(Baothanhhoa.vn) - Các loại nông sản như rau, củ, quả không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng không bảo đảm, khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhập nhèm nguồn gốc nông sản tại các chợ dân sinh

Các loại nông sản như rau, củ, quả không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng không bảo đảm, khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng.

Nhập nhèm nguồn gốc nông sản tại các chợ dân sinh

Mua bán hoa quả tại một chợ dân sinh.

Xách làn đi chợ, chị Lê Thị Huyền, xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa), vào hàng rau ở chợ với ý định mua súp lơ về nấu bột cho con nhỏ. Nhìn những bông súp lơ non, xanh mơn mởn, chị bâng quơ hỏi: “Trẻ con có ăn được không nhỉ?” Người bán hết nhìn vị khách lại liếc mắt nhìn vào hàng của mình, đột nhiên buột miệng: “Thôi, tốt nhất cháu mua sang loại xấu hơn ở góc bên kia kìa, đó là súp lơ nhà trồng nên nhìn không được đẹp mắt”. Bà mẹ trẻ tiếp đến sạp hoa quả quen, nâng lên đặt xuống khi chọn lựa táo đỏ, chị chủ hàng nhanh miệng trấn an: “Yên tâm đi, không có hàng Tàu đâu mà sợ”, thế nhưng nhìn đi nhìn lại, phía sau lưng chị chủ hàng, một số vỏ thùng cát tông đựng hoa quả lại in chữ Trung Quốc.

Chị Nguyễn Thùy Dung, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), cho biết: Giờ đi chợ không biết đâu mà lần. Từ những thứ nhỏ nhặt như mớ rau, củ gừng, củ tỏi... cũng dễ “vớ” phải hàng Tàu. Hôm trước, chị có mua một túi nấm kim châm tại chợ Cầu Sâng. Người bán thì khẳng định là nấm trồng trong nước, bản thân chị cũng nhìn thấy rõ ràng dòng chữ “Nấm kim châm” được in đậm bằng tiếng Việt trên bao bì nên chị cũng yên tâm. Tuy nhiên, khi về đến nhà và quan sát kỹ, chị mới thấy dòng chữ “Product of China” được ghi rất nhỏ phía dưới bao bì sản phẩm.

Lâu nay, với đại bộ phận những người đảm nhiệm gánh nặng đi chợ sắm sanh cho bữa cơm gia đình, những thắc mắc về nguồn gốc thực phẩm đã thành nỗi lo thường trực bởi nông sản ở các chợ dân sinh luôn mù mờ về thông tin. Phần lớn, chị em chỉ nghe những đồn thổi, rỉ tai nhau những kinh nghiệm tự đúc kết hoặc người này thì thầm với người khác khi chọn hàng. Việc mua bán, lựa chọn vẫn chỉ thiên về cảm quan, chứ chưa có cơ sở nào để có thể kiểm tra nguồn gốc nông sản được bày bán, cũng như độ an toàn của sản phẩm.

Một số tiểu thương kinh doanh nông sản tiết lộ, do từ trước tới nay, người dân có tâm lý e ngại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc nên hàng hóa nhập về, để bán được hàng, họ bắt buộc phải gắn mác hoặc trộn lẫn với hàng Việt Nam để bán. Đơn cử như tỏi tép to có giá 22.000 đồng/kg, có xuất xứ từ Trung Quốc được các tiểu thương nhập từ chợ đầu mối và bán lẻ tại hầu hết các chợ và giới thiệu là tỏi trồng trong nước. Loại tỏi này luôn được nhiều bà nội trợ, các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, dễ bóc vỏ, ít mối mọt, mọc mầm. Hay loại cam sành có xuất xứ Trung Quốc với vỏ ngoài xanh, bóng mịn khi đến tay người tiêu dùng thì được giới thiệu là cam sành trồng ở Việt Nam. Các loại táo Trung Quốc được bán ở chợ đầu mối với giá 250.000 đồng/1 thùng 10kg nhưng khi đưa về các chợ dân sinh, tiểu thương thường giới thiệu là táo có xuất xứ từ các nước Châu Âu... Tinh vi hơn, để qua mắt nhiều người tiêu dùng tinh ý, họ trộn lẫn với các loại táo nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Canada để bán lẻ với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.

Thời gian qua, trên địa bàn một số tỉnh trong nước đã xuất hiện tình trạng một số nông sản, thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại với nông sản Việt có thương hiệu như: Nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa, cam Cao Phong, nhãn lồng Hưng Yên... Năm 2017, trên thị trường xuất hiện tràn ngập loại táo được rao bán là “táo đá Hà Giang” với giá khá rẻ, thậm chí trên khắp các diễn đàn mạng, loại táo này cũng được rao bán và khẳng định là “táo đá Hà Giang”. Thế nhưng, trao đổi về loại táo đá này, đại diện tỉnh Hà Giang khẳng định, Hà Giang chưa có địa phương nào trồng được loại táo này, trong danh mục các loại cây ôn đới trồng ở tỉnh này cũng không có loại cây nào được gọi là “cây táo đá”!

Câu chuyện hàng nông sản, thực phẩm nhập nhèm về nguồn gốc, xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường chưa biết bao giờ có hồi kết.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]