(Baothanhhoa.vn) - Dẫu sống trong xã hội phong kiến với những lề thói, định kiến “trọng nam khinh nữ” nhưng người con gái họ Triệu - Triệu Thị Trinh với khí chất, sức mạnh và tài năng của mình đã kiên dũng khiến giặc Ngô khiếp sợ. Để tưởng nhớ công ơn của vị nữ chủ tướng, nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã lập đền thờ Bà.

Thăm các di tích và nghĩ về Vua Bà

Dẫu sống trong xã hội phong kiến với những lề thói, định kiến “trọng nam khinh nữ” nhưng người con gái họ Triệu - Triệu Thị Trinh với khí chất, sức mạnh và tài năng của mình đã kiên dũng khiến giặc Ngô khiếp sợ. Để tưởng nhớ công ơn của vị nữ chủ tướng, nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã lập đền thờ Bà.

Thăm các di tích và nghĩ về Vua BàĐền Bà Triệu dưới chân núi Gai (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Những ngôi đền lưu dấu chân Bà Triệu

Theo truyền thuyết và thần tích, Bà Triệu sinh năm Bính Ngọ, tức năm 226, người ở vùng Quan Yên, quận Cửu Chân nay thuộc địa phận xã Định Tiến, huyện Yên Định. Dẫn chúng tôi lên đỉnh núi Quan Yên, xã Định Tiến, ông Trịnh Đăng Ngự, 83 tuổi, thôn Lang Thôn giới thiệu: Từ những năm 50 của thế kỷ trước, di tích thờ Bà Triệu nằm ở bờ sông, nhưng do lũ lụt, chiến tranh tàn phá, đến năm 1990-1991, Nhân dân đã đưa bà lên thờ tại thành hoàng làng trên núi Quan Yên. Năm 2011, Khu di tích lịch sử đền Trúc và đền thờ Bà Triệu được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Bà, người dân Lang Thôn tổ chức rước kiệu từ nhà văn hóa làng lên đền thờ. Sau một vài lần sửa chữa nhỏ, hiện nay tỉnh đã có chủ trương quy hoạch khu đất 5 ha trên khu vực di tích để xây dựng đền thờ Bà Triệu. “Việc nâng cấp đền thờ là cần thiết, Quan Yên nơi Vua Bà sinh ra và dấy binh khởi nghĩa, nhưng so với các địa điểm khác thì lại chưa được đầu tư tương xứng”, ông Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Định Tiến, cho biết.

Năm 248, trước sự tàn ác của quan lại nhà Ngô (Trung Quốc), Bà Triệu cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt vượt sông Chu đến vùng núi Nưa (thuộc Kẻ Nưa - Cổ Định, nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) cách vùng núi Quan Yên 30 km để lập căn cứ, chuẩn bị khởi nghĩa...

Từ căn cứ Ngàn Nưa, nghĩa quân Bà Triệu đã ào xuống tập kích thành Tư Phố (nay thuộc làng Giàng, phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) và nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng đầu não của chính quyền đô hộ ở Cửu Chân. Sau đó, từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa đã lan ra Giao Chỉ, vào tận Cửu Đức, Nhật Nam đã làm toàn Châu Giao chấn động và thứ sử Châu Giao mất tích. Sau khi Bà Triệu mất, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Bà tại quần thể di tích Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Đền thờ Bà Triệu mà dân gian còn gọi là Đền Đức Vua Bà. Câu nói “Na Sơn nhất phiến, nhất hô thiên hạ biến” (Một tiếng hô ở núi Nưa đã chuyển biến cả thiên hạ) chính là sự tôn vinh Bà Triệu, niềm tự hào của cả dân tộc nói chung và xứ Thanh nói riêng.

Trước thanh thế như chẻ tre của nghĩa quân Bà Triệu, triều đình nhà Ngô đã đem theo binh lực lớn với nhiều lâu thuyền yểm trợ kéo sang nước ta nhằm đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Với tương quan lực lượng quá chênh lệch cùng những mưu hèn kế bẩn, cuộc khởi nghĩa đã bị đàn áp, Bà Triệu tuẫn tiết ở núi Tùng (huyện Hậu Lộc). Theo sử sách, đền thờ Bà Triệu (thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) lúc mới khởi dựng chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến thời tiền Lý (549-602) Vua Lý Nam Đế trong một lần kéo quân vào Nam tiễu trừ phong kiến Lâm Ấp đã nghỉ tại làng Bình Lâm (nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung) đến đền và cầu xin giúp đánh thắng giặc. Chiến thắng trở về, Lý Nam Đế đã phong Bà làm thần, là “Bật chính anh liệt hùng tài Trinh nhất phu nhân” và cấp tiền cho dân làng sửa sang ngôi đền...

Bên cạnh những nét kiến trúc độc đáo, đền Bà Triệu còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm cùng kho tàng các sự tích, huyền thoại, câu đối, ca dao, thơ... Với những giá trị trường tồn, năm 2014 Khu di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

Đi qua mỗi di tích, sự hiện diện của Vua Bà đã minh chứng cho tinh thần yêu nước của dân tộc, để ngày hôm nay chúng ta mãi tự hào và ghi nhớ về công lao của Bà.

1.774 năm cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và những giá trị lịch sử

Đánh giá về cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của nhà Ngô, các nhà sử học khẳng định Bà Triệu đã tạo sức ảnh hưởng sâu rộng, thúc đẩy tinh thần phản kháng, chống đồng hóa của cả dân tộc và thực sự làm thức tỉnh Nhân dân cả nước, tạo ra những bước chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng và hình thái đấu tranh giải phóng dân tộc trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Lần giở lại những trang sử cũ, TS Phạm Văn Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh khẳng định: “Trong thư tịch cổ Trung Quốc, sách Giao Châu ký do Lưu Hân Kỳ biên soạn vào thế kỷ V; Nam Việt chí do Thẩm Hoài Viễn người đời Nam Tống soạn... có chép về Bà Triệu. Thư tịch cổ Việt Nam từ Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần cuối thế kỷ XIV; An Nam chí lược của Lê Tắc; Đại Việt sử ký toàn thư do nhóm sử thần Triều Lê biên soạn; Đại Việt sử ký tiền biên, bộ Quốc sử được xuất bản dưới Triều Tây Sơn; Đại Nam nhất thống chí; Đại Nam quốc sử diễn ca... Và tập trung tư liệu đầy đủ nhất là cuốn Thanh Hóa kỷ thắng do Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh biên soạn bằng chữ Hán vào đầu thế kỷ XX dành nhiều trang chép về Vua Bà.

Ngoài ra, hệ thống tư liệu Hán Nôm như Sắc phong các triều đại, câu đối, thần tích, sự tích và truyện kể được lưu giữ trong dân gian tại các địa phương tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp cho hậu thế một khối lượng sử liệu phong phú để tìm hiểu về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248.

Trên hành trình tìm hiểu về Vua Bà, mỗi di tích đều mang trong mình những dấu tích, câu chuyện kể về sự kiện oai hùng trong lịch sử. Câu chuyện ấy, giữa bốn bề núi rừng có hình ảnh vị Vua Bà cưỡi voi, diệt giặc, thể hiện khí phách quật cường của người dân nước Việt: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”.

1.774 năm đã trôi qua, lịch sử có biết bao thăng trầm, nhưng những sử liệu viết về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và hình ảnh người con gái 23 tuổi kiên trung bất khuất, ngồi trên đầu voi xông lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược vẫn còn in đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa này đánh dấu bước trưởng thành của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của Nhân dân ta đương thời; đồng thời minh chứng sức mạnh của người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để dựng nước và giữ nước.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]