(Baothanhhoa.vn) - Từng là cán bộ Cục thuế Thanh Hóa rồi chuyển ra Hà Nội làm ăn, sinh sống nhưng anh Nguyễn Xuân Khải đã “dời phố” về quê làm trang trại tại thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ (Yên Định). Những năm trước, xứ đồng Cồn Ngọc là vùng đất hoang hóa, giao thông đi lại khó khăn, là nơi “tập kết” những đàn trâu, bò thả rông gặm cỏ. Nhiều lần về thăm quê đi qua khu vực này, anh Khải thấy tiếc và sẵn có đam mê với cây, anh đã kết nối với một người anh thân thiết cùng nhận thầu để làm chung.

Người “đánh thức” xứ đồng Cồn Ngọc

Từng là cán bộ Cục thuế Thanh Hóa rồi chuyển ra Hà Nội làm ăn, sinh sống nhưng anh Nguyễn Xuân Khải đã “dời phố” về quê làm trang trại tại thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ (Yên Định). Những năm trước, xứ đồng Cồn Ngọc là vùng đất hoang hóa, giao thông đi lại khó khăn, là nơi “tập kết” những đàn trâu, bò thả rông gặm cỏ. Nhiều lần về thăm quê đi qua khu vực này, anh Khải thấy tiếc và sẵn có đam mê với cây, anh đã kết nối với một người anh thân thiết cùng nhận thầu để làm chung.

Người “đánh thức” xứ đồng Cồn NgọcAnh Nguyễn Xuân Khải (bên phải) chủ trang trại bưởi Nguyễn Xuân, xã Yên Thọ (Yên Định) trao đổi với khách hàng.

Năm 2004 anh Khải tôn cao xứ đồng, đào ao thả cá, trồng đủ thứ cây như: gió bầu, xà cừ, dâu, ngô, sắn, mía... nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không ổn định như mong đợi. Trong một lần đến làng Diễn (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) thấy cây bưởi Diễn được trồng có những ưu điểm vượt trội, nhiều quả, ngon, anh đã đấu mối với Viện Nông nghiệp Việt Nam mua 100 cây về trồng thử nghiệm. Năm đầu chưa có kỹ thuật nên chỉ sống được 20 cây. Năm 2010, bưởi Diễn ra quả, anh đánh giá mức độ phù hợp thổ nhưỡng và chất lượng quả nên quyết định tách ra làm riêng và vay mượn tiền đầu tư trồng 3.000 cây bưởi Diễn trên diện tích 10 ha. Mặc dù trang trại bưởi có thu nhập khá nhưng luôn cần nhiều lao động, trong khi việc thuê người lại rất khó khăn, nhất là việc phun thuốc trừ sâu độc hại, cá trong ao cũng không thể nuôi nổi. Nhìn đất đai ngày càng suy thoái, côn trùng dưới đất cũng dần mất đi, anh Khải nghĩ mình phải làm điều gì đó để cứu lấy sự sống trong trang trại của mình.

Năm 2017, sau khi đọc nhiều tài liệu về nông nghiệp hữu cơ, anh Khải đã “cứu đất”, vì đất tốt hay không được quyết định bởi mật độ vi sinh vật có lợi trong đất. Những vi sinh vật, côn trùng sẽ là những “kiến trúc sư” giúp phân hủy xen-lu-lô trong lòng đất, đào bới đất thay cho con người. Cùng với đó, anh sử dụng chế phẩm EM để tưới cho cây thay vì sử dụng hóa chất độc hại thông thường mà rất nhiều hộ dân những năm trước thường dùng. Phân bón có nguồn gốc thủy sản như cá, tôm... bón cho cây trồng là thức ăn cho các vi sinh vật, điều này đã giúp đất trong vườn bưởi ngày càng tơi xốp, giữ ẩm và tăng độ phì nhiêu, cung cấp nguồn năng lượng cho cây trồng. Đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu của thị trường và anh Khải đã chuyển sang trồng bưởi Diễn theo mô hình canh tác hữu cơ/organic, đó là thực hiện 8 không: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại, anh Khải chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi Diễn hữu cơ/organic khác với phương thức trồng cây bưởi Diễn thông thường là dùng động vật, sinh vật biển là để mang lại chất dinh dưỡng tốt nhất cho cây, hiệu quả lâu dài, tiết kiệm nhân công. Nói thì dễ, nhưng làm mới thật kỳ công và phải thật sự tâm huyết mới làm được.

Sau hơn 4 năm thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ và đăng ký thương hiệu “Bưởi hữu cơ Mộc Ân”, trang trại Nguyễn Xuân của anh Khải đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC Việt Nam trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic - đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic quốc gia năm 2020. Nhiều năm nay, vườn bưởi của gia đình không phải xới xáo, không phải tưới nước mà vẫn tạo bộ đệm sinh học cho côn trùng trú ngụ, nhất là các loại giun đất làm tơi xốp đất, phát triển xanh tốt quanh năm, cho ra sản phẩm sai quả, chất lượng thơm ngon, ngọt đậm, màu sắc vàng ươm.

Hiện nay trang trại bưởi Diễn của gia đình anh Khải đang trong thời vụ chăm sóc. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh với giá từ 30.000 đồng trở lên/quả tùy thuộc vào trọng lượng của mỗi quả. Với 3.000 gốc bưởi Diễn, bình quân mỗi năm, trang trại cho thu hoạch khoảng 250 tấn quả với doanh thu đạt khoảng 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu từ hàng trăm cặp chim bồ câu, ao cá... Trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động với thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên và nhiều lao động thời vụ. Anh Khải đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm bưởi cho Công ty CP Tập đoàn Grove Group - một doanh nghiệp có chuỗi phân phối nông sản sạch tại thị trường Việt Nam, phân phối độc quyền thị trường phía Nam.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều năm nay, trang trại bưởi Diễn của gia đình anh Khải được nhiều hộ làm vườn, chủ trang trại trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập; nhiều đoàn dã ngoại của các nhóm hộ gia đình, nhóm giáo dục cộng đồng đến tham quan... Qua đó tạo động lực cho anh làm kinh tế và theo đuổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, đồng thời tuyên truyền cho các hộ làm vườn, những du khách tham quan hãy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn cho sức khỏe của mình, của cộng đồng. Điều anh vui nhất là những côn trùng trong lòng đất, dưới những gốc cây bưởi bắt đầu phục hồi có lợi cho cây trồng. Mùa bưởi đơm hoa, kết trái tỏa hương thơm ngát, quả ngọt; ong, bướm, chim chóc ở đâu cũng kéo về, nhìn rất vui mắt.

Qua trò chuyện, chúng tôi nhận thấy ở anh niềm đam mê khởi nghiệp rất lớn. Dù có những lúc thua lỗ, nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua và nay đang mở rộng phát triển theo hướng trang trại du lịch sinh thái. Anh đã học hỏi và chiết xuất thành công tinh dầu từ hoa bưởi, chè bưởi uống nước... Những gốc bưởi có tuổi đời hơn 10 năm, cùng với những hàng dừa xiêm, các loại cây ăn quả khác, chim bồ câu, ao cá... đang tạo ra chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn để thu hút khách và phát triển trang trại bền vững, bảo vệ môi trường đã được anh Khải chia sẻ cho nhiều hộ làm vườn khác với mong muốn mô hình được nhân rộng, hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng đến đông đảo người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]