Một vùng thắng tích
Quần thể danh thắng Kim Sơn gồm 29 ngọn núi đá vôi sừng sững, có hang động nước và động khô. Ở đây còn có đàn khỉ hoang thu hút sự tò mò cho du khách.
Non nước hữu tình ở danh thắng Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc).
Leo động khô, chèo thuyền “mục thị” động nước
Vĩnh Lộc không chỉ được nhắc đến bởi Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, đất phát tích chúa Trịnh, mà còn có những danh thắng nổi tiếng, trong đó có quần thể danh thắng Kim Sơn thuộc xã Vĩnh An, khiến bạn tôi ở Hà thành rất háo hức, và sau nhiều kết nối chúng tôi đã có chuyến thực tế nơi đây.
Sau khi đi bộ chừng 500m, chúng tôi cũng đến được khu vực động khô, dưới chân núi Thung Vinh. Động có tên gọi Tiên Sơn. Cửa động nằm ở trên cao chừng 70m so với vị trí nơi chúng tôi đứng. Năm 2003 hang động này được phát lộ, và ngay lập tức được giới chuyên gia đánh giá là một trong những động đẹp bậc nhất xứ Thanh. Dù đã khám phá nhiều lần, nhưng mỗi khi trở lại nơi đây, sự kỳ vĩ của những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng vẫn cho tôi những cảm xúc đặc biệt. Trong hang, có một nơi được coi là giếng tiên. Nguồn nước được chắt lọc từ khối thạch nhũ ngàn năm đổ xuống, tí tách, tí tách. Dưới chân nơi chúng tôi đứng là thủy cung, nơi có đàn đá, khối nhũ hình con cá, con cua... Leo chếch lên bên phải là cung tiên ông lộng lẫy, với những khối thạch nhũ lấp lánh.
Tiếp đó, chúng tôi ngồi trên thuyền từ động Tiên Sơn qua đầm ấu, đầm sen để đến động nước (hay còn gọi là động Kim Sơn). Từ trên thuyền, nhìn những dãy núi đá vôi kỳ vĩ, trong không gian rộng lớn, yên bình chẳng khác nào một bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng.
Cập bến, ghé động Ngọc Kiều - một hang động có hai tầng đi lên và tầng đi xuống. Trên vách động còn lưu lại nhiều văn tự cổ. Nằm ngay bên động Ngọc Kiều là động nước Kim Sơn. Để mục thị hang động, bắt buộc chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền xuyên vào lòng núi. Qua Phong môn (cửa gió), người chở thuyền bật đèn chiếu vào các khối thạch nhũ cho chúng tôi xem. Ánh đèn điện như con đom đóm giữa không gian rộng lớn. Theo người lái thuyền thì mực nước trong hang có độ sâu từ 5 đến 7m. Khoảng 20 phút di chuyển bằng thuyền trong lòng hang, ánh sáng từ phía bên kia hang động cũng dần xuất hiện. Hang động xuyên núi cho chúng tôi sự hồi hộp, chút lo sợ, để rồi phấn khích khi thuyền ra khỏi hang chạm cánh đồng mênh mông trước mặt...
Ẩn mình xem đàn khỉ hoang xuống núi
Ngoài hệ thống các hang động đẹp kỳ vĩ, khu danh thắng Kim Sơn còn có chùa Linh Ứng, xây dựng từ thời Lý, trùng tu lại vào thời Bảo Đại. Ngôi chùa tựa vào núi Hang, phía trước là đầm sen. Bên chùa có động nước Kim Sơn. Nguồn nước từ đầm xuyên qua núi dẫn ra sông Mã.
Theo Đại đức Thích Tĩnh Hải, trụ trì chùa, mỗi sáng hoặc chiều muộn đàn khỉ hoang hàng trăm con từ núi đá xuống sân chùa để tìm kiếm thức ăn. Thường thì các sư hay rải ngô, có khi là chuối... để bầy khỉ nhặt ăn. Nếu có người lạ chúng sẽ trốn chạy lên núi.
Khoảng 5 năm trở lại đây, khi các dãy núi đá vôi phụ cận được cấp phép khai thác mỏ, tiếng nổ mìn khiến đàn khỉ sợ, nên số lượng ít dần đi. Tiếng nổ cũng làm ảnh hưởng đến sự tĩnh lặng của chốn linh thiêng này...
Trước khi bạn tôi lên xe trở về Hà thành, từ tờ mờ sáng chúng tôi đã có mặt ở chùa Linh Ứng để chứng kiến đàn khỉ xuống núi. Thật may, khi không phải sáng nào đàn khỉ cũng xuống đông đúc như vậy. Chúng nhặt những hạt ngô cho vào miệng, mắt vẫn ngó nghiêng dò xét tình hình.
Xe chầm chậm lăn bánh, tôi gói vài củ sâm Báo và chai rượu được ngâm từ loại sâm đặc sản này của làng Biện Thượng quê tôi biếu bạn. Còn bạn, hứa ra năm sẽ đưa thêm những người bạn vào thăm lại nơi này.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-12-24 11:49:00
Thăm những ngôi chùa ở xứ Thanh
-
2024-12-21 16:20:00
Làng Vĩnh Gia - làng có công với nước
-
2024-01-13 14:52:00
Lan tỏa những việc làm theo Bác ở Thọ Cường
Ngày đông - nói chuyện du lịch bốn mùa
Hành trình khám phá thung lũng Lang Lung, thác Rồng
Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang
Du lịch Thanh Hóa, nhìn từ khách nội tỉnh
Linh thiêng nghè Mỹ Lộc
Niềm tự hào của làng Hồi Cù
Làng nghề nước mắm Khúc Phụ: Chú trọng đầu tư “nâng tầm” sản phẩm
Kho báu của ngành “công nghiệp không khói”
Nét đẹp lao động làng nghề truyền thống xứ Thanh