(Baothanhhoa.vn) - “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội”. Đó là nội dung phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022. Sau một nhiệm kỳ hoạt động, cùng với phụ nữ cả nước, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bám sát ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư để đưa phong trào, hoạt động hội ngày càng hướng đến sự hài lòng của hội viên. Tổ chức hội ngày càng phát triển vững mạnh được thể hiện qua các chương trình, hoạt động lớn để lại dấu ấn sâu sắc.

Phụ nữ Thanh Hóa khát vọng vươn lên và hội nhập

Bài 1: Lấy hạnh phúc, lợi ích, sự hài lòng của phụ nữ làm hiệu quả hoạt động

“Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội”. Đó là nội dung phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022. Sau một nhiệm kỳ hoạt động, cùng với phụ nữ cả nước, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bám sát ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư để đưa phong trào, hoạt động hội ngày càng hướng đến sự hài lòng của hội viên. Tổ chức hội ngày càng phát triển vững mạnh được thể hiện qua các chương trình, hoạt động lớn để lại dấu ấn sâu sắc.

Bài 1: Lấy hạnh phúc, lợi ích, sự hài lòng của phụ nữ làm hiệu quả hoạt độngCác thành viên tổ hợp tác sản xuất rau an toàn do phụ nữ làm chủ xã Hoằng Thành (Hoằng Hóa) giúp nhau sản xuất. Ảnh: Lê Hà

Tin vào tổ chức hội

Những tưởng phải xa xứ lập nghiệp vì đã kết hôn vài năm nhưng cuộc sống của vợ chồng chị Lang Thị Ngọ, thôn Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) vẫn thuộc hộ cận nghèo. Chăm chỉ, cần mẫn lao động từng ngày cũng chỉ đủ ăn. Chồng chị Ngọ muốn theo bạn đi làm ăn xa nhưng kẹt nỗi thương vợ trẻ, con thơ, bố mẹ già. Thấu cảm hoàn cảnh gia đình chị Ngọ, năm 2019, tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái đen bản địa sinh sản do phụ nữ làm chủ của thôn Vịn đã trao 1 con lợn nái từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để vợ chồng chị làm vốn sản xuất. Sẵn có thêm vài con lợn và bò của gia đình bố mẹ chồng, vợ chồng chị Ngọ thay nhau chăm sóc và liên kết cùng với nhiều hộ trong thôn chăn nuôi trên đồi làm chuồng, trồng sắn, trồng cỏ vừa để mở rộng sản xuất tăng thu nhập, vừa giữ vệ sinh môi trường trong thôn.

Đến “gia trại” của các hộ thôn Vịn đúng phiên gia đình chị Ngọ trông nom. Thấy chúng tôi đến, chị Ngọ vui vẻ trò chuyện rất thân thiết, gần gũi. “Lợn nái của gia đình đã sinh sản, tôi mua thêm vài con nhân đàn. Giá thị trường, lợn nái đen giống và thịt đều có giá trị cao gấp 2 đến 3 lần lợn trắng. Vợ chồng tôi đã có thêm cơ hội để tăng gia sản xuất tại nhà mà không phải đi làm ăn xa. Tôi rất biết ơn tổ chức hội đã trao cho tôi chiếc cần câu để gia đình câu con cá”.

Thay vì trông chờ vào mấy sào trồng cói, nhiều năm nay, hội viên phụ nữ xã Nga Hải (Nga Sơn) tất bật, nhộn nhịp với nghề đan tiểu thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Hơn 300 hộ có việc làm ổn định từ nghề này với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng trở lên không hề khó. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng các hộ vẫn có nguyên liệu làm việc tại nhà những lúc nông nhàn, tăng thêm nguồn thu, góp phần xây dựng các xã vệ tinh vùng nguyên liệu và khôi phục nghề trồng cói truyền thống của huyện. Chị Mai Thị San, chủ tịch hội LHPN xã cho chúng tôi biết: “Tổ chức hội có nhiều hội viên cao tuổi nhưng vẫn muốn tham gia sinh hoạt hội. Các bà, các mẹ xem đây là mái ấm thứ hai của mình vì tìm thấy được niềm vui, hạnh phúc, sự sẻ chia, giúp đỡ nhau về vốn, việc làm, kiến thức xây dựng các mối quan hệ hài hòa trong gia đình, hàng xóm”.

Chiếm hơn 50% dân số và lực lượng lao động trong xã hội, hội viên, phụ nữ các dân tộc tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn do định kiến về giới, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại một số nơi, chênh lệch mức sống, điều kiện sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất ở các vùng, miền làm ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ... Những hạn chế đó đã dần được tháo gỡ khi vai trò hoạt động của tổ chức hội ngày càng được khẳng định và làm tốt hơn chức năng đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ, tạo được niềm tin cho hội viên vào tổ chức hội, vào Đảng, chính quyền các cấp. Kết quả đó tỷ lệ thuận với hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.

Đánh giá những chuyển biến từ phong trào hoạt động hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đồng chí Lương Thị Lư, Bí thư Đảng ủy xã Bát Mọt (Thường Xuân) cho chúng tôi biết: “Nhiều gia đình hội viên, phụ nữ đang từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt nhằm tăng giá trị thu nhập. Các hộ dân đoàn kết và biết cùng nhau vượt khó, trong đó, hội viên, phụ nữ luôn là lực lượng đi đầu trong sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới qua các phong trào, cuộc vận động, các công trình phần việc. Đặc biệt, những năm gần đây, được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nên tư tưởng của hội viên, phụ nữ cũng như người dân xã Bát Mọt có nhiều chuyển biến tích cực, không tự ti nghèo khó mà cùng nhau xây dựng đạt thôn nông thôn mới (NTM), xã NTM ở vùng giáp biên”.

Theo khảo sát, đánh giá của hội LHPN các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp hội đã giúp hơn 15.000 hộ phụ nữ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3,27%; vận động trên 150 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội, tham gia phòng, chống dịch COVID-19; xây, sửa 685 “Mái ấm tình thương”...

Khơi nguồn phụ nữ khởi nghiệp

Hơn 10.843 hội viên, phụ nữ được giúp đỡ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, vượt 10.343 chị so với kế hoạch là thành quả nổi bật vượt trội ở nhiệm kỳ này. Tự tin với những ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của mình, liên tục các năm gần đây, hội viên, phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều giải thưởng cao tham gia các cuộc thi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Tiêu biểu năm 2021, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa vinh dự có 6 cá nhân là cán bộ, hội viên, phụ nữ vượt qua 368 dự án tham gia thi khởi nghiệp của 10 tỉnh, thành phố đoạt giải Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, gồm 2 giải nhất, 2 giải nhì và 2 giải ba với mô hình kinh doanh tại gia phổ biến ở nông thôn; 3 cá nhân đoạt giải Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc” năm 2021 trên tổng số 24 dự án/ý tưởng xuất sắc, tiêu biểu nhất đoạt giải; 1 cá nhân được tặng giải thưởng Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu.

Các hoạt động giúp đỡ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong nhiệm kỳ 2016-2021 của tổ chức hội được thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động nhiều nguồn lực thông qua thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, đề án, kế hoạch...; mở rộng tính kết nối các chương trình, mô hình phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần thực hiện có hiệu quả khâu đột phá “Tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2022”. Các mô hình khởi nghiệp được gắn kết với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020; Chương trình xây dựng NTM; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các phong trào, cuộc vận động của hội, như: Phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”,... Qua đó, tổ chức hội đã hỗ trợ xây dựng 153 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ, trong đó thành lập mới 62 HTX (vượt chỉ tiêu 42 HTX). Hiệp hội Doanh nhân nữ và 14 câu lạc bộ nữ doanh nhân có nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ phụ nữ thực hiện ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội... Những kết quả đạt được đã thể hiện khát vọng vươn lên của phụ nữ tỉnh Thanh trong thời đại mới, góp phần thực hiện bình đẳng giới.

Tinh thần đoàn kết

Có thể nói, nhiệm kỳ 2016-2021, tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng cùng với phụ nữ cả nước, mỗi phong trào, hoạt động của hội phụ nữ các cấp tỉnh Thanh Hóa đều để lại dấu ấn riêng, nổi bật. Hoạt động ngày càng đi vào thực chất, lan tỏa sâu rộng, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp hội viên, phụ nữ các dân tộc, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó có tinh thần đoàn kết chống dịch COVID-19, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”; chung sức xây dựng NTM; thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với các cuộc vận động, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Với thông điệp “Cho đi là nhận lại” tổ chức hội LHPN các cấp trong tỉnh đã lan tỏa, truyền cảm hứng yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc” trong đại dịch COVID-19 và chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, các cấp hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, huy động tổng nguồn lực vật chất và tinh thần chống dịch đạt gần 35 tỷ đồng và được sử dụng công khai, minh bạch, kịp thời. Trong đó, có hưởng ứng Tuần lễ “Hướng về thành phố mang tên Bác” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phát động; chương trình “Triệu phần quà, san sẻ yêu thương” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam... Các đợt vận động đều diễn ra nhanh chóng, sôi nổi với tinh thần “ai có gì cho nấy”, cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ công chức, viên chức, lao động trong toàn tỉnh tích cực tham gia vận động, quyên góp và trực các chốt kiểm soát dịch cộng đồng đã tạo thêm sức mạnh cộng đồng vượt qua khó khăn...

Song song với công tác phòng chống dịch bệnh, hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng NTM, đô thị văn minh tiếp tục được triển khai đồng bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM tại các địa phương. Tổ chức hội đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với đảm nhiệm tiêu chí môi trường và thu nhập xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các địa phương. 100% cơ sở hội đăng ký thực hiện có hiệu quả 3.458 hoạt động/phần việc tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh. Bằng cách làm của mình, hội đã xây dựng được nhiều phong trào, mô hình đặc trưng riêng của hội, như: “Mái ấm tình thương”, “Nhà sạch vườn mẫu”, “Nhà sạch vườn đẹp”; “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”... Qua đó đã có thêm 147.761 gia đình đạt 8 tiêu chí cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch (vượt chỉ tiêu) nâng tổng số hộ đạt 8 tiêu chí lên 580.401 hộ, góp phần thiết thực xây dựng NTM, đô thị văn minh. Toàn tỉnh có 8 huyện, 332 xã, 890 thôn, bản đạt chuẩn NTM; hỗ trợ 34 hội viên xây dựng thành công sản phẩm OCOP...

Chăm lo phụ nữ, hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu hướng tới của các chương trình, hoạt động hội ngày càng có chiều sâu. Qua đó giúp các chị làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua các phong trào thi đua, hoạt động công tác hội đã có 35.600 điển hình được biểu dương, 100% cơ sở hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (vượt chỉ tiêu).

Lê Hà

Bài 2: Nghe hội viên nói, nói hội viên hiểu, làm hội viên tin.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]