(Baothanhhoa.vn) - Trong tiết trời se lạnh chào đón tết cổ truyền, xuân rộn ràng về mang theo hương sắc và bầu không khí ấm áp... Chợ phiên vùng cao những ngày cuối năm, chờ đón tết cổ truyền cũng trở nên xốn xang, nhộn nhịp...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chợ phiên vùng cao những ngày cuối năm...

Trong tiết trời se lạnh chào đón tết cổ truyền, xuân rộn ràng về mang theo hương sắc và bầu không khí ấm áp... Chợ phiên vùng cao những ngày cuối năm, chờ đón tết cổ truyền cũng trở nên xốn xang, nhộn nhịp...

Chợ phiên vùng cao những ngày cuối năm...

Chợ phiên Na Mèo (Quan Sơn) những ngày cuối năm.

Cuối tháng chạp, khi những khóm cúc, hoa đào chúm nụ nơi đầu sân, ấy cũng là lúc những chợ phiên vùng cao bắt đầu nhộn nhịp... Nằm trải dài trên đoạn đường uốn lượn khoảng chừng hơn 1 km của trung tâm xã Lũng Niêm (Bá Thước), chợ phiên Phố Đòn những ngày cuối năm càng tấp nập cùng tiếng nói, cười của những người mua, người bán. Đây là chợ phiên đã có từ thời Pháp thuộc và là nơi giao thương hàng hóa, gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mường... đến từ các xã quanh vùng như: Lũng Cao, Thành Sơn, Cổ Lũng, Thành Lâm và một số huyện giáp ranh của tỉnh Hòa Bình.

Chợ thường đông người nhất khoảng từ 6h-9h và kết thúc khoảng tầm 11h trưa cùng ngày. Chợ phiên Phố Đòn chỉ họp vào 2 buổi sáng ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Với người dân nơi đây, để có mặt tại chợ thường họ phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị hàng hóa. Để đưa được hàng hóa xuống chợ thì nhiều người phải lặn lội hàng chục cây số, thậm chí còn phải băng rừng, lội suối để gùi hàng xuống chợ. Hàng hóa khá phong phú nhưng đa phần là các sản vật truyền thống của địa phương như vải thổ cẩm, các loại rau, củ, quả rừng, rượu cần, con cua, con ốc, chuột rừng... Những bó lá chuối, lá dong còn ngậm hơi sương; những buồng cau óng ả, những liền trầu nuột nà, những nải chuối chi chít quả đến những hộp bánh mứt được xếp đẹp mắt trên các sạp hàng cũng hấp dẫn người mua...

Vùng cao vào xuân, chợ phiên Na Mèo, xã Na Mèo (Quan Sơn) cũng đông vui, nhộn nhịp hơn ngày thường. Bởi, tờ mờ sáng thứ 7, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Mông... từ khắp các bản làng xa xôi đã vượt đèo, lội suối, để xuống chợ phiên. Từ 6h30 sáng, Trạm Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo bắt đầu mở cửa để người dân Lào sang chợ mua bán, vui chơi. Người và xe ở các huyện dưới xuôi cũng tấp nập mang hàng hóa đến chợ, bày bán dọc tuyến đường trung tâm vào chợ. Trong phiên chợ xuân những ngày cuối năm, người đến chợ đông hơn, lưu lượng hàng hóa cũng phong phú, đa dạng và mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc Việt – Lào như chiếu, quần áo, vải vóc, đồ trang sức, những con gà Mông, gà Lào, lợn cắp nách... Đứng cạnh tôi, một thanh niên người dân tộc Mông, phấn khởi: “Phiên chợ tết năm nào tao cũng xuống chợ từ rất sớm để sắm tết cho gia đình. Vì ở bản tao cách trung tâm xã Na Mèo cả chục cây số nên tao phải đi từ sáng sớm để cho kịp chợ phiên. Giờ thì tao đã mua được bánh kẹo, xăng, dầu, thuốc lào, quần áo mới cho các con... và chờ đón tết thôi”. Đến với chợ phiên Na Mèo, mỗi người một tâm trạng, với những người bán hàng thì mong chạy hàng, với người trẻ tuổi thì vui nhiều hơn vì được xuống chợ chơi tết, còn với các bà con dân tộc, chị em phụ nữ thì vẫn là muốn chọn, mua được nhiều mặt hàng ưng ý để chuẩn bị cho gia đình một cái tết đủ đầy.

Đến với mỗi phiên chợ tết vùng cao, tôi lại chợt nhớ những hình ảnh về chợ ngày tết trong hồn thơ của Đoàn Văn Cừ năm xưa: ...“Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton...” và đây đó vẫn còn: “Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi... Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà sống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem...”.

Bài và ảnh: Lê Phượng


Bài và ảnh: Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]