(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, nhiều tuyến đường phố trên địa bàn tỉnh xuất hiện những người phát tờ rơi quảng cáo cho vay vốn tín dụng. Các địa điểm công cộng cũng bị dán đầy những tờ rơi quảng cáo về hình thức vay vốn với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời chào hấp dẫn này luôn ẩn chứa những cạm bẫy lãi suất “khủng” mà không phải ai cũng biết.

“Bẫy” tín dụng đen

Thời gian qua, nhiều tuyến đường phố trên địa bàn tỉnh xuất hiện những người phát tờ rơi quảng cáo cho vay vốn tín dụng. Các địa điểm công cộng cũng bị dán đầy những tờ rơi quảng cáo về hình thức vay vốn với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời chào hấp dẫn này luôn ẩn chứa những cạm bẫy lãi suất “khủng” mà không phải ai cũng biết.

Tờ rơi quảng cáo về hình thức vay trả góp được dán ở nhiều địa điểm công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Trong vai một người đang có nhu cầu vay tiền gấp, chúng tôi gọi đến số điện thoại in trên tờ rơi được dán gần khu vực chợ Tân An - Tân Bình, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) với mong muốn vay “nóng” 30 triệu đồng. Chúng tôi được hướng dẫn đến Công ty TNHH TC nằm ở đường Lê Hoàn để làm thủ tục. Đón chúng tôi tại trụ sở công ty là nam thanh niên mặt mày dữ tợn, tay chân đầy hình xăm. Người này cho biết: Muốn được vay vốn, công ty sẽ giữ lại sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân và kiểm tra địa chỉ khách hàng đang sinh sống, ngay sau đó tiền sẽ được công ty giải ngân cho khách hàng. Để vay 30 triệu đồng trong 10 ngày, chúng tôi sẽ phải viết một giấy vay tiền với số tiền vay 36 triệu đồng, hình thức thanh toán hàng ngày số tiền 900 nghìn đồng, trong vòng 40 ngày. Đến khi nào khoản nợ được thanh toán xong thì công ty sẽ gửi trả lại giấy tờ cho khách hàng. Khi chúng tôi ngỏ ý, nhu cầu chỉ cần vay trong vòng 3 ngày, thì anh này cho biết: Hiện giờ ở đâu cũng áp dụng hình thức này vì tiện lợi, đơn giản dù khách hàng có vay 1 ngày hay 40 ngày thì vẫn phải trả số tiền lãi tối thiểu là 6 triệu đồng/30 triệu đồng vay.

Anh L.N.K ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa khoảng 2 năm trước có vay 50 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi gần 7 triệu đồng. Sau 1 năm, anh đã trả tổng cộng hơn 80 triệu đồng. Do đi làm ăn xa hơn 1 năm, đến khi về chủ nợ tìm đến nhà và đòi số tiền cũ anh vay cộng cả gốc lẫn “lãi mẹ”, “lãi con”, anh phải trả cho chủ nợ hơn 100 triệu đồng nữa. Chủ nợ còn đe dọa nếu không thanh toán sớm sẽ cho đàn em đến “xử đẹp”.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có gần 120 công ty, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính có biểu hiện hoạt động tín dụng đen cho vay không thế chấp. Mặc dù lãi suất cho vay cao nhưng với thủ tục vay đơn giản, nhiều người cần tiền gấp vẫn tìm đến các dịch vụ tín dụng đen và khi đã vay thì rất khó có khả năng trả nợ. Hoạt động tín dụng đen phát sinh từ việc người cho vay ham lãi suất cao, mặc dù không có chức năng kinh doanh tiền tệ nhưng vẫn đứng ra huy động vốn từ nhiều người với lãi suất thấp, rồi đem cho vay lại với lãi suất cao hơn nhằm hưởng tiền chênh lệch; người vay cần tiền khi không được tiếp cận nguồn tín dụng chính thống từ các tổ chức tín dụng. Tín dụng đen len lỏi từ thành thị đến nông thôn, ngày càng có quy mô lớn, rộng khắp. Bởi lẽ, vay ngoài dễ dàng, cần bao nhiêu cũng có, có khi chỉ cần có mối quan hệ là có thể cho vay ngay, chẳng cần thủ tục gì. Biết là lãi suất “cắt cổ”, rủi ro nhưng nhiều người phải chấp nhận vì đây có lẽ là con đường cuối cùng để họ giải quyết vấn đề tài chính. Những đối tượng dính đến cờ bạc, nợ nần, vay đầu này đắp đầu kia nên dù biết là cắt cổ vẫn phải vay. “Lãi mẹ” đẻ “lãi con”, số nợ ngày một lớn không còn khả năng thanh toán, khiến nhiều người vay lâm vào bước đường cùng, tán gia bại sản. Cũng chính từ tín dụng đen, nhiều vụ vỡ nợ đã xảy ra trên địa bàn, rồi nạn giang hồ đòi nợ ăn theo, gây mất an ninh trật tự. Người vay vốn bị thu hút bởi thủ tục đơn giản, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân và sổ hộ khẩu. Cùng với đó, mọi giao dịch thỏa thuận cũng thực hiện nhanh chóng, giải ngân tiền nhanh... Tính ra, lãi suất mà người vay phải gánh chịu từ 50-250%/năm, tùy theo loại hình dịch vụ cũng như đối tượng khách hàng. Chủ của dịch vụ này là những công ty tài chính, hiệu cầm đồ. Nhiều người do vay tín dụng đen không có khả năng chi trả luôn phải sống trong cảnh bất an, mất nhà, mất tài sản, thậm chí có người phải bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Theo quy định, trường hợp lãi suất cho vay gấp 10 lần lãi suất ngân hàng và có tính chất chuyên bóc lột sẽ bị khởi tố về tội “cho vay nặng lãi”. Tuy nhiên, xác định mức lãi suất cho vay trong thực tế rất khó, vì trên giấy tờ vay mượn thường không ghi rõ lãi suất là bao nhiêu, mà chỉ thể hiện số tiền phải trả nhất định trong một thời điểm nào đó. Tín dụng đen đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, nhiều thân phận. Đằng sau dịch vụ tín dụng tiêu dùng, tín dụng “đen” biến tướng nhiều hình thức và chủ sở hữu vốn vay khác nhau.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]