(Baothanhhoa.vn) - Vừa qua, các cơ quan chức năng nhận được phản ánh của công dân xã Yên Lâm (Yên Định) về việc UBND xã Yên Lâm thực hiện việc áp giá giải phóng mặt bằng(GPMB) chưa đúng quy định đối với một số doanh nghiệp khi thuê đất đầu tư dự án khai thác đá tại xã Yên Lâm và một số nội dung liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trồng rừng cho bà Phạm Thị Sự (vợ ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm). Phóng viên Báo Thanh Hóa đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định và các doanh nghiệp có liên quan để làm rõ vấn đề theo phản ánh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về một số nội dung phản ánh của công dân đối với Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định

Vừa qua, các cơ quan chức năng nhận được phản ánh của công dân xã Yên Lâm (Yên Định) về việc UBND xã Yên Lâm thực hiện việc áp giá giải phóng mặt bằng(GPMB) chưa đúng quy định đối với một số doanh nghiệp khi thuê đất đầu tư dự án khai thác đá tại xã Yên Lâm và một số nội dung liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trồng rừng cho bà Phạm Thị Sự (vợ ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm). Phóng viên Báo Thanh Hóa đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định và các doanh nghiệp có liên quan để làm rõ vấn đề theo phản ánh.

Về một số nội dung phản ánh của công dân đối với Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định

Mỏ khai thác đá trên địa bàn xã Yên Lâm.

Phản ánh của công dân cho rằng, các doanh nghiệp được áp giá GPMB không đúng quy định là Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) xăng dầu Thanh Túy, Công ty TNHHXDTM Lộc Phúc, DNTN xây dựng thương mại sản xuất Hoàng Minh.

Trong thời gian làm việc tại xã Yên Lâm, chúng tôi đã gặp trực tiếp Giám đốc của Công ty TNHH XDTM Lộc Phúc và Giám đốc DNTN xăng dầu Thanh Túy. Bà Trịnh Thị Định, Giám đốc Công ty TNHHXDTM Lộc Phúc cho biết: Năm 2015, gia đình bà có nhu cầu thuê đất tại vị trí mỏ của Công ty Thanh Sơn, tại núi Lũ Mía, thôn Phúc Trí, xã Yên Lâm để làm nhà xưởng sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng với tổng diện tích 14.474m2. Thời điểm đố, gia đình bà thống nhất thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ GPMB với đơn giá 90.000 đồng/1m2, tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng. Số tiền trên, là do gia đình tự nguyện, không bị cơ quan hay cá nhân nào ép buộc. Còn bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc DNTN Xăng dầu Thanh Túy cũng khẳng định: Các khoản tiền doanh nghiệp nộp để GPMB cho UBND xã cao hơn giá quy định Nhà nước là do doanh nghiệp tự nguyện ủng hộ để địa phương có thêm kinh phí xây dựng nông thôn mới. Doanh nghiệp không có đơn tố cáo, cũng không nhờ ai viết đơn và tố cáo thay. Vì vậy, việc người dân phản ánh doanh nghiệp bị bức xúc vì vấn đề này là không có cơ sở.

Về một số nội dung phản ánh của công dân đối với Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định

Cơ sở chế biến đá của Công ty TNHH XDTM Lộc Phúc.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, DNTN xăng dầu Thanh Túy được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư dự án Nhà xưởng sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định theo Quyết định số 5146/QĐ-UBND ngày 8-12-2015, với diện tích 22.925 m2. Ngày 31-12-2015, doanh nghiệp thống nhất thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ GPMB vị trí được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, diện tích 25.596m2 với mức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 90.000 đồng/m2 cho UBND xã Yên Lâm, tổng số tiền là 2.303.640.000 đồng. Còn Công ty TNHH XDTM Lộc Phúc được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xưởng sản xuất, chế biến đá tại xã Yên Lâm theo Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 30-5-2016, với diện tích khoảng 14,474 m2. Ngày 31-12-2015, Công ty đã thống nhất thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ GPMB với đơn giá 90.000 đồng/m2, tổng số tiền là 1.302.660.000 đồng cho UBND xã Yên Lâm. Công ty đã nộp tiền vào ngân sách xã Yên Lâm. DNTN xây dựng thương mại sản xuất Hoàng Minh thì được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng xưởng sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng tại xã Yên Lâm theo Quyết định số 3881/QĐ-UBND ngày 5-10-2015, với diện tích khoảng 18.277,6 m2. Doanh nghiệp đã phối hợp với UBND xã Yên Lâm để tiến hành các bước GPMB. Doanh nghiệp đã chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng theo phương án GPMB được UBND huyện Yên Định phê duyệt là 899.355.000 đồng. Ngày 22-8-2017, doanh nghiệp đã ủng hộ ngân sách xã Yên Lâm để xây dựng hạ tầng với số tiền 100.000.000 đồng.

Từ phản ánh của công dân, thời gian vừa qua, UBND huyện Yên Định đã làm việc với các doanh nghiệp, UBND xã Yên Lâm và Chủ tịch UBND xã Yên Lâm để làm rõ vấn đề trên. Kết quả làm việc cho thấy: Các doanh nghiệp có sự thống nhất thỏa thuận bồi thường GPMB với UBND xã Yên Lâm, điều này được thể hiện trong biên bản xác nhận. Các doanh nghiệp đã thực hiện việc nộp tiền hỗ trợ, bồi thường GPMB cho UBND xã Yên Lâm theo thỏa thuận này. Ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã đã giải trình việc các doanh nghiệp nộp tiền GPMB cao hơn giá quy định của Nhà nước là do các doanh nghiệp tự nguyện ủng hộ thêm để tạo điều kiện cho địa phương có nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. UBND xã Yên Lâm đã thực hiện việc thu tiền hỗ trợ GPMB và đã nộp vào Kho bạc Nhà nước huyện Yên Định theo quy định. UBND xã Yên Lâm đã phối hợp với 3 doanh nghiệp thực hiện việc GPMB, bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và sản xuất có hiệu quả. Kết quả kiểm tra hồ sơ cho thấy UBND xã Yên Lâm đã thực hiện thu tiền của 3 doanh nghiệp nói trên và nộp vào Kho bạc Nhà nước huyện Yên Định theo quy định.

Để khẳng định có hay không có vi phạm trong việc thu tiền hỗ trợ GPMB của các doanh nghiệp trên, ngày 28-4-2020 UBND huyện Yên Định đã ban hành Kết luận số 01/KL-UBND. Theo đó, căn cứ vào Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 3162/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì việc UBND xã Yên Lâm thu tiền hỗ trợ GPMB đất công ích của xã đối với 3 doanh nghiệp trên là đảm bảo đúng theo quy định. Bởi theo Điều 24, Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ “Trường hợp thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã thì được hỗ trợ, mức hỗ trợ cao nhất có thể bằng mức bồi thường. Mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh quy định…”. Tại Điều 16, Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định “Trường hợp thu hồi đất công ích của xã thì được hỗ trợ bằng 70% mức bồi thường theo loại đất thu hồi…”.

Kết luận 01 của UBND huyện Yên Định cũng khẳng định việc hỗ trợ kinh phí cho xã Yên Lâm để xây dựng nông thôn mới là do các doanh nghiệp tự nguyện, không có việc Chủ tịch UBND xã Yên Lâm tự ý áp giá. Vì vậy, nội dung phản ánh ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm đã tự ý áp giá GPMB đối với các doanh nghiệp khi thuê đất đầu tư dự án khai thác đá tại xã Yên Lâm là không có cơ sở. Tuy nhiên, do UBND xã Yên Lâm thu tiền GPMB và tiền hỗ trợ nhưng không tách biệt rõ 2 khoản thu này nên dẫn đến có sự hiểu nhầm là thu tiền hỗ trợ cao hơn quy định. UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Yên Lâm trong quá trình thực hiện các khoản thu nộp vào ngân sách xã phải tách rõ từng nội dung thu.

Về một số nội dung phản ánh của công dân đối với Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định

Khu đất đang trồng cây lâm nghiệp của hộ bà Phạm Thị Sự.

Liên quan đến nội dung phản ánh về việc cấp GCNQSDĐ trồng rừng năm 2010 cho hộ bà Phạm Thị Sự ( Vợ ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm), Thanh tra UBND huyện Yên Định đã có Báo cáo số 32 ngày 19-12-2018 về việc xác minh nguồn gốc đất, thời gian sử dụng đất và chênh lệch diện tích đất trong việc cấp GCNQSDĐ trồng rừng sản xuất năm 2010 cho hộ bà Phạm Thị Sự. Theo đó, việc UBND xã Yên Lâm và UBND huyện Yên Định xác định nguồn gốc đất do gia đình hộ bà Phạm Thị Sự khai hoang trồng rừng từ năm 1989 là đúng thực tế. Thực tế này được thể hiện rõ trong Biên bản họp Hội đồng xác định nguồn gốc sử dụng đất của hộ nhân dân ngày 4-11-2010, có sự tham dự và phát biểu ý kiến của ông Phạm Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Lâm giai đoạn 1987 - 1994, ông Lê Văn Khanh, nguyên cán bộ quản lý ruộng đất xã Yên Lâm giai đoạn 1989 - 1995. Đến năm 1992, thì gia đình hộ bà Phạm Thị Sự ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng với Nông trường Thống Nhất. Đến thời điểm năm 2010, trước khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi, đất vẫn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất và người đang sử dụng để trồng cây lâm nghiệp vẫn là hộ bà Phạm Thị Sự.

Ngày 1-12-2010, UBND huyện Yên Định đã ban hành Quyết định số 1945/QĐ-UBND và cấp GCNQSDĐ số BD 960343 cho hộ bà Sự với diện tích 30.884 m2, loại đất lâm nghiệp, thời hạn sử dụng 50 năm (từ năm 1989 đến năm 2039).

Về một số nội dung phản ánh của công dân đối với Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Định

Đường vào khu đất của hộ bà Phạm Thị Sự.

Báo cáo số 32 của Thanh tra huyện Yên Định cho rằng, việc UBND huyện ban hành Quyết định số 1945/QĐ-UBND và cấp GCNQSDĐ cho hộ bà Sự khi chưa có quyết định giao đất cho hộ dân là chưa đúng quy định. Thanh tra huyện Yên Định đã kiến nghị UBND huyện thu hồi, hủy bỏ Quyết định 1945 và GCNQSDĐ đã cấp cho hộ bà Sự với lý do việc ban hành quyết định và cấp GCNQSDĐ trên chưa đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đất đai năm 2003. Đồng thời, kiến nghị xem xét giao đất, cấp lại GCNQSDĐ đối với hộ bà Sự. Tại văn bản số 2994, ngày 19-12-2018, Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã chỉ đạo thu hồi, hủy bỏ Quyết định 1945, đồng thời xem xét giao đất, cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ đối với hộ bà Phạm Thị Sự theo đúng quy định, xong trước ngày 15-3-2019. Tuy nhiên, đến nay việc cấp giấy CNQSDĐ đối với hộ bà Phạm Thị Sự chưa được thực hiện.

Nhóm PV Bạn đọc - Tư liệu


Nhóm PV Bạn Đọc - Tư Liệu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]