Định hướng chính sách đối nội, đối ngoại của Nội các mới ở Anh
Ngày 5/7, cuộc bầu cử Quốc hội ở Anh đã kết thúc với chiến thắng giành cho đảng Lao động do Keir Starmer lãnh đạo, đạt được 411 ghế tại Quốc hội Anh (theo Reuters). Thủ tướng của đảng Bảo thủ Rishi Sunak thừa nhận thất bại. Kết quả này cho phép ông Keir Starmer giữ vị trí Thủ tướng Anh trong nhiệm kỳ mới. Vậy những ưu tiên chính sách đối nội, đối ngoại của Nội các mới ở Anh là gì?
Thất bại được báo trước của đảng Bảo thủ
Theo RBC, ông Lord Richard Balfe, thành viên đảng Bảo thủ ở Hạ viện đánh giá, đời sống chính trị của Anh hoạt động theo chu kỳ, và sau 14 năm nắm quyền của chính phủ đảng Bảo thủ, bản thân đảng đã mệt mỏi rõ rệt và tỏ ra hụt hơi so với các đảng khác, nhất là đảng Lao động đầy sức sống trong đợt tranh cử vừa rồi.
Giới phân tích chính trị cho rằng, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Anh được báo trước khi các cuộc thăm dò đều dự báo đảng Bảo thủ sẽ mất vị trí dẫn đầu trước đảng Lao động. Điển hình như theo kết quả cuộc thăm dò của YouGov công bố chỉ một tuần trước cuộc bỏ phiếu, đảng Lao động được cho là sẽ giành 37% phiếu bầu, trong khi đảng Bảo thủ chỉ nhận được 20% phiếu bầu.
Tờ Cbsnews dẫn nhận định của Giáo sư John Curtice, một nhà phân tích chính trị và chuyên gia bầu cử cho biết, ông Keir Starmer đã thành công trong việc đưa đảng Lao động trở lại trung tâm chính trường Anh và gia tăng sức hấp dẫn của đảng này đối với cử tri Anh. Nhà lãnh đạo Keir Starmer và đảng Lao động đã tận dụng triệt để những khó khăn về kinh tế và hỗn loạn chính trị dưới thời đảng Bảo thủ để tranh thủ sự tín nhiệm của cử tri mong muốn một sự đổi mới về tình hình kinh tế-chính trị trong nước.
Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm hai quý liên tiếp trong nửa cuối năm 2023, kéo nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Cụ thể, GDP của Anh quý IV/2023 giảm 0,3% so với quý trước đó. Trong quý III/2023, nền kinh tế nước này co lại 0,1%. Trên lý thuyết, Anh đã rơi vào suy thoái khi có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. ONS cho biết, mức giảm này mạnh hơn dự báo và lớn nhất từ đầu năm 2021. Tính chung năm 2023, GDP Anh tăng 0,1% so với 2022.
Ba lĩnh vực chính của nền kinh tế Anh đều đi xuống trong quý cuối năm 2023, trong đó dịch vụ giảm 0,2%; sản xuất và xây dựng hạ lần lượt hạ 1% và 1,3%. Kinh tế Anh đã trì trệ gần 2 năm qua. Lạm phát tại Anh đang dần chậm lại nhưng vẫn cao hơn các nền kinh tế khác và mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Việc này khiến túi tiền của các hộ gia đình bị thắt chặt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu năm 2024 của nước này tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những ưu tiên trong chính sách đối nội, đối ngoại của chính phủ mới
Theo Reuters, chính phủ của đảng Lao động sẽ phải tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và giải quyết các vấn đề xã hội kéo dài từ nhiều năm qua. Các cuộc thăm dò của Ipsos trong những tháng gần đây chỉ ra rằng, phần lớn người Anh cảm thấy nền kinh tế suy yếu hơn so với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử trước đó vào năm 2019. Mức sống đã giảm sau hai năm lạm phát cao, một phần do cuộc chiến ở Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt. Tiền lương hiện tăng nhanh hơn giá cả, nhưng nền kinh tế không tăng trưởng đủ mạnh do đầu tư yếu, tăng trưởng năng suất chậm và thiếu lao động trên thị trường.
Hàng loạt các vấn đề an sinh xã hội cần chính phủ mới ở Anh giải quyết. Hiện nay, tình trạng khó khăn của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) - một cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí trong 75 năm qua, đang cho thấy những dấu hiệu bất ổn. Kể từ sau đại dịch COVID-19, cơ quan này tồn đọng một lượng lớn thuốc điều trị. Hiện tại, NHS đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên nghiêm trọng, các cuộc đình công của bác sĩ và y tá cũng như nhu cầu y tế ngày càng đắt đỏ của một xã hội già hóa. Kết quả là, người Anh trung bình thường phải chờ vài tuần để được gặp bác sĩ nếu không phải các trường hợp cấp cứu hoặc cần chăm sóc khẩn cấp. Và danh sách bệnh nhân phải chờ đợi để được điều trị đã tăng lên hơn 7 triệu trường hợp.
Nếu chăm sóc y tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri lớn tuổi thì vấn đề nhà ở là điều khiến các cử tri trẻ tuổi lo ngại. Hầu hết những người trẻ không đủ khả năng mua nhà ở Anh và ít người trong số họ sở hữu một căn nhà như hai thập kỷ trước. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, trong khi thu nhập trung bình đã tăng gấp đôi từ năm 1997 đến năm 2023 thì giá nhà lại tăng gấp 4,5 lần. Giá thuê nhà cũng trở nên đắt đỏ hơn và lãi suất cao do lạm phát cao đã đẩy lãi suất thế chấp lên cao. Bất chấp nhu cầu về nhà ở của thanh niên ngày càng tăng cao, Anh cũng không thể xây thêm khoảng 300.000 ngôi nhà cần thiết mỗi năm để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở và giúp kiềm chế tình trạng tăng giá.
Cũng như các nước châu Âu khác, Anh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ vấn đề nhập cư. Người dân Anh lo ngại số lượng người nhập cư vào nước này ngày càng gia tăng đã góp phần thúc đẩy cuộc bỏ phiếu ủng hộ Brexit năm 2016. Mới đây, Chính phủ của Thủ tướng Sunak đã thúc đẩy thông qua một đạo luật nhằm xóa bỏ nạn “thuyền nhân” (những người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi đến Anh thông qua eo biển Manche). Tuy nhiên, đạo luật này đang dẫn đến phản ứng gay gắt của các tổ chức nhân đạo khi cho rằng, Anh đang vi phạm Luật Nhân đạo của chính mình khi gửi những người nhập cư đến một nước Rwanda xa xôi mà không có đảm bảo gì về tương lai cho họ.
Theo Financial Times, trong nhiệm kỳ cầm quyền của đảng Lao động, chính sách đối ngoại của Anh về cơ bản sẽ không thay đổi, ngoại trừ việc Anh nhiều khả năng sẽ bắt đầu xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, đảng Lao động sẽ thực hiện 3 ưu tiên về chính sách đối ngoại, đó là: thúc đẩy hợp tác với châu Âu, thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và mở rộng ảnh hưởng tại Nam toàn cầu. Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Anh sẽ phụ thuộc lớn vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến vào tháng 11/2024. “Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump tại Nhà Trắng có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa Mỹ với giới lãnh đạo trung tả của Anh”, Financial Times dự báo. Như vậy, tình hình an ninh ở châu Âu sẽ phần nào được quyết định bởi thái độ của ông Donald Trump đối với NATO. Chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump sẽ dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Anh và EU.
Đối với cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, chính phủ của đảng Lao động nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách của đảng Bảo thủ hiện nay, tiếp tục coi Nga là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu. Theo đó, đảng Lao động sẽ bảo đảm sự hỗ trợ về quân sự, tài chính, chính trị-ngoại giao đối với Ukraine, đồng thời kêu gọi giúp đỡ Kiev để sớm trở thành thành viên NATO. Đảng Lao động cũng sẽ làm việc với các đồng minh để thu giữ và tái sử dụng các tài sản nhà nước bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Tháng 2/2023, ông Keir Starmer đã tới Kiev để gặp Tổng thống Zelensky nhằm tái khẳng định sự hỗ trợ quân sự của Anh đối với Chính quyền Kiev.
Về quân sự, Keir Starmer và các thành viên trong đảng Lao động nhiều lần cam kết của mình đối với vai trò dẫn đầu của NATO là “không lay chuyển”. Giống như đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do, đảng Lao động cam kết chi 2,5% GDP cho quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng, như các cuộc tấn công mạng, tuyên truyền thông tin sai lệch. Đảng Lao động cũng chủ trương phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, một mặt, để phục vụ cho nhu cầu hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; mặt khác, mở rộng các cơ hội xuất khẩu, bảo đảm phù hợp với chế độ xuất khẩu vũ khí mạnh mẽ dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-07-05 08:47:00
Israel bên bờ vực chiến tranh toàn diện với Hezbollah
Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024: Cơ hội để Nga thúc đẩy không gian Đại Á - Âu
Chuyển động quân sự đáng chú ý ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Rạn nứt lớn trong chính trường Pháp sau kết quả vòng bầu cử sớm
Bầu cử Tổng thống Iran: Tìm hy vọng giữa thách thức
Nguy cơ leo thang “cuộc chiến” thương mại mới giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu
Giải thích làn sóng gia nhập BRICS tại Đông Nam Á
Liên minh châu Âu tiếp tục siết chặt cấm vận vào ngành năng lượng của Nga
Trung Quốc và Malaysia thắt chặt quan hệ với một hiệp định kinh tế mới
Việc Nga và Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại?