(Baothanhhoa.vn) - Đinh Chương Dương - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà cách mạng kiệt xuất của quê hương xứ Thanh. Cuộc đời hoạt động của ông trải qua muôn vàn những biến động, thử thách, vậy nhưng một tấm lòng hiến dâng cho cách mạng dân tộc không hề thay đổi...

Nhà yêu nước xứ Thanh Đinh Chương Dương

Đinh Chương Dương - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà cách mạng kiệt xuất của quê hương xứ Thanh. Cuộc đời hoạt động của ông trải qua muôn vàn những biến động, thử thách, vậy nhưng một tấm lòng hiến dâng cho cách mạng dân tộc không hề thay đổi...

Nhà yêu nước xứ Thanh Đinh Chương DươngNhà lưu niệm đồng chí Đinh Chương Dương ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc) là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Tìm về làng Lộc Tiên, tổng Xuân Trường nay là xã Hải Lộc (Hậu Lộc) - vùng đất đã sinh ra nhà cách mạng Đinh Chương Dương. Dẫn chúng tôi ra thăm nhà lưu niệm cụ Đinh Chương Dương, ông Mai Trung Thành, Phó Bí thư Thường trực xã Hải Lộc, cho biết: “Nhà lưu niệm cụ Đinh Chương Dương được xây dựng với một phần kinh phí hỗ trợ của huyện, còn lại là nguồn xã hội hóa. Nhà lưu niệm là nơi để hậu thế tưởng nhớ về một nhà cách mạng ưu tú với nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc”.

Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, sinh năm 1885 trong gia đình có truyền thống yêu nước (bố ông từng tham gia phong trào Cần Vương và khởi nghĩa Ba Đình) từ nhỏ Đinh Chương Dương đã sớm xác định phải “trả thù nhà, đền nợ nước”. Năm 1902 - 17 tuổi, chàng trai Đinh Chương Dương bắt đầu ra đi tìm con đường thực hiện lý tưởng.

Ông đi khắp các tỉnh trong cả nước, rồi vận động phú hào 6 tỉnh Nam bộ góp vốn phát triển nông nghiệp, chấn hưng công nghiệp; vận động thanh niên du học mở mang dân trí; sang Campuchia, Trung Quốc... Ông vừa dạy học và thường nói với thanh niên thời bấy giờ: “Tuổi trẻ giờ đây phải vươn cao cánh tay, đập mạnh vào đầu giặc để trả thù nhà, đền nợ nước”. Khoảng đầu những năm 20 của thế kỷ XX, tên tuổi Đinh Chương Dương đã được nhiều người biết đến.

Theo sách Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội: “Năm 1924, Lê Hồng Sơn là đặc phái viên của cụ Phan Bội Châu từ Trung Quốc về nước mang theo thư của cụ Phan tìm gặp các nhà yêu nước như Lương Văn Can, Đinh Chương Dương thông báo tình hình tổ chức vừa mới thành lập (Tâm tâm xã) và đề nghị giúp đỡ cùng hoạt động”. Sau khi xem thư của cụ Phan Bội Châu, Đinh Chương Dương đã đồng ý cùng hoạt động. Cùng năm đó, ông đã tổ chức đợt xuất dương đầu tiên, gồm những thanh niên trí thức như: Lê Hữu Lập, Nguyễn Danh Đới, Đinh Chương Long (con trai đầu của Đinh Chương Dương)... Tiếp đến, ông lại vào Nghệ An đưa Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Tùng... sang Trung Quốc. Khi trở về đến Móng Cái thì ông bị bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Tuyên Quang.

Sau khi ra tù, nhà yêu nước Đinh Chương Dương lại mở lớp dạy học. Ông bắt liên lạc với Cù Vân (tức Nguyễn Lương Bằng), Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt)... để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đặc biệt, đến lúc này không chỉ riêng bản thân mình, nhà yêu nước Đinh Chương Dương còn “giác ngộ” lý tưởng cách mạng cho cả vợ và con, để cả nhà cùng tham gia.

Ông hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc. Trong một lần ông cùng Nguyễn Tạo và Đinh Chương Phượng (con trai thứ hai của Đinh Chương Dương) lên Thiệu Hóa để bắt liên lạc với tổ chức nhằm xây dựng cơ sở hoạt động thì bị phát hiện và bắt giam. Lần này, giặc Pháp kết án ông 10 năm tù, giam ở nhà tù Hỏa Lò. Tại nhà tù Hỏa Lò, ông lại gặp các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng. Năm 1934, Đinh Chương Dương được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), con trai ông là Đinh Chương Phượng cũng được kết nạp Đảng trong thời gian này.

Trong thời gian bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, nhà yêu nước Đinh Chương Dương bị giặc sử dụng các biện pháp tra tấn dã man (cắt một đoạn ruột, cắt gân chân trái, tiêm thuốc độc vào người...). Tuy nhiên, đến khi ra tù (năm 1936) ông lại tiếp tục kiên trung với lý tưởng mà mình đã lựa chọn. Ông được tổ chức phân công về phụ trách phong trào cách mạng của 3 huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa. Trong phong trào Dân chủ (1936-1939), Đinh Chương Dương đã vận động được hàng nghìn chữ ký trong Nhân dân, lôi cuốn cả các lý trưởng trong vùng cùng tham gia để làm kiến nghị gửi nhà cầm quyền để đòi tự do dân chủ. Cũng theo các cụ cao niên ở Hải Lộc kể lại, trong thời gian này, nhằm che mắt giặc Pháp, nhà yêu nước Đinh Chương Dương đã “đóng vai” sãi vào ở trong chùa để hoạt động cách mạng. Sau đó, ông bị phát hiện, bị giặc Pháp bắt giam, kết án 10 năm tù, giam ở Thanh Hóa, sau đó đi đày ở Buôn Ma Thuột.

Trong thời gian bị đi đày ở Buôn Ma Thuột, ông bị giam cùng con trai thứ ba Đinh Chương Lân. Là người tuổi cao, hoạt động cách mạng lâu năm, lại có uy tín, hiểu biết rộng vì thế Đinh Chương Dương được các anh em, đồng chí kính nể, mến phục và gọi với cái tên thân mật: Cả Thanh - tức anh cả quê Thanh. Năm 1943, thấy sức khỏe Đinh Chương Dương quá yếu, giặc Pháp buộc phải trả tự do cho người cộng sản xứ Thanh.

Những tưởng ông sẽ phải “dở dang” sự nghiệp cách mạng của mình. Nhưng không, sau khi ra tù, Đinh Chương Dương lại “chống gậy” để tìm cách liên lạc với Đảng. Và ông được cử đi Liễu Châu (Trung Quốc) làm nhiệm vụ. Trong thời gian làm nhiệm vụ tại Trung Quốc, nhà yêu nước Đinh Chương Dương đã gặp Bác Hồ và được Người tặng bài thơ: “Quan sơn muôn dặm gặp nhau đây/ Mục đích chung là đuổi Nhật - Tây/ Dân bị hai tròng vào một cổ/ Ta liều trăm đắng với ngàn cay/ Già dù yếu sức mang mang nhẹ/ Trẻ cố gia công gánh gánh đầy/ Non nước của ta ta lấy lại/ Nghìn thu sự nghiệp nối từ đây”.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà yêu nước Đinh Chương Dương về nước. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; làm cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến Trung Bộ... Sau đó, vì sức khỏe suy yếu, ông nghỉ hưu và cư trú tại Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), mất năm 1972.

Đánh giá về con người, sự nghiệp cách mạng của nhà yêu nước Đinh Chương Dương, sách Địa chí Hậu Lộc (chương Nhân vật) đã viết: “Ra đi hoạt động cách mạng từ lúc tuổi còn trẻ, đến lúc tóc đã ngả hoa râm ông mới trở thành người cộng sản. Trải qua ba hệ ý thức tư tưởng: thời kỳ đầu là tư tưởng của các sĩ phu yêu nước, thời kỳ thứ hai là theo tư tưởng quốc gia của các tầng lớp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cuối cùng là tư tưởng cộng sản - đó là một quá trình từ bỏ dần những ý thức cũ, lĩnh hội tư tưởng cách mạng mới trong con người Đinh Chương Dương. Phải là người đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù và sự hạn chế của chính bản thân mới có thể đứng vững và phát triển thành người cộng sản”.

Đọc và tìm hiểu về nhà yêu nước Đinh Chương Dương, hậu thế lại càng cảm phục một ý chí - nhân cách con người chiến sĩ cộng sản trong ông. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của ông và cả gia đình không chỉ là sự vẻ vang riêng, mà còn là “nốt son” tô thắm truyền thống cách mạng của đất và người xứ Thanh. Không chỉ lưu danh lịch sử, tên ông còn được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước dùng để đặt tên đường.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]