Đẩy mạnh đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Với sứ mệnh phục vụ “tam nông”, các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và của Agribank Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Vốn tín dụng từ Agribank có lãi suất ưu đãi giúp người dân, doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đúng mục đích, hiệu quả.
Vốn tín dụng từ Agribank có lãi suất ưu đãi đã, đang và sẽ giúp người dân, doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đúng mục đích, hiệu quả. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Thành ở xã Phú Lộc (Hậu Lộc) trước đây thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn, được Agribank Hậu Lộc cho vay với số vốn 300 triệu đồng, như tiếp thêm nguồn lực để gia đình đầu tư mở rộng trang trại, phát triển kinh tế. Với tính cần cù, chịu khó, biết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, gia đình ông Thành đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh có tiếng tại địa phương, được nhiều người biết đến và học tập làm theo. Hiện nay, trang trại của gia đình ông có quy mô hơn 2ha, trồng hơn 200 gốc dừa xiêm, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn, doanh thu đạt trên 950 triệu đồng/năm.
Với lợi thế là những ngân hàng có mạng lưới rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn. Với những giải pháp đổi mới trong kinh doanh, đến nay, nguồn vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% xóm trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Tính đến trung tuần tháng 11/2024, dư nợ của các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đạt gần 63.000 tỷ đồng với hơn 200.000 hộ dân, 555 doanh nghiệp đang vay vốn. Cùng với đó các ngân hàng cũng đã thành lập 4.842 tổ vay vốn, thực hiện tín chấp cho gần 150.000 hội viên tham gia vay vốn, dư nợ cho vay thông qua các tổ vay vốn đạt gần 20.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn cho vay tín chấp đối với các hộ nông dân để phát triển nông nghiệp nông thôn, giúp người dân có nguồn vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, sửa sang nhà ở, từ đó cải thiện đời sống, đóng góp vào kinh tế địa phương và tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ngoài việc cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình của Chính phủ, Agribank còn là ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện giảm lãi suất tiền vay, luôn có mức lãi suất cho vay thấp nhất tại thị trường nông nghiệp nông thôn theo đúng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích với nhiều kênh phân phối, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điển hình phải kể đến việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng; đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, phát triển dịch vụ thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, chính đáng của người dân. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nông dân được tiếp cận nguồn vốn của Agribank và có cơ hội đổi đời từ chính mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Hoạt động kinh doanh của các đơn vị đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là tăng trưởng dư nợ lĩnh vực “tam nông”.
Các chi nhánh Agribank đã được các cấp, các ngành đánh giá cao trong đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xác định “tam nông” là địa bàn chiến lược, các chi nhánh Agribank tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến khách hàng; bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để từ đó có kế hoạch khai thác, cân đối nguồn kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Bài và ảnh: Lương Khánh
- 2024-11-18 16:15:00
Thường Xuân phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển
- 2024-11-18 11:04:00
Các dự án BOT giao thông sẽ bị tạm dừng thu phí trong trường hợp nào?
- 2024-11-18 09:32:00
Nâng tầm dịch vụ y tế tại Phú Quốc với Bệnh viện Quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng
Bản tin Tài chính 18/11: Vàng dự báo nhiều biến động, tâm lý lạc quan giảm
Tích tụ, tập trung đất đai tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Nga Sơn
“Số hóa” sản phẩm OCOP
Tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế
Thực hiện Chiến lược phát triển thương mại cho nông sản
Bản tin Tài chính 17/11: Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới
Giải bài toán bỏ ruộng hoang
Xuân Trường đẩy mạnh phát triển kinh tế