(Baothanhhoa.vn) - Dòng sông Lèn bao đời bồi đắp phù sa màu mỡ, tạo nên vùng bãi bồi ven biển Lạch Sung chạy dài chừng 5km dọc ven biển huyện Nga Sơn. Nơi đây chính là khu rừng ngập mặn lớn nhất tỉnh Thanh. Khoảng chục năm gần đây, nghề nuôi ong dưới tán rừng ngập mặn nơi đây phát triển mạnh để tận dụng mùa hoa sú, vẹt, bần, đước... Một loại mật ong có mùi thơm và màu sắc đặc trưng đã ra đời, đang từng bước tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.

Phát triển nhãn hiệu mật ong rừng ngập mặn Nga Sơn

Dòng sông Lèn bao đời bồi đắp phù sa màu mỡ, tạo nên vùng bãi bồi ven biển Lạch Sung chạy dài chừng 5km dọc ven biển huyện Nga Sơn. Nơi đây chính là khu rừng ngập mặn lớn nhất tỉnh Thanh. Khoảng chục năm gần đây, nghề nuôi ong dưới tán rừng ngập mặn nơi đây phát triển mạnh để tận dụng mùa hoa sú, vẹt, bần, đước... Một loại mật ong có mùi thơm và màu sắc đặc trưng đã ra đời, đang từng bước tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.

Phát triển nhãn hiệu mật ong rừng ngập mặn Nga SơnThu hoạch mật ong rừng ngập mặn ở xã Nga Thủy.

Dọc các xã Nga Thủy, Nga Tân, Nga Tiến và Nga Thái của huyện ven biển Nga Sơn, có một khu rừng ngập mặn quanh năm tươi tốt. Nhìn từ xa, vùng đầm lầy rộng lớn chạy dọc con đê biển Nga Sơn này đã được phủ một màu xanh ngút ngàn. Tổng hợp từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, hiện tổng diện tích khu rừng ngập mặn ven biển của huyện là 347 ha, đang phát triển tốt với sinh khối thuộc hàng lớn nhất trong các khu rừng ngập mặn tại Thanh Hóa hiện nay.

Tại đây, chúng tôi ghi nhận những thân đước, sú vẹt có đường kính trung bình trên dưới 25cm. Bạt ngàn thân cây với muôn ngàn bộ rễ tua tủa bám sâu vào bùn lầy, trở thành “bức tường xanh” vững chãi bảo vệ đê biển, hàng trăm héc-ta nuôi trồng thủy sản và các khu dân cư ở phía xa. Tận dụng môi trường thiên nhiên lý tưởng ấy, khoảng 10 năm qua, hàng chục hộ dân các xã ven rừng đã phát triển mạnh nghề nuôi ong mật. Hằng năm, khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 là mùa hoa của các loài cây trong khu rừng nở rộ nhất. Đây cũng là mùa ong cho mật với sản lượng lớn nhất trong năm. Với nhiều gia đình, nuôi ong rừng ngập mặn đã trở thành nghề chính, là “nghề” thoát nghèo, biến những đàn ong thành “công cụ” làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nga Thủy là xã có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất với khoảng 109 ha, chiếm hơn 31% diện tích toàn bộ khu rừng. Hiện nay, toàn xã có 25 hộ có nghề “thả” ong trong khu rừng ngập mặn. Tại thời điểm đầu tháng 5 này, khoảng 2.000 đàn ong đang được duy trì quanh vùng để tận dụng nguồn hoa từ khu rừng. Ngoài ra, vào mùa lấy mật, nhiều hộ gia đình đã hợp tác với các chủ ong ở tỉnh Hưng Yên, các tỉnh miền núi phía Bắc đưa về đặt thêm hàng nghìn đàn ong dọc tuyến đê chạy qua khu rừng. Nhiều gia đình trong xã như hộ gia đình các ông: Nguyễn Văn Tái, Trần Thông Độ, Trịnh Thanh Khiết, Nguyễn Viết Trung... đều phát triển được hàng chục đến cả trăm đàn ong.

Nhiều nhất là gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Hoàng Long hiện đang duy trì 300 đàn ong. Mỗi ngày với ông Sơn cùng con trai là Nguyễn Văn Đủ đều khá bận rộn, bởi phải phân lịch để kiểm tra, chia tách đàn, quay mật đến những việc tỉ mỉ như tạo nhũ ong chúa, vệ sinh tổ để tránh bệnh tật cho ong. Ngoài ra, anh Đủ còn bố trí thời gian đi đến các mô hình nuôi ong trong vùng để hỗ trợ kỹ thuật, những mong đưa con ong thành “công cụ” làm giàu cho nhiều người dân. Với anh, phải kêu gọi hình thành được các hội nuôi với nhiều thành viên để hỗ trợ nhau, thì nghề nuôi ong địa phương mới phát triển bền vững.

Gần như tuần nào, bố con ông Sơn cũng vài lần tổ chức quay mật. “Mỗi đàn ong cho thu hoạch trung bình khoảng 15 lít mật mỗi năm và thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/năm. Ngoài ra, một đàn ong có thể chia tách để nhân thêm 3 đàn mới mỗi năm, giá bán trung bình 1,5 triệu đồng mỗi đàn” - anh Nguyễn Văn Đủ chia sẻ. Để minh chứng cho sự thơm ngon của mật ong rừng ngập mặn, anh Đủ đưa chúng tôi cảm nhận. Những dòng mật đặc sánh màu vàng nhạt bắt mắt. Nhấp vào đầu lưỡi, có thể cảm nhận ngay một mùi hương thơm đặc trưng, có vị riêng so với những loại mật ong từ hoa khác. Theo anh, qua tìm hiểu, tại miền Bắc, chỉ một số tỉnh đồng bằng sông Hồng mới có vùng biển có bùn để phát triển nghề nuôi ong rừng ngập mặn nên lượng mật này khá hiếm. Đáng nói, hoa từ cây sú vẹt hoàn toàn tự nhiên, không thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học nên có thể nói mật ong rừng ngập mặn là loại mật hữu cơ đúng nghĩa.

Để tạo được sức cạnh tranh trên thị trường cũng như có nguồn mật cung ứng cho khách thường xuyên nhằm tạo uy tín, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn đã kêu gọi thêm 6 hộ nuôi ong lớn trong vùng thành “Hội nuôi ong rừng ngập mặn”. Với tổng số hơn 1.000 đàn, tổ chức hội đã hợp tác với một doanh nghiệp trong xã để xây dựng và phát triển nhãn hiệu “Mật ong rừng ngập mặn Nga Sơn”. Hiện lượng mật sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ đến đó... Phía doanh nghiệp hợp tác là Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa đang hoàn chỉnh thủ tục để xây dựng mật ong rừng ngập mặn nơi đây thành sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]