(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 1 tháng ra mắt, mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” tại khu phố 7, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) đã và đang mang hơi ấm tình thương đến trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ấm áp mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”

Sau hơn 1 tháng ra mắt, mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” tại khu phố 7, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) đã và đang mang hơi ấm tình thương đến trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ấm áp mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”

Chị Lâm Thị Phúc, chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố 7, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và cháu Hoàng Thị Ánh Ngọc.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động từ cuối năm 2021, với thông điệp: “Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau. Hãy hành động vì một tương lai hạnh phúc, tươi sáng của các em". Với nhiều hoạt động thiết thực, nhân văn, chương trình nhanh chóng được các cấp hội LHPN trong tỉnh hưởng ứng với việc ra mắt các mô hình ở chi hội phụ nữ tại các thôn, bản, khu phố.

Tại khu phố 7, phường Đông Sơn, sau thời gian chuẩn bị, mô hình này đã được ra mắt ngày 13-8-2022, với sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trong khu phố. Tại buổi ra mắt, chi ủy chi bộ khu phố đã tổ chức trao phần quà trị giá 10 triệu đồng của đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho ban điều hành mô hình. Đồng thời, cán bộ, Nhân dân trong khu phố và các nhà hảo tâm đã ủng hộ mô hình 16 triệu đồng. Ban điều hành đã tổ chức trao quà cho các cháu thuộc diện đỡ đầu, mỗi cháu 500 nghìn đồng.

Mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” của chi hội phụ nữ khu phố 7 đang nhận đỡ đầu 13 trẻ em trong khu phố. Trong đó có 7 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, 2 trẻ khuyết tật và 4 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau khi ra mắt, ban điều hành mô hình đã phân công thành viên và hội viên phụ nữ thường xuyên đến nhà các cháu giúp đỡ gia đình khi cần. Điển hình như: Chi hội trưởng chi hội phụ nữ Lâm Thị Phúc đã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cháu Hoàng Thị Ánh Ngọc (sinh năm 2018). Hoàn cảnh gia đình cháu Ngọc khá éo le, bố bị cụt tay, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Những lần bố đưa mẹ ra Hà Nội chữa bệnh, Ngọc ở nhà với ông bà ngoại, chị Phúc cùng nhiều hội viên phụ nữ trong khu phố thường xuyên đến nhà giúp đỡ, sẻ chia, lúc thì cho gạo, lúc cho tiền, cho đồ chơi, khi thì trực tiếp giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa giúp ông bà và cháu...

Biết tin cháu được các bác trong chi hội phụ nữ khu phố quan tâm giúp đỡ, chị Lê Thị Nguyệt - mẹ cháu Ngọc đã có thêm động lực, niềm tin chiến thắng bệnh tật. Chị sụt sùi: “Tôi không biết lấy gì đền đáp lại tấm lòng, tình cảm và công sức mà chị Phúc và chi hội phụ nữ khu phố đã giúp đỡ cháu Ngọc và gia đình tôi. Chỉ xin nói lời biết ơn rất nhiều”.

Mồ côi, khuyết tật, hay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 13 cháu được nhận đỡ đầu trong mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” của chi hội phụ nữ khu phố 7 đều rất thương tâm. Và tất cả các cháu đều được quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Như trường hợp của cháu Phạm Duy Minh (sinh năm 2015), mẹ bị bệnh hiểm nghèo, mất đã 7 năm, bố đi thêm bước nữa nên Minh phải ở với ông bà nội. Trong khi ông nội cháu đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn phải đi phụ hồ kiếm thêm tiền phụ giúp nuôi cháu ăn học. Nhận đỡ đầu, dù số tiền giúp đỡ, vật chất trao tặng không có nhiều, nhưng bằng những lời động viên, thăm hỏi, quan tâm từ đáy lòng đã giúp cháu có thêm hơi ấm tình thương, bù đắp phần nào nỗi thiếu vắng người mẹ trong đời.

Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhân dân trong khu phố và các nhà hảo tâm, chi hội phụ nữ khu phố 7 đã thực hiện tốt mô hình “Từ phế liệu đến triệu phần quà” lấy kinh phí trang trải cho “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”. Theo đó, chi hội đã đặt 7 thùng thu gom phế liệu trong khu phố, gồm vỏ chai nhựa, lon bia, bìa cát tông... đem bán. “Nhiều thì được khoảng 800 nghìn đồng, ít thì 500 nghìn đồng/tháng, nhưng đó là nguồn “cứng” để mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” được duy trì bền vững”, chị Lâm Thị Phúc, chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố 7 cho biết.

Bên cạnh đó, thông qua các trang mạng xã hội, như facebook, zalo... ban điều hành mô hình đã chia sẻ thông tin hoàn cảnh của các cháu, kết nối với các nhà hảo tâm trong và ngoài phường. Và hoạt động này nhanh chóng được lan tỏa, thu hút nhiều nhà hảo tâm tham gia đóng góp, chung tay chăm lo cho các cháu. Như mới đây, chị Vũ Thị Hoa Xuân là người con của khu phố 7 lấy chồng tại phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn) đã tự nguyện bỏ kinh phí và tổ chức Tết Trung thu cho toàn bộ trẻ em trong khu phố. Trong chương trình, chị Hoa Xuân đã trao quà cho 13 cháu thuộc diện đỡ đầu trong mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”, mỗi cháu một phần quà trị giá 200 nghìn đồng, gồm cả tiền mặt và đồ chơi.

Không có nguồn quỹ lớn, nhưng chi hội phụ nữ khu phố 7, phường Đông Sơn đã tổ chức được một chương trình có ý nghĩa thiết thực và rất đỗi nhân văn. Đó cũng là cách mà họ lan tỏa tình thương, đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành với trẻ em không may mắn, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các cháu.

Đến nay, các cấp hội LHPN thị xã Bỉm Sơn đã xây dựng được 23 mô hình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” ở các chi hội phụ nữ, với 54 trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu. Thông qua mô hình đã kết nối được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ các cháu, như Công ty TNHH Long Sơn (Nhà máy Xi măng Long Sơn) đã nhận đỡ đầu 5 trẻ mồ côi, với số tiền hỗ trợ là 700 nghìn đồng/tháng/cháu; thời gian hỗ trợ đến khi các cháu đủ 18 tuổi...

Bài và ảnh: Đồng Thành


Bài và ảnh: Đồng Thành

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]