(Baothanhhoa.vn) - Một khu đất xây dựng nhà văn hóa nhưng có 2 khiếu kiện đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong quản lý đất đai do lịch sử để lại. Đáng nói, nếu không giải quyết dứt điểm, trả lời rõ ràng, thỏa đáng với người dân, dễ phát sinh điểm nóng phức tạp trong khu dân cư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến đất xây dựng Nhà văn hóa thôn Đà Trung, xã Quảng Minh

Một khu đất xây dựng nhà văn hóa nhưng có 2 khiếu kiện đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong quản lý đất đai do lịch sử để lại. Đáng nói, nếu không giải quyết dứt điểm, trả lời rõ ràng, thỏa đáng với người dân, dễ phát sinh điểm nóng phức tạp trong khu dân cư.

Cần giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến đất xây dựng Nhà văn hóa thôn Đà Trung, xã Quảng Minh

Người dân tập trung ở Nhà văn hóa thôn Đà Trung phản ánh sự việc với phóng viên.

Đất cha ông trở thành đất nhà văn hóa

Vừa qua, Báo Thanh Hóa nhận được đơn của bà Lê Thị Mai, trú tại thôn 5, xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn. Theo đó, bố mẹ của bà Mai có một khu đất ở tại thôn Đà Trung, xã Quảng Minh. Sau khi bố mẹ của bà mất, UBND xã Quảng Minh đã cho xây dựng Nhà Văn hóa thôn Đà Trung ngay trên thửa đất này. Nay, UBND xã có kế hoạch phá dỡ nhà văn hóa cũ để xây dựng nhà văn hóa mới, bà và các chị em trong gia đình không đồng ý nên đã viết đơn đòi lại thửa đất của bố mẹ.

Để hiểu rõ sự việc, chúng tôi tìm đến Nhà Văn hóa thôn Đà Trung. Thấy có phóng viên đến, bà Mai và một số hộ dân sống xung quanh nhà văn hóa đến để trao đổi. Bà Mai cho biết: Bà sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Minh. Bà là con út trong gia đình có 6 anh, chị em. Bố mẹ của bà là ông Lê Đăng Tri và bà Nguyễn Thị Dơng (tức bà Thức) đều đã mất từ lâu. Trước đây, khi bố mẹ của bà còn sống, có một thửa đất ở tại thôn 5 cũ (nay là thôn Đà Trung), vốn là nơi mà bà cùng các anh em trong gia đình sống lúc còn nhỏ. Theo bản đồ 299, đo vẽ năm 1985, thì diện tích đất ở của gia đình là thửa 668, diện tích 720m2, loại đất thổ cư, chủ sử dụng do bà Thức đứng tên. Năm 1994, khi bố mẹ của bà mất, khu đất do ông Lê Đăng Thức là anh trai bà và cũng là con trưởng trong gia đình quản lý. Khi ông Thức mất đi, mảnh đất trên do ông Lê Đăng Tuấn (con của ông Lê Đăng Thức) quản lý. Thế nhưng, không hiểu thỏa thuận giữa thôn và ông Tuấn về việc đổi đất như thế nào mà địa phương đã xóa bỏ đất thổ cư, nhà cửa, cây cối, vườn ao của bố mẹ bà đi để xây dựng nhà văn hóa thôn. Đến khi các chị em, con cháu trong gia đình đi làm ăn xa trở về biết việc thì mọi chuyện đã rồi, đất của cha ông trở thành đất xây dựng nhà văn hóa.

Tiếp lời bà Mai, ông Lê Đăng Tuấn ngồi kế bên, cho biết thêm: Năm 2002, cấp ủy chi bộ thôn đã đến vận động gia đình tôi cho thôn đổi đất thổ cư để làm nhà văn hóa, rồi thôn sẽ trả đất ở tại vị trí khác cho gia đình. Thế nhưng, khi nhà văn hóa làm xong không thấy ai đề cập đến việc trả đám đất khác cho gia đình nữa.

“Bố mẹ, các anh trong gia đình đều đã mất rồi, hiện tại còn lại tôi và 2 chị gái nữa. Chị em tôi cùng con, cháu trong gia đình rất mong muốn lấy lại mảnh đất hương hỏa của bố mẹ để xây dựng nhà thờ gia tiên thờ cúng bố mẹ và cũng làm nơi đi về của con cháu. Tháng 10-2019, UBND xã Quảng Minh có kế hoạch phá bỏ nhà văn hóa cũ để xây dựng nhà văn hóa mới, chúng tôi đã phản đối, đồng thời viết đơn đề nghị chính quyền xã Quảng Minh không được xây dựng nhà văn hóa mới trên đất thổ cư của gia đình và trả lại mảnh đất trên cho chị em chúng tôi (những người được quyền sở hữu tài sản bố mẹ để lại). Thế nhưng, đến nay xã Quảng Minh vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng” - bà Mai bức xúc.

Trong khi chúng tôi đang trò chuyện với bà Mai tại sân Nhà Văn hóa thôn Đà Trung thì ông Trần Trọng Quyên và ông Trần Trọng Quyết (con trai của ông Quyên) cầm đơn cùng các giấy tờ liên quan đến đất đai bức xúc nói với chúng tôi về việc nhiều năm qua gia đình ông đã làm đơn đề nghị UBND xã Quảng Minh trả lại mảnh đất của cha ông họ - mảnh đất mà hiện nay đang là sân nhà văn hóa thôn Đà Trung.

Theo ông Trần Trọng Quyết, năm 1994, gia đình ông được UBND huyện Quảng Xương cấp sổ đỏ số D585294 cấp ngày 1-5-1994 với tổng diện tích là 4.689m2 do bố ông là Trần Trọng Quyên đứng tên. Trong số diện tích này, có 473m2 diện tích đất vườn tại thửa 756. Khoảng năm 2001, thực hiện công tác đổi điền, dồn thửa, gia đình ông được thôn vận động, nhường diện tích đất vườn này để thôn xây nhà văn hóa. Đổi lại gia đình ông được nhận một mảnh đất tại khu vực Đồng Đà để làm nhà cho người em trai là Trần Trọng Chiến ở. Thế nhưng, năm 2003 gia đình ông làm đơn đề nghị xã cấp mảnh đất theo thỏa thuận thì xã lại yêu cầu gia đình phải nộp tiền đất. Gia đình đã nộp cho UBND xã 1.650.000 đồng để mua 400m2 đất ở tại khu vực Đồng Đà. Thời điểm đó, kinh tế khó khăn, gia đình phải nộp 3 lần tiền mới đủ. Việc nộp tiền mua đất vẫn còn giấy tờ để lại.

Ông Quyết cho rằng: Cán bộ thôn, xã thời kỳ đó nói là được đổi đất lấy đất nhưng rõ ràng là gia đình ông vẫn phải nộp tiền để mua đất ở vị trí mới. Hơn nữa, gia đình thắc mắc là tại sao sổ đỏ cấp năm 1994, gia đình ông có 473m2 đất vườn và 200m2 đất ở tại thửa 756, tờ bản đồ số 2. Thế nhưng, hiện tại diện tích mà ông đang sử dụng chỉ còn 300m2, vậy đất của gia đình ông “biến mất” đi đâu...?

Từ những bức xúc trên, gia đình ông Quyết đã nhiều lần có đơn kiến nghị, đề nghị xã Quảng Minh cũng như TP Sầm Sơn nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Cần giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến đất xây dựng Nhà văn hóa thôn Đà Trung, xã Quảng Minh

Hiện trạng nhà văn hóa thôn Đà Trung (ảnh chụp ngày 12-11-2019).

Xây chuồng gà giữa sân nhà văn hóa thôn

Sau khi tiếp xúc với người dân, chúng tôi được biết: Ngày 6-9-2019, thôn Đà Trung và UBND xã Quảng Minh dự kiến động thổ xây dựng nhà văn hóa mới. Họ đưa máy móc, cuốc xẻng, đồ lễ đến để làm lễ động thổ. Tuy nhiên, 2 gia đình có liên quan đến mảnh đất nhà văn hóa đã đứng ra ngăn cản, không cho thực hiện với lý do việc giải quyết đất đai vẫn chưa rõ ràng?!

Sự việc tưởng chừng như dừng lại ở đó để đợi kết quả giải quyết của UBND xã Quảng Minh. Cũng đã qua một số lần làm việc giữa 2 hộ dân và UBND xã song vẫn chưa đi đến thống nhất. Tháng 10-2019, ông Quyết đã tự ý mua đất, gạch, luồng về đổ trong sân nhà văn hóa thôn, đồng thời dựng chuồng gà, giăng lưới thép… chặn cổng ra vào của nhà văn hóa thôn với ý định nuôi gà, trồng rau ngay trên sân nhà văn hóa.

Trước sự việc trên, ngày 16-10-2019, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 176/QĐ-VPHC xử phạt gia đình ông Quyết 750.000 đồng về hành vi xây dựng và để vật liệu trái phép trên khuôn viên nhà văn hóa thôn Đà Trung và yêu cầu gia đình tự tháo dỡ công trình trái phép. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 12-11-2019 tại hiện trạng khuôn viên nhà văn hóa thôn Đà Trung, hàng gạch cốm được ông Quyết xây ngăn đôi sân nhà văn hóa, bên trên được rào bằng hàng lưới thép kéo từ đầu bên này sân sang đầu bên kia sân (nơi ông Quyết cho là phần đất của gia đình). Trong khu đất được rào lại, ông Quyết đang đổ đất, dựng chuồng gà chắn cổng ra vào nhà văn hóa thôn.

Chính quyền xã giải quyết đã thỏa đáng?

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Quảng Minh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, cho biết: Nhận được đơn, thư của 2 gia đình bà Mai và ông Quyết, xã đã tổ chức hội nghị giải quyết.

Đối với trường hợp đơn, thư của gia đình bà Lê Thị Mai, ngày 6-9-2019, UBND xã đã tổ chức hội nghị. Tại hội nghị có sự tham gia của cấp ủy chi bộ thôn Đà Trung, các ông, bà nguyên là các thành viên của tiểu ban đổi điền, dồn thửa thôn 5 cũ qua các thời kỳ 2002, 2012 cùng đại diện gia đình bà Mai, bà Huỳnh, bà Hồng (3 chị em gái). Sau khi nghe ý kiến của các thành viên, hội nghị đã thống nhất: Việc bàn bạc, thỏa thuận giữa gia đình ông Tuấn (cháu bà Mai) với ban đổi điền, dồn thửa thôn 5 cũ đổi đất thổ cư của gia đình sang đất canh tác là có thật, nhưng hiện nay hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của xã cũng như các ý kiến của các thành viên ban đổi điền, dồn thửa thôn 5 cũ không chứng minh được diện tích, địa điểm nơi chuyển đổi cho gia đình ông Tuấn là chỗ nào. Tuy nhiên, khuôn viên Nhà văn hóa thôn Đà Trung được làm năm 2003, sửa chữa cải tạo lại năm 2015. Kinh phí do nhân dân đóng góp xây dựng.

Đất nhà văn hóa thôn Đà Trung được thể hiện tại hồ sơ địa chính lưu giữ qua các thời kỳ ở cấp xã: Theo Bản đồ 299 (thiết lập năm 1985) thể hiện là thửa 668, tờ bản đồ số 3, diện tích 720m2, loại đất: đất thổ cư, chủ sử dụng là bà Thức.

Hồ sơ địa chính năm 1994 gồm 2 thửa: Thửa 757, tờ bản đồ số 2, diện tích 340m2, loại đất: đất màu, chủ sử dụng là HTX; thửa 758, tờ bản đồ số 2, diện tích 900m2, loại đất: đất thổ cư, chủ sử dụng là ông Trần Trọng Thực.

Hồ sơ địa chính năm 2002 là thửa 1155, tờ bản đồ số 2, loại đất: đất xây dựng cơ bản, chủ sử dụng đất là UBND xã.

Hồ sơ địa chính năm 2015 gồm 2 thửa: Thửa 984, tờ bản đồ số 12, loại đất: Đất nhà văn hóa thôn, chủ sử dụng là UBND xã; thửa 893, tờ bản đồ số 12, loại đất BHK (đất trồng cây hàng năm), chủ sử dụng đất là ông Trần Trọng Quyên.

Căn cứ các ý kiến trong hội nghị và hồ sơ địa chính qua các thời kỳ, căn cứ hiện trạng đất và Luật đất đai năm 2013, việc giải quyết các nội dung theo đơn đề nghị của chị em bà Mai là chưa đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để thực hiện.

Đối với trường hợp của gia đình ông Quyên, từ tháng 1-2019, UBND xã đã tổ chức hội nghị giải quyết đơn của ông với các thành phần tham gia là cấp ủy chi bộ thôn Đà Trung, các thành viên trong ban đổi điền, dồn thửa thôn 5 cũ qua các thời kỳ… Các ý kiến thống nhất cao đó là: Việc chuyển đổi đất của ông Quyên lên khu Đồng Đà (hiện con trai ông là Trần Trọng Chiến đang sử dụng) là có thật, được thể hiện tại biên bản hội nghị thiết lập ngày 23-11-2001 do ông Lê Ngọc Quý – nguyên là cán bộ địa chính làm thư ký và đại diện cam kết của gia đình có chữ ký của ông Quyên.

“Vậy tại sao hồ sơ địa chính năm 2015 lại có tên ông Quyên là chủ sử dụng đất của thửa 983 (thửa đất sân nhà văn hóa hiện nay)?”, chúng tôi thắc mắc với lãnh đạo xã Quảng Minh.

Ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh lý giải: Việc hồ sơ địa chính năm 2015 đoàn đo đạc tách đất khuôn viên nhà văn hóa thôn thành 2 thửa, trong đó có thửa 983, tờ bản đồ số 12, loại đất BHK, chủ sử dụng đất là ông Trần Trọng Quyên là sai so với quy định của Luật Đất đai. Vì tại thời điểm đo đạc đất nhà văn hóa thôn đã được xây tường rào bao quanh và sử dụng ổn định từ năm 2003 đến nay. Hiện trạng, gia đình ông Quyên không có diện tích và không canh tác tại vị trí trên. UBND xã đã có văn bản đề nghị TP Sầm Sơn điều chỉnh lại.

Đối với trường hợp đất đai liên quan gia đình ông Trần Trọng Quyên, chính quyền xã đã tổ chức giải quyết nhiều lần, kết luận đơn đề nghị đòi trả lại đất tại khuôn viên Nhà Văn hóa thôn Đà Trung là không có căn cứ và cơ sở pháp lý để giải quyết. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn không thống nhất và tiếp tục có đơn, thư khiếu kiện. Con trai ông Quyên là anh Quyết còn tự ý xây dựng công trình trái phép trong khuôn viên nhà văn hóa, chính quyền xã Quảng Minh đang lập phương án, báo cáo cấp trên để tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép trên.

Qua nắm bắt những ý kiến của người dân phản ánh cũng như tìm hiểu cách giải quyết đơn, thư của chính quyền xã Quảng Minh và thực tế sự việc đang diễn ra tại khuôn viên Nhà văn hóa thôn Đà Trung, chúng tôi nhận thấy 2 hộ dân vẫn chưa đồng thuận trong cách giải quyết của xã khiến sự việc diễn ra ngày càng phức tạp. Thiết nghĩ, chính quyền xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn cần sớm có cách giải quyết một cách hợp lý, hợp tình trên cơ sở các quy định của pháp luật và tình hình thực tế đang diễn ra.

Nhóm PV Phòng Bạn đọc - Tư liệu


Nhóm PV Phòng Bạn Đọc - Tư Liệu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]