(Baothanhhoa.vn) - Đền thờ Lê Lâm (hay còn gọi là đền Chuối) ở làng Chuối, xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc). Vào thời Lê, vùng đất này có tên là sách Tiến Dực, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Đến thời Lê Trung Hưng đổi thành Phùng Dực. Năm 1945 được đổi thành xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc) đến ngày nay. Đền thờ Lê Lâm được người dân địa phương thờ phụng, tri ân, tưởng nhớ công lao của Phò mã Đô úy Lê Lâm, người đã có công dẹp giặc Bồn Man ở phía Tây nước ta vào thời vua Lê Thánh Tông.

Đền thờ Lê Lâm trên đất Phùng Giáo

Đền thờ Lê Lâm (hay còn gọi là đền Chuối) ở làng Chuối, xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc). Vào thời Lê, vùng đất này có tên là sách Tiến Dực, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Đến thời Lê Trung Hưng đổi thành Phùng Dực. Năm 1945 được đổi thành xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc) đến ngày nay. Đền thờ Lê Lâm được người dân địa phương thờ phụng, tri ân, tưởng nhớ công lao của Phò mã Đô úy Lê Lâm, người đã có công dẹp giặc Bồn Man ở phía Tây nước ta vào thời vua Lê Thánh Tông.

Đền thờ Lê Lâm trên đất Phùng GiáoĐền thờ Lê Lâm ở xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc).

Tộc phả họ Lê còn lưu giữ tại gia đình ông Lê Văn Học ở làng Chuối, xã Phùng Giáo, có chép: Phò mã Đô úy Lê Lâm sinh ra trong gia đình dòng dõi danh gia vọng tộc thi thư lễ nghĩa, đời đời hiển vinh. Ông nội của Lê Lâm làm quan tới chức Đồng tri phủ sự vào cuối nhà Trần. Ông sinh được 3 người con trai và 1 người con gái. Người con thứ 2 là Lê Trụ, chính là bố đẻ của Lê Lâm. Lê Lâm từ thuở nhỏ đã là người thông minh, khôi ngô, tuấn tú, vóc dáng cao lớn khác hẳn với người thường. Năm 20 tuổi, Lê Lâm đã văn võ song toàn, có tài cưỡi ngựa, bắn tên nổi tiếng trong vùng, cha con ông đã tìm nhân tài để phụng sự đất nước. Sau khi người cha mất, ông trở về quê chịu tang cha, phát của cải trong nhà cho Nhân dân trong vùng và cùng với mọi người luyện tập binh mã, làm ăn sinh sống.

Năm Kỷ Hợi (1479), tù trưởng xứ Bồn Man là Cẩm Công có ý làm phản, đem quân quấy nhiễu ở miền Tây nước ta. Nhà vua đã xuống chiếu kêu gọi nhân tài dẹp giặc cứu nước, lúc này, Lê Lâm cùng 41 gia thần có võ nghệ tinh thông xin gia nhập với đội quân triều đình để đánh giặc. Ông cùng với các tướng Lê Thọ Vực, Trịnh Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng chia thành 5 đạo quân tiến đánh quân giặc sát bờ sông Kiên Xạ. Trận ấy quân ta giành thắng lợi.

Về sau, họ Cầm ở xứ Bồn Man lại làm phản, lúc này vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh cùng Lê Lâm và các tướng lĩnh đi tiêu phạt, khiến quân giặc thua to. Sau khi ca khúc khải hoàn trở về, xét công trạng của các tướng lĩnh, nhà vua đã phong Lê Lâm chức Tả bộc xạ binh bộ Thượng thư nắm việc quân và có ý gả con gái thứ 3 cho Lê Lâm, nhưng ông từ chối và chỉ xin nhận chức Tả bộc xạ binh bộ Thượng thư. Ông làm quan trong triều thêm vài năm thì xin cáo quan về sách Tiến Dực sinh sống. Nhà vua đã giao cho ông cai quản vùng đất rộng lớn và ban cho ông chức Đô úy Phò mã Lương Quốc Công. Sau khi ông mất, vua đã ban sắc chỉ cho Nhân dân trong vùng chôn cất và lập đền thờ ông tại làng Chuối (xã Phùng Giáo ngày nay).

Theo dân gian truyền lại và qua lời kể của các vị cao niên, đền thờ Lê Lâm được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. Ngôi đền trước kia dựng bằng gỗ mít, lợp ngói vảy, nhà tiền đường phía trước có 3 gian. Qua nhiều thế kỷ, di tích không còn giữ được diện mạo cũ. Năm 1995, Nhân dân địa phương cùng dòng họ Lê đã quyên góp tiền của dựng lại đền thờ tại nền đất cũ, quy mô kiến trúc ngôi đền khoảng 1.000m2. Ngôi đền quay mặt về phía Nam, phía trước là cánh đồng có dòng suối bắt nguồn từ núi Nam và các mó nước từ núi Thiềng chảy ra. Nguồn nước ở đây quanh năm không bao giờ cạn, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho người dân địa phương. Một số hiện vật liên quan đến ngôi đền vẫn còn được lưu giữ, như: bản tộc phả chữ Hán được biên soạn vào thời Lê do Nguyễn Bính biên soạn; thần phả bằng chữ Hán; đạo sắc phong do vua Bảo Đại ban năm 1935; một long ngai bằng gỗ sơn son thếp vàng; 2 áo tế thêu hổ phù; 3 lư hương đá hình chữ nhật điêu khắc hình hổ phù cao 28cm... và nhiều đồ vật thờ cúng.

Hằng năm, vào ngày 20 tháng 10 âm lịch, Nhân dân làng Chuối và con cháu dòng họ Lê tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ Phò mã Đô úy Lê Lâm. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân tưởng nhớ công lao của ông trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]