(Baothanhhoa.vn) - Hoạt động kết nghĩa giữa các bản giáp biên của hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn (Lào) góp phần giữ vững vùng biên bình yên và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Ấm tình những cụm bản kết nghĩa nơi biên giới

Hoạt động kết nghĩa giữa các bản giáp biên của hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn (Lào) góp phần giữ vững vùng biên bình yên và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Ấm tình những cụm bản kết nghĩa nơi biên giới

Phóng viên Báo Thanh Hóa cùng cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu, lãnh đạo xã Mường Chanh (Mường Lát) đến thăm bà con bản Bó, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). (Ảnh: Tiến Đông)

Từ bản Bó, Mường Cáng đến bản Lơi, Mường Pún

Nhân dịp huyện Mường Lát tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác với huyện Viêng Xay, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) giai đoạn 2022 - 2024, chúng tôi có dịp đến thăm bản Bó, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay. Đây là bản kết nghĩa với bản Na Hin của xã Mường Chanh, huyện Mường Lát được triển khai theo mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn.

Ấm tình những cụm bản kết nghĩa nơi biên giới

Trạm Kiểm soát liên hợp bản Bó, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay là nơi kiểm soát hoạt động qua lại, giao thương của Nhân dân các bản giáp biên với xã Mường Chanh, huyện Mường Lát.

Con đường từ xã Mường Chanh đến bản Bó vẫn còn nhiều khó khăn, qua Trạm Kiểm soát liên hợp và Trung đội Biên phòng bản Bó, chúng tôi đặt chân đến trung tâm bản. Đang vào mùa măng rừng nên hầu hết các gia đình ở đây đều tranh thủ hái măng, thái măng và phơi trước nhà.

Ấm tình những cụm bản kết nghĩa nơi biên giới

Người dân bản Bó thu hoạch và sơ chế măng rừng.

Được Đại úy Vũ Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cang hỗ trợ phiên dịch, chúng tôi gặp bác Sẻng Phon, Trưởng bản Bó, cụm Mường Cáng. Bác cho biết: Bản Bó có 30 hộ, 286 khẩu, đa số là hộ nghèo. Người dân chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi trâu bò. Khó khăn lớn nhất hiện nay của bản là đường giao thông, bản Bó cách trung tâm cụm Mường Cáng 12 km, cách trung tâm huyện Viêng Xay 32 km. Học sinh cấp 1 học tại bản, còn cấp 2 và cấp 3 phải đi học ở trung tâm cụm Mường Cáng và cụm Na Khào. Lâu nay, các hoạt động giao thương buôn bán, khám chữa bệnh của người dân bản Bó đều phải qua huyện Mường Lát (Thanh Hóa) bằng lối mở Cang. Tuy nhiên, hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lối mở chưa hoạt động trở lại nên bà con gặp khó khăn trong khám bệnh, buôn bán, thăm thân.

Ấm tình những cụm bản kết nghĩa nơi biên giới

Cán bộ xã Mường Chanh, Đồn Biên phòng Quang Chiểu cùng ban quản lý bản Bó đến thăm công trình nhà văn hóa và phòng học do tỉnh Thanh Hóa trao tặng.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản, Trưởng bản Sẻng Phon giới thiệu nhà làm việc của Công an cụm Mường Cáng tại bản Bó. Đây là 1 trong 32 công trình được Công an tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn xây dựng theo kế hoạch của Bộ Công an về triển khai chủ trương giúp Nước CHDCND Lào xây dựng trụ sở làm việc cho Công an Lào tại các bản, cụm bản giáp biên với Việt Nam.

Tại bản Bó còn có công trình nhà văn hóa và 2 phòng học do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khởi công xây dựng năm 2015. Khánh thành và đi vào sử dụng từ năm 2016, công trình đã giúp bà con bản Bó có nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cũng là nơi học tập của các em học sinh tiểu học.

Bác Sẻng Phon, trưởng bản Bó cho biết: Thực hiện chương trình kết nghĩa các bản giáp biên giữa hai nước, bản Bó, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay kết nghĩa với bản Na Hin, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát. Bà con hai bên thường xuyên qua lại giao lưu, thăm thân vào dịp lễ, tết; cùng nhau chung tay bảo vệ biên giới; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quy chế khu vực biên giới Việt – Lào. Bà con bản Bó mong lối mở Cang sớm hoạt động trở lại để người dân hai bên có điều kiện đi lại giao thương, thăm thân thuận lợi hơn.

Ấm tình những cụm bản kết nghĩa nơi biên giới

Một góc bản Bó, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay (Lào).

Đồng chí Lương Hồng Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Chanh (Mường Lát) cho biết: Xã Mường Chanh có 9/9 bản giáp biên, trong đó có 3 bản kết nghĩa với các bản giáp biên huyện Viêng Xay gồm: Piềng Khạy – Chai; Che Phai – Lách; Na Hin – Pó. Việc kết nghĩa các bản góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quy chế khu vực biên giới Việt – Lào, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Thông qua hoạt động kết nghĩa các cụm bản, giúp cho các mối quan hệ dân tộc, thân tộc vốn có từ lâu đời giữa Nhân dân hai bên biên giới ngày càng được củng cố và tăng cường.

“Để mô hình kết nghĩa bản – bản ngày càng được nhân rộng, trong thời gian tới, chính quyền địa phương hai bên tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với những hình thức, nội dung thiết thực, phong phú, nhằm tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân hai bên, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới”, đồng chí Lương Hồng Nguyên cho biết.

Ấm tình những cụm bản kết nghĩa nơi biên giới

Phóng viên Báo Thanh Hóa cùng đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đến thăm bà con bản Lơi, cụm Mường Pún, huyện Viêng Xay. (Ảnh: Nguyễn Mai)

Trong chuyến công tác tại tỉnh Hủa Phăn, chúng tôi còn có dịp đến thăm bà con bản Lơi, cụm Mường Pún, huyện Viêng Xay. Đây là bản tiếp giáp Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo – Nậm Xôi và là bản kết nghĩa với bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Những cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo nhiệt tình đã giúp chúng tôi kết nối, làm việc với ban quản lý bản.

Bản Lơi nằm trên trục đường từ Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo – Nậm Xôi đi huyện Viêng Xay, thị xã Sầm Nưa (Hủa Phăn), tạo ấn tượng bởi những nếp nhà xinh xắn, những thửa ruộng bậc thang đương thì con gái và những dãy núi nối tiếp trùng điệp.

Ông Sỏn Mạ Ny Lợi Bủa My Xay, trưởng bản kiêm bí thư chi bộ bản Lơi thông tin khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của bà con Nhân dân bản Lơi để chúng tôi nắm được. Người dân bản Lơi chủ yếu làm nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi. Những năm qua, bà con bản Lơi được Bộ đội Biên phòng, Nhân dân bản biên giới của huyện Quan Sơn hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; giúp đỡ các cháu học sinh ở bản theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hai bên cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, văn nghệ, mời nhau sang chơi trong những dịp lễ tết, ngày quan trọng của hai bản và cùng chung sức bảo vệ biên cương, giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới.

Cùng nhau xây đắp tình hữu nghị truyền thống

Thanh Hóa - Hủa Phăn có chung đường biên giới dài 213 km, có 15 xã thuộc 5 huyện biên giới tỉnh Thanh Hóa tiếp giáp với 33 bản, thuộc 10 cụm của 3 huyện, tỉnh Hủa Phăn. Trong những năm qua, phát huy truyền thống quý báu của hai nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã kề vai, sát cánh đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và bền vững lâu dài, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.

Ấm tình những cụm bản kết nghĩa nơi biên giới

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo trao đổi thông tin, trò chuyện cùng ban quản lý bản Lơi, cụm Mường Pún, huyện Viêng Xay.

Nhằm thắt chặt tình hữu nghị thủy chung “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, lãnh đạo 2 tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn, các địa phương kết nghĩa của hai tỉnh duy trì định kỳ mỗi năm gặp gỡ một lần, nhằm đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác trong thời gian qua, thống nhất ký kết nội dung hợp tác cho những năm tiếp theo.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh giữa hai tỉnh, các huyện giáp biên tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn cũng thống nhất chủ trương và xây dựng kế hoạch thực hiện việc kết nghĩa giữa các cặp huyện hai bên biên giới, các cặp bản khu vực biên giới, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, phù hợp với hiệp định, quy chế biên giới mà hai nước, hai tỉnh đã ký kết.

Từ năm 2014, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn triển khai mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới tại các cặp bản ở xã Na Mèo, huyện Quan Sơn và bản Lơi, cụm Mường Pún, huyện Viêng Xay; cặp bản Hin, xã Mường Chanh (Mường Lát) và bản Bó, cụm Mường Cáng (Viêng Xay); cặp bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn (Mường Lát) và bản Khằm Nàng, cụm Nặm Ngà (Viêng Xay)… Đến nay, Bộ đội Biên phòng hai tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện miền núi tổ chức kết nghĩa thêm các cặp bản dọc biên giới hai tỉnh, nâng tổng số các địa phương kết nghĩa trên tuyến biên giới Thanh Hóa – Hủa Phăn lên 17 cặp bản, cụm bản.

Có thể khẳng định, thông qua hoạt động kết nghĩa, Nhân dân hai bên biên giới ngày càng thể hiện được ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]