(Baothanhhoa.vn) - Với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc sử dụng đất đai ngày càng hợp lý, hiệu quả hơn, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải quyết dứt điểm các đơn, thư liên quan đến đất đai

Giải quyết dứt điểm các đơn, thư liên quan đến đất đai

Khu đất ao làng được quy hoạch làm đất ở xen cư tại thôn Nhuyễn Sơn, xã Tượng Lĩnh (Nông Cống).

Với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc sử dụng đất đai ngày càng hợp lý, hiệu quả hơn, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng quản lý đất đai còn lỏng lẻo, việc sử dụng đất không đúng mục đích, hành vi lấn chiếm vẫn còn diễn ra trong khi việc ngăn chặn, xử lý, khắc phục những vi phạm còn chậm và chưa dứt điểm. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao. Điều đáng nói, có biểu hiện một số đơn vị chưa quan tâm đầy đủ đến công tác giải quyết KNTC, chỉ chú trọng đến việc giải quyết theo thẩm quyền mà chưa quan tâm tìm cách để xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc. Thậm chí, viện lý do sai phạm do “lịch sử để lại”, có nơi còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Từ đó, dẫn đến việc người dân có thái độ gay gắt, cho rằng cán bộ địa phương cố tình bao che sai phạm, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền.

Đơn của ông Lê Ngọc Hoàng, thôn Nhuyễn Sơn, xã Tượng Lĩnh (Nông Cống) gửi đến Báo Thanh Hóa tháng 2-2019, phản ánh về việc UBND xã Tượng Lĩnh buông lỏng quản lý, để hộ gia đình ông Nguyễn Thế Sơn (cùng thôn) cơi nới một phần đất ao thầu của làng để làm ngõ đi riêng từ nhiều năm trước. Đến nay, khi xã thực hiện quy hoạch đấu giá đất ở tại khu vực ao làng, thì cán bộ địa phương lại nể nang, né tránh, không cương quyết giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm, khiến cho người dân trong thôn bức xúc. Được biết, khu ao làng có từ trước năm 1996, lúc đó do thôn quản lý và cho hộ ông Sơn thuê thầu từ năm 1999-2014. Trong thời gian thầu ao, gia đình ông Sơn (có đất ở ngay phía sau ao làng) đã cơi nới một phần để mở cổng, ngõ đi riêng của gia đình. Vì vậy, trên bản đồ và sổ sách địa chính lưu tại xã đều không thể hiện lối đi của gia đình ông Sơn. Trước khi quy hoạch các lô đất ở, UBND xã Tượng Lĩnh đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện thực hiện công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng để quy hoạch 4 lô đất ở xen cư, thế nhưng lại trừ phần đất ngõ đi riêng của nhà ông Sơn với lý do gia đình ông Sơn đã sử dụng ổn định từ lâu nên giữ nguyên hiện trạng. Mặc dù tại buổi làm việc giải quyết đơn, thư kiến nghị của công dân thôn Nhuyễn Sơn, UBND xã Tượng Lĩnh đã khẳng định phần đất lấn chiếm này thuộc quản lý của UBND xã và yêu cầu gia đình ông Sơn phải tự giải tỏa công trình vi phạm trên đất lấn chiếm, đưa tường rào, cổng ngõ vào đúng diện tích đất ở của mình. Kết luận là vậy, nhưng sự việc vẫn không được thực hiện. Một số cán bộ địa phương còn cho rằng việc lấn chiếm đất này là do lịch sử để lại, nhiều nhiệm kỳ trước không ngăn chặn, xử lý việc lấn chiếm do vậy ở nhiệm kỳ này sự việc cần phải có thời gian để xem xét, giải quyết thực hiện theo đúng quy trình, không thể đòi hỏi làm ngay như đề nghị của một số công dân.

Một vụ việc khác diễn ra tại thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc). Khu đất lưu không kênh mương nằm ở vị trí đắc địa của thị trấn, có mặt tiền hướng ra Quốc lộ 45, buôn bán sầm uất nhưng lại cho một hộ gia đình “mượn” để xây dựng nhà ở và quầy bán hàng từ nhiều năm nay mà vẫn không bị xử lý, khiến người dân xung quanh cảm thấy bất bình. Đó là trường hợp của hộ ông Đỗ Văn Dũng, khu phố 2, thị trấn Vĩnh Lộc. Diện tích đất trên kênh mương này được sử dụng từ năm 1991 khi chị dâu của ông Đỗ Văn Dũng có đơn xin mượn đất của xã Vĩnh Phúc và đã được UBND xã Vĩnh Phúc thời bấy giờ chấp thuận cho mượn làm nơi bán hàng. Năm 2001, gia đình ông Dũng tiếp tục làm đơn xin mượn đất và được HTX dịch vụ nông nghiệp Bái Xuân và đại diện lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phúc thời kỳ đó đồng ý và được sử dụng cho đến nay. Ngôi nhà dựng bằng mái tôn của hộ gia đình ông Dũng nằm san sát với các lô đất ở xung quanh, buôn bán sầm uất. Nhìn từ bên ngoài, không ai nghĩ đó là đất lưu không kênh mương thủy lợi. Lãnh đạo UBND thị trấn Vĩnh Lộc cho rằng đối với việc mượn đất kênh mương để xây dựng nhà tạm bán hàng của gia đình ông Dũng đã diễn ra từ nhiều năm, cũng là do lịch sử để lại. Do là kênh mương thuộc phạm vi quản lý của đơn vị thủy nông, nên chính quyền địa phương cũng không có thẩm quyền để khai thác, cho thuê. Năm 2017, khi có đơn, thư đề nghị của công dân, UBND thị trấn Vĩnh Lộc đã tổ chức giải quyết. Theo đó, tại biên bản làm việc ngày 31-8-2017 giữa các đơn vị liên quan trực tiếp trong vụ việc, gồm: UBND thị trấn Vĩnh Lộc, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã - Chi nhánh Vĩnh Lộc, HTX dịch vụ nông nghiệp Bái Xuân, trưởng thôn Bái Xuân và UBND xã Vĩnh Phúc đã thống nhất: “Tạm cho gia đình ông Dũng mượn để kinh doanh. Khi nào có nhu cầu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã - Chi nhánh Vĩnh Lộc và HTX dịch vụ nông nghiệp Bái Xuân sẽ có thông báo thu hồi trước 2 tháng”. Cách làm trên có vẻ “hợp tình” bởi gia đình ông Dũng đã sử dụng từ lâu, thế nhưng rõ ràng là không hợp lý bởi việc xây dựng nhà để ở và buôn bán trên đất lưu không kênh mương là không đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, ở thời điểm “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay, gia đình ông Dũng mặc dù đã có đất ở nhưng vẫn được “ưu ái” cho mượn đất lưu không kênh mương ở vị trí đẹp để sử dụng mà không mất một khoản chi phí nào, khiến cho một số hộ dân tại khu phố 2, thị trấn Vĩnh Lộc cảm thấy bất bình vì sự thiếu công bằng, khách quan. Sự việc đã có đơn, thư khiếu kiện từ năm 2017, nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể với lý do “lịch sử để lại” càng khiến người dân hoài nghi về tính minh bạch của vấn đề.

Vụ việc lấn chiếm đất thủy lợi để xây dựng công trình nhà ở tại thôn Nhạ Lọc, xã Đồng Thắng (Triệu Sơn) cũng là một vụ phức tạp về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dù, để giải quyết đơn, thư phản ánh của một số công dân xã Đồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng kiểm tra, xác minh, đối thoại giải quyết đơn đề nghị của công dân và ban hành Thông báo số 2444/TB-UBND ngày 10-10-2018. Theo đó, thông báo đã kết luận rõ, ông Lê Huy Thọ đã xây dựng lấn chiếm phần đất thủy lợi phía Tây Bắc trên đường vào khu dân cư với diện tích 44,8m2. Hiện trạng đất ông Lê Khắc Thanh đang sử dụng tăng 206,3m2 so với diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nằm trong hành lang đê sông Hoàng. Trong thông báo này, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cũng yêu cầu hộ ông Thọ tự tháo dỡ các công trình đã xây dựng lên phần diện tích đất thủy lợi do UBND xã Đồng Thắng quản lý, thời gian tháo dỡ là 30 ngày tính từ ngày nhận thông báo. Đối với phần diện tích nằm trên hành lang đê sông Hoàng, hiện nay hộ ông Thanh đang sử dụng, khi Nhà nước có chủ trương thu hồi, hộ ông Thanh có trách nhiệm bàn giao cho Nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định.

Kết luận đã rõ ràng, thế nhưng đến nay, lãnh đạo xã Đồng Thắng cho biết hiện trạng công trình xây dựng lấn chiếm đất thủy lợi trên đường đi vào khu dân cư vẫn chưa được tháo dỡ, khắc phục với lý do vụ việc ở thôn 8 có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cá nhân, nên việc giải quyết quan trọng nhất là phải giữ vững ổn định tình hình địa phương, xã phải chờ chỉ đạo từ phía huyện. Dư luận địa phương cho rằng nội dung khiếu kiện trên xuất phát từ mâu thuẫn của một số cá nhân, có cán bộ thì nhận định công trình xây dựng lấn chiếm mương tiêu thoát nước không nhất thiết phải tháo dỡ vì mương tiêu không còn công năng sử dụng; việc cấp đất hành lang đê sông Hoàng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là từ “lịch sử để lại” nên có phần “xem nhẹ” trách nhiệm... Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến một số công dân trong thôn vẫn đến “gõ cửa” các cơ quan công quyền của Nhà nước để tìm sự công bằng.

Đó là 3 trong số nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai mà công dân có đơn, thư phản ánh đến Báo Thanh Hóa trong thời gian qua. Trên thực tế ở các địa phương, tình hình KNTC vẫn còn diễn biến phức tạp, thậm chí, có những vụ việc không được giải quyết dứt điểm ở cơ sở, công dân tụ tập đông người để khiếu kiện, gây áp lực đối với chính quyền địa phương, gây mất trật tự công cộng. Đã đến lúc, các địa phương cần hết sức coi trọng công tác đối thoại trong giải quyết KNTC, nhất là trong giải quyết khiếu nại về vấn đề đất đai để tìm ra hướng giải quyết dứt điểm từng sự việc phát sinh ở cơ sở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn kỷ cương, củng cố và tạo niềm tin của người dân vào chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Việt Hương


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]