(Baothanhhoa.vn) - Đôi khi, giữa vòng quay bất tận của cuộc sống, con người có cảm giác như đang bị nhấn chìm, nuốt chửng trong tâm trạng mệt mỏi, ủ rũ, chán chường tưởng như có thể buông xuôi tất cả. Vào khoảnh khắc ấy, tôi tin chắc rằng, sẽ có rất nhiều người giống như tôi, khao khát đến cháy bỏng có được một tấm vé đặc biệt để thanh thản, nhẹ nhõm bước lên “chuyến tàu thời gian”, ngược về những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, vô tư lự. Thế nhưng, khi người lớn khao khát mơ về chuyến tàu quay trở lại tuổi thơ có bao giờ tự hỏi chính mình: Chúng ta đã thực sự đủ quan tâm, đủ tinh tế, bao dung để vun vén, xây dựng cho con mình và những đứa trẻ xung quanh mình một tuổi thơ trong trẻo, êm đềm, hạnh phúc hay chưa?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Đôi khi, giữa vòng quay bất tận của cuộc sống, con người có cảm giác như đang bị nhấn chìm, nuốt chửng trong tâm trạng mệt mỏi, ủ rũ, chán chường tưởng như có thể buông xuôi tất cả. Vào khoảnh khắc ấy, tôi tin chắc rằng, sẽ có rất nhiều người giống như tôi, khao khát đến cháy bỏng có được một tấm vé đặc biệt để thanh thản, nhẹ nhõm bước lên “chuyến tàu thời gian”, ngược về những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, vô tư lự. Thế nhưng, khi người lớn khao khát mơ về chuyến tàu quay trở lại tuổi thơ có bao giờ tự hỏi chính mình: Chúng ta đã thực sự đủ quan tâm, đủ tinh tế, bao dung để vun vén, xây dựng cho con mình và những đứa trẻ xung quanh mình một tuổi thơ trong trẻo, êm đềm, hạnh phúc hay chưa?

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơMỗi ngôi nhà trong Làng trẻ SOS Thanh Hóa đã và đang nỗ lực chung tay góp sức vun đắp, dựng xây nên ký ức tuổi thơ trong trẻo, ngọt lành cho những đứa trẻ đặc biệt.

Nhật ký ngày hè tẻ nhạt

Như đã thành quy luật, ngay từ khi lũ ve cất giọng hòa tấu những bản nhạc rền vang trên nền đỏ rực rỡ, chói chang của sắc hoa phượng vĩ, nhiều ông bố, bà mẹ đã bắt đầu “đứng ngồi không yên” với nỗi lo: Trông con. Đối với các gia đình sống ở thành phố, nỗi lo ấy thực sự là một vấn đề nan giải. Nhiều gia đình quyết định gửi con cái về quê nội, quê ngoại chơi để bố mẹ đỡ vướng bận mà bọn trẻ vẫn được vui chơi, tận hưởng kỳ nghỉ hè một cách an toàn, sảng khoái, thú vị. Nhiều gia đình gốc gác đều ở thành phố hoặc ông, bà già yếu không thể chăm cháu thì chỉ còn cách “nhồi” con vào các lớp học thêm, học năng khiếu... với hy vọng “có người trông con giúp để yên tâm đi làm”. Trường hợp bất đắc dĩ nhưng lại khá phổ biến với nhiều gia đình có con ở độ tuổi thiếu niên, đó là chuẩn bị cho chúng một số đồ ăn vặt, giao cho chúng một khối lượng bài tập đủ để “ép” chúng phải ngồi hàng giờ trong bàn học. Một cách đơn giản, “tiện lợi” cũng thường được áp dụng trong trường hợp này là khóa cửa nhà lại và “dụ” chúng ngồi ngoan trong đó chờ bố mẹ đi làm về bằng đủ thứ công nghệ hiện đại như: Tivi, Ipad, điện thoại...

Những đứa trẻ “trên phố” vẫn thường quanh quẩn trong không gian chật hẹp hay cuống cuồng với những lớp “học thêm, học nếm” mà thèm khát hình dung về kỳ nghỉ hè thú vị, rong ruổi thả diều, đá bóng, bơi sông như các bạn đồng trang lứa ở quê. Nhưng sự thực, giờ đây, cùng với tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại vào kết cấu, đời sống văn hóa – tinh thần làng, xã đã phần nào làm mất đi hình ảnh quen thuộc, không khí sôi động trong những kỳ nghỉ hè của đám trẻ thôn quê. Để không bị so sánh với “con nhà người ta”, chúng cũng phải sấp ngửa lao vào “núi” bài tập do thầy cô, cha mẹ giao cho trong thời gian nghỉ hè. Những sân chơi “lý tưởng”, vốn được xem như “niềm tự hào”, “hãnh diện” với trẻ con thành phố như: cánh đồng làng, bãi đất trống cỏ mọc xanh mượt dưới chân... giờ cũng không còn là nơi an toàn, rộng mở với chúng. Đồng làng bị thu hẹp, nhường chỗ cho những dự án phát triển kinh tế địa phương. Bãi đất trống trước đây đã được phân lô, phân khoảnh; từ từ mọc lên nhà cao, cửa rộng. Và quan trọng hơn, chính bản thân những đứa trẻ ấy đã có nhiều chọn lựa hơn trong cách thức vui chơi. Chúng không còn háo hức với trò chơi dân gian mà ông bà, cha mẹ, anh chị trước đây thường chơi. Các trò chơi điện tử, các chương trình ti vi sinh động, hấp dẫn, kích thích hơn nhiều so với mấy trò chơi như: bắn bi, nhảy nụ, chơi chuyền...

Vậy là vô hình chung, vì những gánh nặng mưu sinh, bộn bề, vô tâm đang diễn ra xung quanh cuộc sống này, kỳ nghỉ hè – một dấu ấn quan trọng làm nên thế giới tuổi thơ tươi đẹp của lũ trẻ cứ thế trôi qua trong những ngày tẻ nhạt. Nhật ký kỳ nghỉ hè ngày càng vơi dần đi thanh âm trong trẻo, hồn nhiên của tiếng cười đùa sảng khoái mà thay vào đó là lịch trình hối hả, đơn điệu, qua loa: Thức dậy – vội vã bị ấn vào bàn ăn để uể oải nhai chóp chép một thứ gì đó thường là không hợp khẩu vị mà bố mẹ đã qua loa chuẩn bị trước đó cho kịp giờ đi làm – quanh quẩn với bài tập, đồ ăn vặt, xem vài chương trình trên truyền hình, mạng xã hội trong khi chờ đợi bố mẹ đi làm về và bắt đầu bữa ăn trưa vội vã...

Những “tuổi thơ” mang nhiều “thương tích”

Tôi ghé thăm em Trần Như Quỳnh (13 tuổi) vào buổi trưa hè nắng gắt. Mặc dù đã hơn 11 giờ nhưng dì Lại Thị Sâm và những em khác trong ngôi nhà thuộc Làng trẻ SOS Thanh Hóa vẫn nấn ná đợi Quỳnh đi học về rồi cả nhà mới cùng nhau ăn cơm. Mồ hôi lấm tấm trên trán, Quỳnh cất gọn chiếc cặp vào góc bàn rồi xúm xít dọn cơm cùng các em.

Nhìn em xinh xắn, hoạt bát, thường trực nụ cười trên môi là thế nhưng mấy ai biết được em là đứa trẻ bất hạnh, bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Dì Sâm kể: “Quỳnh được sinh ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung. Theo lời kể của các bác sĩ ở đó, mẹ cháu sinh từ 10 giờ đêm, đến 5 giờ sáng bảo ra ngoài mua ít đồ rồi bỏ đi mất. Bệnh viện họ gọi điện cho làng trẻ thông báo. Chính giám đốc làng trẻ và tôi đã xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung đón Quỳnh”. Ngay từ khi còn nhỏ, bé Quỳnh đã yếu ớt, hay bệnh nên nuôi nấng vất vả lắm. Chính nhờ sự tận tâm chăm sóc của các dì và hỗ trợ của làng trẻ, tuổi thơ của Quỳnh trôi qua trong sự ấm áp, yên bình. 13 năm trôi qua kể từ ngày Quỳnh được đón về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng trẻ SOS Thanh Hóa, em chưa bao giờ nhận được bất kỳ liên hệ nào của người thân. Quỳnh chia sẻ, trong giọng nói xen chút nghẹn ngào: “Em không nghĩ nhiều về điều đó. Làng trẻ SOS Thanh Hóa là gia đình, các dì, các em là người thân của em. Em sẽ cố gắng học thật chăm chỉ để có thể thi vào trường chuyên của tỉnh, nỗ lực phấn đấu trở thành người có ích để không phụ công ơn của mọi người”.

Khi nói về những tổn thương trong cuộc đời của một đứa trẻ, nhiều số liệu khảo sát, tổng hợp và sự thực cuộc sống đã chỉ ra rất rõ ràng mối liên hệ với trách nhiệm của “người lớn” như chúng ta. Bất kỳ đứa trẻ nào khi sinh ra, các em không có quyền lựa chọn, sắp đặt cuộc đời mình vào những ấm êm, hạnh phúc, o bế, chiều chuộng, nâng niu. Vì nhiều lý do cơ cực, bạc bẽo của đời sống này, những đứa trẻ ấy mất cha, mất mẹ khi còn quá nhỏ hoặc còn cha, còn mẹ nhưng cha mẹ ly hôn, mỗi người đi tìm cuộc sống riêng để lại các em bơ vơ, lạc lõng. Và còn đó, đầy rẫy ngoài kia, muôn hình vạn trạng lý do, nguy cơ có thể “lấy cắp” đi tuổi thơ của một đứa trẻ và đẩy cuộc đời chúng vào sóng gió.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn thương tích vẫn xảy ra với tính chất phức tạp. Mỗi năm trung bình trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 25 vụ xâm hại trẻ em và hơn 2.000 vụ tai nạn thương tích trẻ em (trong đó có khoảng 20 - 30 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông). Hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô...), chiếm hơn 75% tổng số vụ, các hành vi bạo hành, bạo lực đối với trẻ em, chiếm gần 15%. Nhiều vụ xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em diễn ra với mức độ nghiêm trọng như: Bố đẻ xâm hại tình dục con gái tại xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (tháng 3-2018), bác ruột xâm hại cháu dẫn đến có thai tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc (tháng 6-2017), bố đẻ bạo hành con gái ruột tại xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn (tháng 5-2019), vụ đuối nước ngày 6-5-2019 tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc làm 4 học sinh lớp 6 tử vong; vụ tai nạn giao thông ngày 15-4-2019 làm 3 trẻ em ở huyện Nông Cống tử vong...

“Đối với một đứa trẻ, ngôi nhà rất quan trọng. Một đứa bé sống trong nhà mình cũng tự nhiên và máu thịt như sống trong bản thân mình. Nó không thể chạy khỏi nhà mình, vì điều đó sẽ làm nó đau đớn” – đó là một nhận định rất sâu sắc, thấm thía mà bất kỳ người lớn nào, những người đã, đang và sẽ làm cha làm mẹ của những đứa trẻ nên nghiêm túc nhìn nhận. Thái độ sống, cách hành xử của chúng ta trong mỗi ngôi nhà đóng vai trò tiên quyết trong việc hình thành thế giới tuổi thơ của những đứa trẻ.

Nếu ví tuổi thơ là một trạm dừng chân thì mỗi người chúng ta đều cần một tấm vé thông hành đặc biệt để có thể bước lên chuyến tàu ấy – chuyến tàu không có người soát vé. Bởi vậy, “bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất kỳ lúc nào, hay nói khác đi, lúc nào mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người một cách diệu kỳ” – Nguyễn Nhật Ánh, “Hoàng tử bé” của thế giới trẻ thơ quả quyết như vậy. Ký ức tuổi thơ thực sự là một cứu rỗi, điểm tựa tâm hồn cho người lớn khi phải đối mặt với vòng xoáy cuộc đời. Nhưng người lớn cũng phải hiểu một điều rằng: Chúng ta mong mỏi, khao khát được quay trở lại tuổi thơ bởi chúng ta đã từng có một tuổi thơ đẹp đẽ, trong trẻo, ngọt lành như quả chín đầu mùa. Vì vậy, “để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn. Và trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay và mai sau là cùng nhau chung tay, góp sức nhằm tạo nên môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em; từ đó góp phần vun đắp, kiến tạo nên những ký ức tuổi thơ tuyệt vời mà bất kể người lớn nào cũng muốn một lần được quay trở lại.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]