(Baothanhhoa.vn) - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Thế nhưng không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lại chưa thực sự chú trọng đến công tác này dẫn đến những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình và xã hội.

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - còn đó những nỗi lo!: Nỗi đau từ các vụ tai nạn lao động

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Thế nhưng không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lại chưa thực sự chú trọng đến công tác này dẫn đến những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình và xã hội.

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - còn đó những nỗi lo!: Nỗi đau từ các vụ tai nạn lao độngĐại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thăm, chia sẻ, động viên gia đình có nạn nhân TNLĐ ở xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (tháng 5-2021).

Con số buồn...

Từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ TNLĐ, trong đó có những vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết. Điển hình như vụ TNLĐ do ngạt khí lò vôi xảy ra vào ngày 1-1-2016 tại một cơ sở sản xuất vôi thủ công ở thôn 1, xã Hoàng Giang (Nông Cống) làm 8 người chết, 1 người bị thương. Đau xót hơn là trong vụ TNLĐ này có tới 4 người trong một gia đình thương vong, trong đó có 3 người thiệt mạng, gồm chủ lò vôi và 2 con gái, vợ chủ lò vôi bị thương nặng.

Dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ TNLĐ trên thì một vụ TNLĐ khác xảy ra chỉ sau đó 1 tuần làm 4 người chết khi họ đang thi công xây dựng cầu suối Quanh thuộc địa bàn xã Trung Sơn (Quan Hóa). Cũng trong tháng 1-2016, một vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng khác lại xảy ra tại mỏ đá Hang Cá thuộc địa bàn xã Yên Lâm (Yên Định) làm 8 người thiệt mạng. Gần đây nhất là vụ TNLĐ xảy ra vào ngày 27-3-2021 tại khu vực khai thác đá ở bản Poọng, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) làm 1 người thiệt mạng là anh Hoàng Văn M. Những vụ TNLĐ thương tâm chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng.

Thực tế, những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Luật ATVSLĐ năm 2015 có hiệu lực, công tác ATVSLĐ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động quan tâm triển khai thực hiện. Nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về bảo đảm ATVSLĐ từng bước được nâng cao, điều kiện làm việc của người lao động không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng TNLĐ, số vụ, số nạn nhân, đặc biệt là số người chết do TNLĐ vẫn không thuyên giảm. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 116 vụ TNLĐ làm 91 người chết và 57 người bị thương nặng. Trong đó, năm 2016 xảy ra 44 vụ TNLĐ làm 47 người chết, 18 người bị thương nặng. Năm 2017 xảy ra 22 vụ làm 17 người chết, 10 người bị thương nặng. Năm 2018 xảy ra 18 vụ làm 10 người chết, 13 người bị thương nặng. Năm 2019 xảy ra 8 vụ làm 5 người chết, 10 người bị thương nặng. Năm 2020 xảy ra 18 vụ làm 12 người chết, 6 người bị thương nặng. Từ đầu năm 2021 đến nay, xảy ra 12 vụ làm 12 người chết. Đây chỉ là con số thông kê được qua báo cáo từ phía doanh nghiệp. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn nhiều, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc doanh nghiệp đã thỏa thuận đền bù với gia đình nạn nhân để bưng bít, che đậy những sai sót trong công tác ATVSLĐ, không báo cáo với cơ quan chức năng nên nhiều vụ TNLĐ không được công bố.

... và những hệ lụy

TNLĐ không chỉ gây thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà còn để lại nỗi đau cho không ít gia đình. Thường thì sau khi xảy ra các vụ TNLĐ gây chết người, chủ sử dụng lao động bù đắp thiệt hại cho gia đình nạn nhân bằng một khoản tiền nhất định để lo việc hậu sự cũng như khắc phục khó khăn trước mắt. Song, việc làm này không thể bù đắp những mất mát mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Cách đây 3 tháng, do sự cố kỹ thuật khi đang làm việc tại một công trường thuộc địa phận xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) anh Hoàng Văn M. quê ở xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) đã ra đi mãi mãi, bỏ lại người vợ và 2 con thơ. Được biết, doanh nghiệp nơi anh M. làm việc đã lo đầy đủ thủ tục mai táng phí và làm sổ tiết kiệm cho 2 con của anh M., với tổng số tiền 300 triệu đồng. Thời gian đầu doanh nghiệp cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình, nhưng khi dư âm về vụ TNLĐ dần lắng xuống, doanh nghiệp cũng ít quan tâm đến gia đình nạn nhân. Sự việc đã nhiều tháng trôi qua, nhưng đến nay chị Bùi Thị Phận - vợ anh M. và những người thân trong gia đình chưa thể vượt qua được nỗi đau này.

Chia sẻ về nỗi đau mất con, ông Hoàng Văn Thanh, bố đẻ của nạn nhân M., nghẹn ngào: “Đây là một mất mát quá lớn với gia đình tôi. Giá như tôi cứ để vợ chồng nó bươn chải làm ăn trong miền Nam thì gia đình không phải chịu cảnh “người đầu bạc đưa tiễn người đầu xanh” như thế này. Con trai tôi mất đi khi con nó - đứa đầu mới 8 tuổi, đứa thứ 2 mới 19 tháng tuổi, ông bà tôi thuộc hộ cận nghèo, tuổi cao sức yếu chẳng giúp được gì cho các cháu. Không biết rồi sau này vợ nó có cáng đáng, thay thế được vai trò của người bố trong gia đình với các con...”. Qua tìm hiểu được biết, trước đây vợ chồng chị Phận, anh M. là lao động tự do làm trong miền Nam mới trở về quê được 5 năm và đang phải mượn tạm nhà cũ của người thân để nương nhờ. Anh M. là lao động chính trong gia đình, chưa làm được gì nhiều cho vợ con, chưa kịp báo hiếu cha mẹ thì xảy ra sự việc đau lòng.

Trong vụ tai nạn ngạt khí lò vôi ở xã Hoàng Giang (Nông Cống) xảy ra cách đây ít năm đã cướp đi sinh mạng của 8 người dân, có lẽ đau đớn nhất là gia đình ông Lê Văn Thong - chủ lò vôi. Ông Thong, con gái cả và con gái út của ông đều chết trong vụ TNLĐ này. Trong một gia đình cùng một lúc mất đi 3 người thân, đây là sự mất mát quá sức chịu đựng đối với những người còn sống. Không riêng gia đình ông Thong, đã hơn 5 năm trôi qua nhưng đến nay chị Nguyễn Thị Thanh, xã Hoàng Sơn (Nông Cống) có chồng thiệt mạng trong vụ ngạt khí lò vôi vẫn còn nhiều ám ảnh. Chị Thanh chia sẻ: “Chồng bị TNLĐ mất đúng ngày mùng 1 Tết Dương lịch năm 2016, lúc đó tôi vừa đi xuất khẩu lao động được 4 tháng. Nghe tin chồng mất lòng như thắt lại nhưng mãi 3 ngày sau tôi mới về được vì không mua được vé máy bay trong ngày. Khi về đến nhà thì mọi việc đã xong xuôi. Ở nhà hương khói cho chồng một thời gian ngắn, tôi phải nén nỗi đau mất chồng, phải xa 2 con nhỏ gửi ông bà chăm sóc, quay sang nước bạn tiếp tục làm việc. Nhưng do quá sốc, tâm lý không ổn định, không làm việc được nên công ty cho tôi nghỉ việc về nước”. Thiếu chỗ dựa, lại gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ với nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn đè nặng lên đôi vai gầy khiến chị Thanh suy sụp tinh thần. Mặc dù vậy, nhiều năm nay chị vẫn luôn cố gắng đi làm, thậm chí mệt cũng không dám nghỉ, thế nhưng cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con vẫn rất khó khăn.

TNLĐ luôn rình rập và chẳng ai có thể đoán được nó sẽ đến với mình vào lúc nào. Chỉ cần sơ sẩy trong tích tắc là phải đánh đổi cả tính mạng và để lại nỗi đau cho người thân. Người lâm vào cảnh cha mất con, vợ mất chồng, con thơ không còn chỗ dựa... Có muôn hình vạn trạng các trường hợp TNLĐ xảy ra mà chỉ những người trong cuộc phải âm thầm gánh chịu. Người thì ra đi mãi mãi, người may mắn sống sót, nhưng phải nằm một chỗ, sự sống kéo dài trong đớn đau, dằn vặt. Điều đáng nói những người bị TNLĐ lại đều là lao động chính, là trụ cột trong gia đình. Nhắc lại vụ tai nạn xảy ra ở mỏ đá Hang Cá thuộc địa bàn xã Yên Lâm (Yên Định), ông Bùi Trung Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiết Ống (Bá Thước), cho biết: 6/8 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn ở xã Yên Lâm là người dân của xã Thiết Ống, trong đó có 4 nạn nhân là trụ cột gia đình, 1 nạn nhân thuộc hộ nghèo và 1 nạn nhân thuộc hộ cận nghèo. Với sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cả vật chất và tinh thần từ các sở, ngành, các đoàn thể, chính quyền địa phương, đến nay có hộ đã vươn lên thoát nghèo, nhưng có hộ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có hộ vì quá thương xót khi con bị chết do TNLĐ mà bố mẹ suy sụp tinh thần dẫn đến bệnh tật và chết...

Câu chuyện đau lòng của những người bị TNLĐ là bài học sâu sắc để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và cả người lao động cẩn trọng hơn, nâng cao ý thức phòng ngừa, bảo đảm an toàn trong lao động vì miếng cơm manh áo, vì sinh mệnh của người lao động.

Nhóm PV Phòng VH-XH

Bài 2: Đi tìm nguyên nhân và câu chuyện giải pháp.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]