(Baothanhhoa.vn) - Đánh giá của ngành chức năng về việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm công tác này, song vẫn còn không ít doanh nghiệp lơ là, chưa quan tâm đúng mức vấn đề an toàn cho người lao động (NLĐ) trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - còn đó những nỗi lo!: Đi tìm nguyên nhân và câu chuyện giải pháp

Đánh giá của ngành chức năng về việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm công tác này, song vẫn còn không ít doanh nghiệp lơ là, chưa quan tâm đúng mức vấn đề an toàn cho người lao động (NLĐ) trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - còn đó những nỗi lo!: Đi tìm nguyên nhân và câu chuyện giải phápXưởng sản xuất đá mỹ nghệ Đại Hảo ở xã Minh Tân (Vĩnh Lộc). Ảnh: P.V

Tin liên quan:
  • Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - còn đó những nỗi lo!: Đi tìm nguyên nhân và câu chuyện giải pháp
    Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - còn đó những nỗi lo!: Nỗi đau từ các vụ ...

    Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Thế nhưng không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lại chưa thực sự chú trọng đến công tác này dẫn đến những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình và xã hội.

Xem nhẹ công tác an toàn lao động

Được đánh giá là một trong những đơn vị luôn quan tâm đến công tác bảo đảm ATVSLĐ trong sản xuất, kinh doanh, thế nhưng, mới đây, khi kiểm tra thực tế, đoàn thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát hiện nhiều nội dung liên quan đến việc bảo đảm ATVSLĐ chưa được Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hiền (Hà Trung) triển khai thực hiện. Cụ thể như công ty chưa thực hiện báo cáo định kỳ công tác ATVSLĐ hằng năm với cơ quan chức năng; chưa thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 19 lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội; chưa thực hiện thống kê số lao động làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm, nội quy, quy trình làm việc bảo đảm ATVSLĐ đối với máy, thiết bị tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 15 Luật ATVSLĐ...

Tại Cụm công nghiệp khai thác, chế tác đá mỹ nghệ xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), những cỗ máy cắt đá, mài đá chạy hết tốc lực, bụi đá, dăm đá cũng theo đó bắn ra ngoài nhưng một số công nhân ở xưởng sản xuất đá mỹ nghệ Đại Hảo vẫn vô tư làm việc không găng tay, không khẩu trang... Điều đáng nói, không chỉ NLĐ chủ quan mà ngay cả chủ sử dụng lao động cũng rất lơ mơ trong vấn đề bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho công nhân. Anh Trần Văn Đại, chủ xưởng sản xuất đá mỹ nghệ Đại Hảo, cho biết: Chúng tôi đều trang bị các phương tiện bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, mũ bảo hộ... tuy nhiên, một số công đoạn công nhân không quen sử dụng những vật dụng trên nên họ đã bỏ qua phương tiện bảo hộ... Cũng tại cụm công nghiệp này phóng viên đã liên hệ tìm hiểu về quy trình sản xuất, việc khai thác mỏ của Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh, nhưng không hiểu vì lý do gì đại diện công ty đã từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm ATVSLĐ của công ty.

Theo ông Đỗ Văn Mười, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Nhằm siết chặt công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm ATVSLĐ, hằng năm Thanh tra sở đều tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, giám sát cho thấy, các doanh nghiệp cơ bản triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp nhỏ việc thực hiện Luật Lao động vẫn còn nhiều sai phạm. Thậm chí có những doanh nghiệp chưa nắm rõ Luật Lao động và chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ như: chưa thống kê số lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; chưa xây dựng, đăng ký nội quy lao động theo quy định; kế hoạch ATVSLĐ hằng năm; không có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo dõi công tác ATVSLĐ; cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Nhiều doanh nghiệp không thành lập mạng lưới ATVSLĐ và phân định chế độ trách nhiệm cho các bộ phận chuyên môn và người quản lý về công tác ATVSLĐ; không tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ cho NLĐ, chưa chú trọng cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ...

Cũng theo ông Mười, hiện nay, việc khai báo, điều tra, thống kê tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng ở một số doanh nghiệp còn hạn chế. Chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về ATVSLĐ chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều doanh nghiệp xem nhẹ công tác ATLĐ, coi thường tính mạng của NLĐ. Trong khi đó, công tác hậu thanh tra, xử lý chưa phát huy tác dụng cao, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào việc khắc phục hậu quả sau mỗi đợt kiểm tra hoặc có khuyến cáo của cơ quan chức năng... Đây chính là những nguyên nhân, kẽ hở dẫn đến mất an toàn trong lao động và những vụ TNLĐ thương tâm.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

TNLĐ gây ra nhiều mất mát không thể bù đắp với NLĐ, cùng với đó doanh nghiệp hay người sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Đã từ lâu, khi nói đến ATVSLĐ, các biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các quy định về ATVSLĐ của doanh nghiệp, NLĐ. Song bấy nhiêu là chưa đủ khi TNLĐ vẫn thường xuyên xảy ra. Vì vậy, tại thời điểm này, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của ngành chức năng, sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp cho công tác bảo đảm ATVSLĐ được xem là giải pháp then chốt.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có gần 100 người bị TNLĐ được hưởng trợ cấp một lần hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng. Ông Lê Bá Toàn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết: Con số này chưa phản ánh đầy đủ số người bị TNLĐ trong mỗi năm. Bởi thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng hoặc không tham gia đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Hơn nữa số lao động tự do trên địa bàn tỉnh khá nhiều nhưng họ cũng chưa được tư vấn để tham gia đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Chỉ đến khi không may bị TNLĐ mới thấy giá trị của việc đóng bảo hiểm thì đã muộn. Vì vậy, một mặt các địa phương cần tuyên tuyên rộng rãi để doanh nghiệp và NLĐ nâng cao ý thức chấp hành Luật Lao động, đặc biệt là vấn đề ATVSLĐ; mặt khác các doanh nghiệp cần quan tâm tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ nhằm bảo đảm quyền, lợi ích cho NLĐ.

Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ TNLÐ xảy ra trên địa bàn tỉnh đều do chủ đầu tư và NLĐ chưa tuân thủ nghiêm các quy định về ATLĐ. Doanh nghiệp để xảy ra TNLÐ thường vi phạm “ba không”, đó là không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn khi làm việc; không huấn luyện hoặc huấn luyện ATLÐ chưa đầy đủ cho NLĐ; không có thiết bị bảo đảm ATLĐ. Còn với khu vực lao động tự do, khâu bảo đảm ATVSLÐ thường bị bỏ qua, nhất là tại các công trình xây dựng. Mặt khác, không ít sai sót trong công tác bảo đảm ATLĐ đã bị bưng bít, che đậy khiến TNLÐ trong thời gian qua không thuyên giảm.

Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để ngăn ngừa tình trạng TNLĐ cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó cần tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về ATVSLĐ để NLĐ, doanh nghiệp nắm bắt và tự phòng, chống. Các cấp, các ngành chức năng cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong công tác này. Qua công tác thanh tra, kiểm tra vừa siết chặt quản lý, xử lý sai phạm, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động. Hướng dẫn họ thực hiện các giải pháp bảo đảm ATLĐ cho NLĐ một cách hiệu quả nhất, trong đó, đặc biệt chú trọng tới vấn đề cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, việc sử dụng, khai báo, đăng ký, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong sản xuất, kinh doanh; vấn đề chăm sóc sức khỏe NLĐ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ... Ngoài ra, phải có cơ chế răn đe, xử phạt nghiêm các trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Trên thực tế đã có những vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người nhưng chưa có chủ sử dụng lao động nào bị xử lý hình sự...

Cùng với những giải pháp trên để giảm thiểu TNLĐ, nhiều người cho rằng, các doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, thông báo cho NLĐ về những quy định, biện pháp làm việc an toàn trong mọi điều kiện; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật bảo hộ lao động. Ưu tiên và coi trọng biện pháp phòng ngừa, bảo đảm công tác ATVSLĐ gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Về lâu dài, cần khắc phục tình trạng buông lỏng khâu thẩm định phương án bảo đảm an toàn trong hồ sơ cấp phép sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; xem xét, bổ sung và hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn đối với các doanh nghiệp đã cấp phép và đang hoạt động, nhất là những ngành nghề có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao; chấn chỉnh công tác tuyển dụng nhân sự, yêu cầu NLĐ được tuyển phải có nghề, được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn công tác ATVSLĐ. Đồng thời NLĐ cũng phải nâng cao ý thức, tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ, tích cực tuyên truyền người thân, đồng nghiệp cùng thực hiện tốt công tác này. Có như vậy mới bảo đảm được môi trường lao động an toàn, hiệu quả và vấn đề TNLĐ không còn là nỗi lo của NLĐ, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Nhóm PV Phòng VH-XH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]