(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa - Trường Sa, nếu tính theo đường chim bay cũng cách xa hàng nghìn km, nhưng ở Trường Sa thân yêu, nơi đầu sóng ngọn gió, đảo tiền tiêu của Tổ quốc dường như rất gần xứ Thanh bởi nơi đây luôn hiện hữu hàng trăm người con quê hương xứ Thanh đang ngày đêm thầm lặng gác lại tình cảm riêng tư, hậu phương để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Người Thanh Hóa ở Trường Sa

Thanh Hóa - Trường Sa, nếu tính theo đường chim bay cũng cách xa hàng nghìn km, nhưng ở Trường Sa thân yêu, nơi đầu sóng ngọn gió, đảo tiền tiêu của Tổ quốc dường như rất gần xứ Thanh bởi nơi đây luôn hiện hữu hàng trăm người con quê hương xứ Thanh đang ngày đêm thầm lặng gác lại tình cảm riêng tư, hậu phương để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Người Thanh Hóa ở Trường Sa

Tuần tra bảo vệ đảo Nam Yết.

Gặp gỡ, trò chuyện, đi sâu tìm hiểu tâm tư, tình cảm các anh, tôi hiểu rằng còn nhiều lắm những hy sinh thầm lặng mà các anh luôn giữ cho riêng mình. Tuy nhiên, giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ ấy, các anh không chỉ phát huy mà còn lan tỏa khí chất con người xứ Thanh cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu ở Trường Sa.

Trường Sa giờ đây thật kỳ diệu! Vật chất đủ đầy đã đành, tinh thần cũng đầy đặn. Ti vi, điện thoại thông minh kết nối mạng 3G 24/24h. Mùa nào, tháng nào, thậm chí hằng tuần đều có các đoàn nghệ thuật ra phục vụ quân, dân. Rồi tiếng chuông chùa, thấp thoáng bóng áo nâu sòng thật gần gũi, thân thương…

Ở Trường Sa hội tụ mọi miền quê, lương có, giáo có. Tất cả đều có mặt ở Trường Sa, trong đó có những người con xứ Thanh với khí chất Thanh Hóa chảy trong huyết mạch được hun đúc trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” đã thấm đẫm trên từng đảo chìm, đảo nổi nơi đây. Chắc có lẽ do sinh ra và lớn lên trên mảnh đất can trường, bền bỉ, dẻo dai cho nên dù có ở nơi sóng gió này hay bất kỳ nơi đâu khó khăn, gian khổ hơn, bất kể chiến tranh hay thời bình thì khí chất đó vẫn luôn ngời sáng.

Người Thanh Hóa ở Trường Sa

Chùa Sinh Tồn, nơi đặt tấm bia phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Ngược dòng lịch sử cách đây 33 năm, ngày 14-3-1988 trong trận chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có 6 người con Thanh Hóa:

Đó là đồng chí Hồ Công Đệ, sinh năm 1958, quê ở Hải Thượng, Tĩnh Gia; Đồng chí Vũ Phi Trừ, sinh năm 1955, quê ở Đội 10, Quảng Khê, Quảng Xương; Đồng chí Lê Đức Hoàng, sinh năm 1959, quê ở Hải Yến, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); Đồng chí Đỗ Viết Thành, sinh năm 1966, quê ở Đông Sơn; Đồng chí Lê Đình Thơ, sinh năm 1957, quê ở Hoằng Minh, Hoằng Hóa; Đồng chí Cao Xuân Minh, sinh năm 1966, quê ở Hoằng Quang, Hoằng Hoá.

Danh tính 6 anh được khắc trang trọng trên tấm bia “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma: 14-3-1988” tại ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn.

Người Thanh Hóa ở Trường Sa

Tấm bia phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 trên chùa Sinh Tồn.

Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại đầy đủ những sự kiện đã diễn ra trong chiến dịch CQ-88 (bảo vệ chủ quyền năm 1988) và mãi mãi ghi nhớ tên tuổi 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Đầu tháng 3-1988, nhiều tàu chiến nước ngoài đến khiêu khích tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đưa quân chiếm đóng trái phép ở một số đảo. Giữa tháng 3-1988, các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 Hải quân được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Đến chiều tối ngày 13-3, tàu HQ-604 đến vùng biển Gạc Ma, tàu HQ-505 đến Cô Lin và tàu HQ-605 thẳng tiến đến Len Đao.

Lúc này nhiều tàu địch kéo đến đảo chìm Gạc Ma khiêu khích nhằm buộc tàu vận tải và bộ đội ta rời khỏi đảo. Sáng 14-3-1988, địch thả thuyền nhôm và quân đổ bộ lên đảo, giật cờ Việt Nam tại đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ của ta tổ chức lực lượng quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc và đảo. Địch cậy thế đông, lăm lăm vũ khí xông vào cướp cờ của ta. Quyết không lùi bước, người trước ngã xuống thì người sau xông lên, các chiến sĩ lao vào giành lại lá cờ Tổ quốc. Các chiến sĩ trên đảo đã cùng nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn quyết tâm bảo vệ cờ. Tàu địch đã bắn pháo vào tàu 604 của ta làm tàu hư hỏng nặng và chìm dần xuống biển. 6 người con ưu tú quê hương Thanh Hóa đã cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh.

Người Thanh Hóa ở Trường Sa

Thanh Hóa trong những năm 1980 có rất nhiều con em lên đường nhập ngũ vào Hải quân Nhân dân Việt Nam, đa số đều tình nguyện ra Trường Sa. Họ cũng như bao bạn bè đồng trang lứa khác, đều ước mơ được ngồi ở giảng đường đại học, cao đẳng. Nhưng họ tình nguyện viết đơn nhập ngũ khi hai đầu Tổ quốc và Biển Đông lại vang lên tiếng súng. Trong những năm quân ngũ, người chiến sĩ quê Thanh Hóa luôn là những tấm gương đối với đồng đội về lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực vượt khó. Thời điểm ấy, đất nước vô vàn khó khăn, có những thời khắc tình thế nguy cấp, “ngàn cân treo sợi tóc” những người lính giữ đảo đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi, gian khổ. Lịch sử sẽ mãi khắc ghi sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ trong đó có 6 người con Thanh Hóa anh hùng.

Chiến tranh, các anh dũng cảm chiến đấu bảo vệ đảo đến người cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng để rồi hiên ngang ngã xuống đã đành, nhưng nhiều năm sau, giữa thời bình, máu đào của những người con Thanh Hóa và đồng đội vẫn thấm đỏ từng thớ đất, dải cát, bãi đá ở Trường Sa. Đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông, tôi được nghe kể về tấm gương Binh nhất Nguyễn Hùng Lĩnh, sinh năm 1992, quê ở Sầm Sơn anh dũng hy sinh năm 2014 khi đang làm nhiệm vụ. Câu chuyện về anh khiến tôi rưng rưng bởi lẽ anh ngã xuống khi còn quá trẻ, dở dang biết bao hoài bão, khát khao cống hiến.

Người Thanh Hóa ở Trường Sa

Chuyến công tác mới chỉ qua 11 đảo chìm, đảo nổi và Nhà giàn DK1 nhưng chúng tôi không thể nhớ hết đã gặp bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ quê ở Thanh Hóa. “Thanh Hóa quê mình ở đây mấy người?”, gặp ai mà nghe thấy chất giọng đặc trưng xứ Thanh là tôi đều hỏi vậy. Tôi nhận lại những câu trả lời đầy tự hào: “Nhiều lắm, không nhớ hết anh ạ. Ở Trường Sa thường xuyên luân phiên đổi vị trí công tác giữa các đảo, người quê Thanh Hóa lại đông, có người ở vài năm, 1 năm, hay vài tháng rồi lại chuyển công tác nên không cố định”. Thế mới thấy, hết tháng lại đến năm, hết mùa biển động lại đến mùa biển lặng, thời gian có nát đá, tan vàng thì những người con quê hương Thanh Hóa vẫn nối nhau đến, chắc tay súng bảo vệ biển đảo Trường Sa. Trên cương vị nào, từ chỉ huy đảo, chỉ huy cụm chiến đấu đến nhân viên, chiến sĩ thì các anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Là tỉnh có địa bàn miền núi rộng, nhiều dân tộc cùng chung sống nên hầu như năm nào cũng có con em đồng bào dân tộc thiểu số quê Thanh Hóa ra công tác ở Trường Sa. Trung úy Phạm Công Giáp, sinh năm 1994, người dân tộc Mường, quê ở huyện miền núi Ngọc Lặc, đang công tác trên đảo Sơn Ca là một trong số đó. Giáp có gương mặt rám nắng, nụ cười hiền tươi rói. Được ra bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc với Giáp là một vinh dự mà không phải ai muốn cũng đạt được nhất là khi anh sinh ra và lớn lên ở miền núi, không có biển. Nhớ lại ngày đầu lên tàu mới ra đảo, Giáp vẫn không thể quên cảm giác say sóng khủng khiếp khi bị những con sóng hành hạ nhưng khi ra đến đảo, Giáp dường như choáng ngợp trước vẻ đẹp bao la biển trời Tổ quốc. Dù ban đầu có chút bỡ ngỡ với điều kiện sinh hoạt mới nhưng không vì thế mà Giáp cảm thấy áp lực mà trái lại, Giáp biến lòng tự hào là con em xứ Thanh, là niềm tự hào của đồng bào Mường thành động lực để nỗ lực hoàn thiện bản thân, phát huy phẩm chất quê hương anh hùng nơi đầu sóng ngọn gió.

Mới chỉ đặt chân lên một số đảo, điểm đảo, nhà giàn mà chúng tôi đã gặp và trò chuyện với hàng chục người con quê hương Thanh Hóa. Ai cũng tự hào mình là con em xứ Thanh, để rồi cùng nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế mới thấy sự cống hiến to lớn của quê hương Thanh Hóa với đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Chia sẻ với những hy sinh thầm lặng của các anh nơi đảo xa, chúng tôi hiểu rằng không chỉ nhiều người bố chưa biết mặt con mà còn đó rất nhiều chiến sĩ những khi nhận thông tin vợ con, người thân đau ốm nằm viện, họ đều cố gắng tự mình vượt qua. Phẩm chất người xứ Thanh cùng với sóng gió Trường Sa đã rèn giũa thêm bản lĩnh người chiến sĩ, người cha một cách lặng thầm. Bởi khí chất người Thanh Hóa là sự kết tinh, hun đúc từ các phẩm chất anh hùng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động, ý chí sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy, gian khổ, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên. Những phẩm chất đó đang ngời ngời tỏa sáng ở Trường Sa. Sóng gió Trường Sa đang ngày đêm trui rèn, làm lan tỏa “khí chất xứ Thanh” trong huyết mạch những người sẵn sàng gác lại nỗi niềm riêng tư để trở thành những cột mốc sống, bức tường thành vững chắc bảo vệ quần đảo thân thương của Tổ quốc.

Mạnh Hùng


Mạnh Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]