việc tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, Bộ TT&TT đã có công văn gửi Sở TT&TT các tỉnh, thành phố đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến việc thực hiện DVCTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh giao tiếp trên Internet hay mạng xã hội.

UBND tỉnh cũng đã có công văn đề nghị các ban, sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác cải cách hành chính nhằm hạn chế tối đa các tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, cách thức sử dụng để thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân truy cập nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Xây dựng tài liệu hướng dẫn dưới dạng các hình ảnh minh họa, video hướng dẫn thực hiện cụ thể từng bước, giúp người dân thay đổi thói quen, dần dần từ bỏ phương thức giao dịch kiểu cũ với cơ quan Nhà nước, từng bước tiến tới sử dụng Internet là kênh cung cấp dịch vụ chính đối với công dân...

Ông Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết: Để góp phần vào việc ngăn ngừa dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công nên ngành điện đã cung cấp 100% dịch vụ điện cho khách hàng qua cổng DVC quốc gia, như: dịch vụ thanh toán tiền điện, dịch vụ cung cấp điện mới, dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện... Như vậy, thông qua DVCTT sẽ giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ; giảm thiểu chi phí và thời gian đi lại của người dân, tổ chức. Chỉ cần một cú nhấn chuột, dù đang ở đâu và làm gì, miễn là có kết nối Internet thì mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Đây cũng là một giải pháp hạn chế tiếp xúc trực tiếp để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh COVID-19.

Để ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh. Từ đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để người dân hiểu rõ những lợi ích mà CNTT mang lại.

Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]