(Baothanhhoa.vn) - Giảm nghèo bền vững tuy là khái niệm không mới nhưng những vấn đề tồn tại xung quanh nó luôn đủ sức đặt ra nhiều câu hỏi khó đối với sự phát triển của xã hội. Phía sau mỗi một câu chuyện giảm nghèo bền vững ấy, nếu như chúng ta không dụng tâm tìm hiểu, lắng nghe thì mãi mãi chúng ta sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời chính xác cho những câu hỏi khó này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện giảm nghèo bền vững ở huyện Quảng Xương

Giảm nghèo bền vững tuy là khái niệm không mới nhưng những vấn đề tồn tại xung quanh nó luôn đủ sức đặt ra nhiều câu hỏi khó đối với sự phát triển của xã hội. Phía sau mỗi một câu chuyện giảm nghèo bền vững ấy, nếu như chúng ta không dụng tâm tìm hiểu, lắng nghe thì mãi mãi chúng ta sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời chính xác cho những câu hỏi khó này.

Chuyện giảm nghèo bền vững ở huyện Quảng Xương

Anh Lê Văn Đô nỗ lực thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế trang trại của gia đình.

Chuyện của người trong cuộc

Đó là câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Lê Văn Đô (52 tuổi, thôn Trung Đình, xã Quảng Định). Trước năm 2018, gia đình anh Đô được xếp vào diện khá giả của xã. Năm 2014, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND xã Quảng Định cho thuê đất phát triển kinh tế, anh Đô chủ động nắm bắt cơ hội, mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại tổng hợp vườn – ao – chuồng với tổng diện tích khoảng 12.000m2. Những năm đầu khởi nghiệp tuy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng bằng sự kiên trì, nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ, gia đình anh Đô vẫn có nguồn thu nhập ổn định từ trang trại. Tuy nhiên, những biến cố lớn liên tiếp trong hai năm 2017, 2018 cứ thế ập tới, xô ngã cuộc sống yên bình, hạnh phúc mà vợ chồng anh bao năm vun vén. Đầu tư chăn nuôi thua lỗ do thị trường biến động lớn đã cuốn đi một số tiền không nhỏ của gia đình. Cùng với đó, vợ chồng anh Đô phải gồng gánh, cố gắng chạy chữa cho con mắc bệnh ung thư máu giai đoạn cuối. Tiền bạc dành dụm bao năm dốc cạn, từ hộ khá giả, kinh tế gia đình anh Đô gần như suy kiệt, nằm trong nhóm đối tượng được xét hộ nghèo của xã Quảng Định.

Sau một thời gian chiến đấu cùng căn bệnh quái ác của con, vợ chồng anh Đô vẫn phải đau đớn chấp nhận sự thật để con ra đi mãi mãi. Anh Đô ngậm ngùi chia sẻ: “Một thời gian dài kể từ ngày con mất, vợ chồng tôi muốn buông xuôi tất cả. Nỗi đau thì vẫn còn đó mà nỗi lo về khoản nợ đã vay mượn để trang trải trong những ngày chữa trị cho con cũng không lúc nào nguôi”. Trong quãng thời gian khốn khó ấy, anh Đô tâm sự: “Việc được xét hộ nghèo đối với gia đình tôi khi ấy thật sự quý giá vô cùng. Gia đình cảm thấy được quan tâm, được giúp đỡ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần”. Từ điểm tựa ấy, gia đình anh bình tâm hơn sau những biến cố, quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Anh Đô bắt tay vào công việc tái phát triển trang trại, tính toán theo nhu cầu của thị trường để có hướng đi hợp lý hơn. Ngoài nuôi lợn, anh Đô đầu tư quy hoạch 6 ao nuôi cá thịt và cá giống với tổng sản lượng hàng năm khoảng 1 tấn cá các loại. Thời gian tới, anh Đô ấp ủ dự định xen canh trồng thêm một số loại cây ăn quả nhằm khai thác có hiệu quả hơn diện tích đất của trang trại và tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Nhận thấy kinh tế gia đình đã có sự khởi sắc, anh Đô chủ động làm đơn gửi UBND xã Quảng Đức xin ra khỏi hộ nghèo. Anh Đô chia sẻ: “Mình nhìn xung quanh nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Khi mình đã có thể đứng vững được thì phải biết nghĩ đến những người khác nữa. Cuộc sống phải luôn biết vươn lên chứ không thể cứ ỷ lại mãi mà trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước”.

...

“Gia đình tôi khổ nhất xã Quảng Đức này” - anh Lê Văn Khương (43 tuổi, thôn An Toàn, xã Quảng Đức) thốt lên khi được hỏi về câu chuyện thoát nghèo của gia đình mình khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Không khổ sao được khi những đứa con bé bỏng, đáng yêu của anh chị lần lượt ra đời và những biến cố cũng cứ thế kéo đến, đè nén cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Đứa con gái thứ 2 của anh chị sinh ra là một đứa trẻ kháu khỉnh, đáng yêu, khỏe mạnh. Ấy vậy mà, khi vừa tròn 1 tuổi, chỉ sau vài ngày mất nước bởi bệnh tiêu chảy cấp, do không được cấp cứu kịp thời, bé lên cơn co giật khiến não bị tổn thương nghiêm trọng. Đã 15 năm trôi qua kể từ ngày ấy, mỗi lần nhìn con nằm nơi góc bếp cười, nói ngẩn ngơ, hú hét liên hồi, vợ chồng anh Khương thương con như đứt từng khúc ruột. Nỗi đau về đứa con gái bại não vẫn còn đó, anh Khương và vợ của mình lại chào đón đứa con trai út trong nỗi buồn vô hạn. Bé sinh ra thể trạng đã ốm yếu, ròng rã năm này, tháng nọ cứ đau ốm liên miên, đi viện như cơm bữa. Anh Khương bảo: “Một tháng hai bố con ít nhất phải vào viện khoảng 10 ngày”. Cuộc sống ngày càng khó khăn, công việc đồng áng không đủ thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình và thuốc men cho con trai, vợ anh đành phải gửi con ở nhà cho bà nội trông nom để xin đi làm công nhân cho một công ty gần nhà. Suốt 4 năm trời thuốc thang, bệnh tình của con trai anh Khương đã có những chuyển biến tích cực, có khả năng hồi phục hoàn toàn. Ngờ đâu, chẳng bao lâu sau, bé mất do bị đuối nước. Năm đó, bé mới lên 4 tuổi. Đưa tay hướng về di ảnh của đứa con trai xấu số, người đàn ông trạc ngoại tứ tuần chực trào nước mắt. Những tưởng mọi sự đau khổ như vậy đã là quá khắc nghiệt đối với cuộc đời anh Khương nhưng cuộc sống lại tiếp tục bồi thêm cho gia đình anh một cú sốc. Anh Khương phải đi mổ thận, sức khỏe từ đó suy giảm nhiều. Từ người đàn ông khỏe mạnh, bươn chải đủ thứ nghề, đã từng là anh cửu vạn lăn lộn trong Nam ngoài Bắc không tiếc sức nay không đủ sức để tiếp tục công việc ấy nữa. Anh nghĩ rất nhiều: “Mình là người đàn ông, là trụ cột gia đình, mình không thể cứ nằm mãi, quanh quẩn mãi ở nhà để vợ phải lo toan, gánh vác mọi việc”. Cuối cùng, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh Khương quyết định nộp đơn xin làm công nhân tại công ty mà vợ anh đã làm trước đó với mức lương dao động từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Sau một năm làm việc, vừa qua, gia đình anh Khương đã làm đơn gửi UBND xã Quảng Đức xin ra khỏi hộ nghèo. Anh chia sẻ: “Gia đình mình tuy khổ thật đấy nhưng nhìn đi nhìn lại vẫn có thể hơn nhiều hoàn cảnh khác. Mặc dù bây giờ, gia đình vẫn phải chi trả nhiều khoản nợ, nuôi con bị bại não nhưng thu nhập cũng tạm coi như ổn định hơn nên không có lý do gì tiếp tục để xã hội phải bao bọc, giúp đỡ nữa”.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Câu chuyện nghèo và thoát nghèo của gia đình anh Đô, anh Khương như là những minh chứng chân thực, sinh động nhất về những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững của huyện Quảng Xương. Năm 2018, toàn huyện Quảng Xương ghi nhận đã giảm được 840 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,62%, đạt 103% so với chỉ tiêu của tỉnh giao và đạt 102% so với chỉ tiêu của huyện đề ra. Một số xã, thị trấn của huyện đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững như: Thị trấn Quảng Xương, Quảng Hợp, Quảng Đức, Quảng Định, Quảng Nham, Quảng Phong, Quảng Trạch, Quảng Ngọc... Để đạt được kết quả trên, bên cạnh ý thức, sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo như gia đình anh Đô, anh Khương thì các ngành, các cấp của huyện đã chủ động, tích cực phối hợp tham mưu và hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện khá đồng bộ, trên tất cả các phương diện: Điều tra thu nhập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, tăng thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản; chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; trợ giúp xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội. Trong đó, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã thực sự tạo ra những thay đổi về chất đối với hiệu quả giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn huyện. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ cho 62 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Quảng Hải phát triển chăn nuôi, sản xuất gà thương phẩm; hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất chăn nuôi bò cái sinh sản cho 35 hộ trên địa bàn xã Quảng Khê... Các ngành, các tổ chức đoàn thể là thành viên ban chỉ đạo tiếp tục có những biện pháp, việc làm cụ thể nhằm hỗ trợ hội viên về vốn, kinh nghiệm, cơ sở vật chất để phát triển sản xuất và kinh doanh. Trong năm, huyện đã mở 5 lớp đào tạo dạy nghề cho 105 lao động nông thôn và người khuyết tật, chủ yếu là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Đầu năm 2018, huyện đã tổ chức ngày hội việc làm tư vấn và giới thiệu 43 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài nước với nhu cầu tuyển dụng trên 12.000 lao động.

Từ những cách làm hiệu quả, thiết thực của huyện Quảng Xương và sự vươn lên thoát nghèo trong câu chuyện của gia đình anh Đô, anh Khương đã dần hé lộ câu trả lời cho bài toán khó mang tên giảm nghèo nhanh và bền vững. Gia đình anh Đô, anh Khương tuy khác nhau về điều kiện, hoàn cảnh nhưng cùng chung một nếp nghĩ, cách làm. Cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn, thử thách mà bất kỳ ai cũng đều sẽ phải trải qua. Điều quan trọng là cách thức mà mỗi chúng ta lựa chọn để đón nhận, vượt qua nó.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài Và Ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]